Thứ Tư, 04/12/2024, 14:03 (GMT+7)
.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15-10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao Việt Nam đã có hai kỳ Olympic liên tiếp không giành huy chương. Trong ảnh: Vận động viên bơi Huy Hoàng từng được kỳ vọng, nhưng thành tích thi đấu giảm sút tại Olympic 2024. (Ảnh GETTY)
Thể thao Việt Nam đã có hai kỳ Olympic liên tiếp không giành huy chương. Trong ảnh: Vận động viên bơi Huy Hoàng từng được kỳ vọng, nhưng thành tích thi đấu giảm sút tại Olympic 2024. (Ảnh GETTY)


Trong suốt hơn 20 năm qua, kể từ khi đăng cai SEA Games 22 năm 2003, Việt Nam luôn nằm trong tốp ba nước dẫn đầu, thậm chí ở hai kỳ SEA Games gần nhất là 2022 và 2023, vận động viên của chúng ta đều giành ngôi đầu bảng về số huy chương. Thế nhưng, ở đấu trường châu lục và Olympic, cụ thể là tại hai kỳ Oympic 2020 và 2024, Việt Nam đều không giành được huy chương.

Bởi vậy, mục tiêu cần hướng tới của thể thao Việt Nam ở Olympic cho đến năm 2030 là phải cố gắng giành được và có thể tăng số lượng huy chương. Xa hơn, hướng tới tầm nhìn đến năm 2045, để mục tiêu này thành hiện thực, ngành thể thao Việt Nam cần có chiến lược đầu tư trọng điểm rõ ràng, thậm chí cần chuyển hướng, không tập trung quá mức vào mục tiêu dẫn đầu Đông Nam Á để vươn tầm châu lục và thế giới, trọng điểm là ASIAD và Olympic.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thể thao hàng đầu nước ta, để có những vận động viên mạnh, có thể đoạt huy chương ở ASIAD và Olympic, điều kiện quan trọng nhất là tuyển chọn nhân tài và có cơ chế đầu tư đặc biệt từ Trung ương đến địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa. Theo nhận định của Cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt, thể thao Việt Nam có một số môn có thể hướng tới Olympic là: Bắn súng, bắn cung và cử tạ.

Tại Olympic Paris 2024 vừa qua, bắn súng là môn duy nhất có đại diện lọt vào vòng chung kết để tranh huy chương. Ông Đặng Hà Việt khẳng định: “Hiện ngành thể dục-thể thao rất nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết, trong đó phải phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa thể thao thành tích cao; hiện đại hóa các phương tiện tập luyện và chăm sóc vận động viên ở các trung tâm thể thao cấp cao nước nhà; vấn đề y học thể thao, chăm sóc, chữa trị chấn thương cho vận động viên, chống sử dụng chất kích thích trong thể thao… Đây đều là những vấn đề quan trọng, cấp thiết mà ngành thể dục-thể thao đã và đang từng bước tháo gỡ, tìm phương án phù hợp để điều chỉnh, thích ứng theo từng giai đoạn cụ thể”.

Tuy nhiên, cái khó nhất để nâng cao thành tích thể thao Việt Nam là nguồn kinh phí đầu tư cho vận động viên. Hiện nay, những vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD, Olympic đang hưởng chế độ ăn 480.000 đồng/ngày (không quá ba tháng), công tập luyện 640.000 đồng/người/ngày (không kể ngày nghỉ), mức lương để thuê chuyên gia nước ngoài đang bị giới hạn khoảng 7.000 USD/tháng trong khi chế độ này đã quá lạc hậu. Việc vận động viên đỉnh cao chỉ được đầu tư những chế độ nêu trên cho thấy định hướng đầu tư thể thao thành tích cao vẫn mang tính mùa vụ, thiếu kế hoạch dài hạn.

Nhìn vào một số nền thể thao có thể thấy sự chênh lệch rõ rệt, cụ thể tại Olympic 2024, vận động viên xe đạp băng đồng người Pháp Pauline Ferrand-Prevot đã giành được Huy chương vàng Olympic sau hơn 10 năm không ngừng nỗ lực khổ luyện của bản thân và sự hỗ trợ về mặt tài chính lâu dài từ nhiều nguồn khác nhau. Hay như xạ thủ Li Yuehong 34 tuổi của Trung Quốc được đầu tư trong thời gian dài cũng chỉ giành Huy chương vàng đầu tiên trong lần thi đấu thứ ba liên tiếp tại Olympic. Việc đầu tư ngắn hạn sẽ khiến các vận động viên đỉnh cao không thể ổn định và nâng cao thành tích.

Trong khi Cục Thể dục-Thể thao còn đang vướng mắc về tài chính, Nghị quyết số 998/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh được xem là tín hiệu tích cực đầu tiên để có thể tạo ra bước đột phá, song vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện.

Thể thao là lĩnh vực đặc thù, việc chế độ đãi ngộ thấp khiến càng ngày càng khó tìm kiếm các tài năng trẻ. Hai đơn vị dẫn đầu về thể thao cả nước nhiều năm qua là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện rất khó để chiêu mộ các tài năng thể thao, trong khi thiếu điều kiện đầu tư sẽ cản trở việc nâng cao thành tích. Rõ ràng việc vừa phải duy trì mục tiêu giữ vị trí tốp ba nước dẫn đầu Đông Nam Á (đòi hỏi đào tạo số đông vận động viên, thậm chí phải huấn luyện ngắn hạn nhiều vận động viên ở các môn mới tùy từng kỳ đại hội) và xây dựng kế hoạch đào tạo vận động viên đỉnh cao đòi hỏi kế hoạch dài hạn và rất tốn kém, khó khăn.

Trong lúc này, vai trò của các hiệp hội, liên đoàn rất quan trọng. Cục Thể dục-Thể thao cần xem xét giảm đầu tư đỉnh cao cho các môn thể thao không có trong chương trình Olympic, hoặc những môn rất khó vươn lên đỉnh cao châu Á và thế giới để tập trung vào những môn phù hợp tố chất và trình độ của vận động viên Việt Nam. Việc đầu tư phát triển thể thao phong trào cũng nên tập trung một số môn như chạy bộ, bóng bàn,… vì hiện đã có nền tảng xã hội hóa rất tốt. Đầu tư cho thể thao thực chất là đầu tư công, vì thế cần có trọng điểm, trọng tâm, tránh dàn trải.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.