Thể thao Việt Nam đông mà chưa tinh
Thể thao Việt Nam vừa có thêm thành viên mới sau sự ra đời của Liên đoàn kendo Việt Nam. Kendo hay "kiếm đạo" là môn võ đến từ Nhật Bản và được xem là khá phổ biến hiện nay. Như vậy, tính đến nay chúng ta đã có 44 Liên đoàn/Hiệp hội thay mặt Nhà nước quản lý và điều hành các môn thể thao. Nhiều khả năng sắp đến sẽ có thêm Liên đoàn pickleball cũng như một loạt môn thể thao hiện đại nữa.
Vì việc sinh ra hay tồn tại của các Liên đoàn hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của môn thể thao đó trong đời sống xã hội nên không thể đánh giá con số 44 Liên đoàn/Hiệp hội tại Việt Nam là nhiều hay ít. Một môn chơi phổ biến đến một mức độ nào đó cũng cần có tổ chức quản lý thì mới có sự quy củ và định hướng lâu dài được. Đấy là chưa kể việc thành lập các Liên đoàn thể thao cũng là yêu cầu trong quá trình hội nhập quốc tế với đặc thù quản lý theo ngành dọc.
Nếu có quá ít Liên đoàn thì chẳng nói làm gì, nhưng vấn đề đặt ra là khi có rất nhiều tổ chức như vậy thì liệu có phản ảnh sức mạnh của nền thể thao hay không. Môn nào cũng có Liên đoàn, nhưng có bao nhiêu đơn vị như vậy đạt được vị thế quan trọng trên trường quốc tế, mà cụ thể là vai trò và tiếng nói ở những Liên đoàn cấp cao?Xem thể thao trực tiếp trực tuyến
"Sinh" ra Liên đoàn để quản lý hoạt động thi đấu nội địa là đương nhiên, nhưng việc phát triển ra ngoài biên giới quốc gia, cũng quan trọng không kém. Đơn giản là nếu Liên đoàn nào làm được như vậy, đồng nghĩa với môn thể thao đó đang vươn tầm thế giới.
Không phải tự nhiên mà nhiều quan chức của VFF, như ông Chủ tịch Trần Quốc Tuấn, đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng ở AFC, AFF. Một phần vì bóng đá Việt Nam tiến bộ mạnh trong 5 năm qua, nhưng một phần đến từ tính hiệu quả trong hoạt động của VFF. Nói chung, nếu thấy quan chức hay trọng tài Việt Nam được mời làm việc ở các sự kiện quốc tế lớn thì cũng có thể hiểu là bóng đá Việt Nam đang phát triển tốt, được đánh giá cao.
Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch VFF, ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VFF và LĐBĐ Nhật Bản (JFA). Ảnh: JFA |
Rất tiếc là không tính các môn có nguồn gốc từ Việt Nam điển hình như Vovinam, thì những Liên đoàn có "đẳng cấp quốc tế" của thể thao Việt Nam kiểu như VFF chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chưa bàn đến tính hiệu quả trong hoạt động nội bộ, nhưng rõ ràng khi vai trò quốc tế kém thì cũng khó có thể tin rằng môn thể thao đó đang phát triển mạnh được.
Nhìn ở góc độ rộng hơn, số lượng các Liên đoàn/Hiệp hội không quan trọng bằng chất lượng hoạt động. Lấy ví dụ như môn billiards chẳng hạn, nhiều VĐV đang tham gia các tổ chức nhà nghề tư nhân, không trực thuộc các liên đoàn cấp trên của đơn vị đang quản lý môn chơi này ở Việt Nam. Như vậy, trong trường hợp này thì rõ ràng sự lớn mạnh của billiards Việt Nam còn gấp nhiều lần so với vị thế của Liên đoàn. Phải chăng, có hay không có Liên đoàn cũng chẳng ảnh hưởng gì?
Đây chính là vấn đề của thể thao Việt Nam trong nỗ lực vươn tầm. Như đã nói, không cần phải đặt câu hỏi về sự tồn tại của các Liên đoàn/Hiệp hội, mà điều quan trọng là cần có nhiều Liên đoàn mạnh. Để phát triển các môn thể thao, nhất là các môn trọng điểm để đạt đẳng cấp châu lục – thế giới, thì không chỉ là tổ chức hoạt động thi đấu, vận động tài chính, mà còn phải chăm lo phong trào, thể thao học đường, đào tạo trẻ …Đó chính là công việc mà cơ quan quản lý Nhà nước không thể "lo" được do không có điều kiện hoặc chức năng.
Trong khi đó, bộ máy của một Liên đoàn có thể từ 20 hay thậm chí 30 người, đằng sau đó là những đơn vị hỗ trợ như doanh nghiệp, tổ chức xã hội. Với quy mô như vậy, mà chỉ để tổ chức thi đấu hay mỗi năm chỉ có nguồn thu chưa đến 1 tỷ đồng, thì phải chăng là đang lãng phí nguồn lực thay vì giúp cho môn thể thao mình phát triển?
(Theo https://thethaovanhoa.vn/the-thao-viet-nam-dong-ma-chua-tinh-20250115220852079.htm)