Thể thao Việt Nam giành gần 500 HCV trong năm 2024
Năm 2024, Thể thao Việt Nam đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế, trong đó có 482 Huy chương Vàng, 360 Huy chương Bạc, 372 Huy chương Đồng.
Năm 2024, công tác quản lý nhà nước về thể thao được tăng cường, mang lại những kết quả nhất định.
Việc hoạch định chiến lược, chính sách và triển khai các đề án, chương trình, phong trào thể thao được quan tâm. Công tác đào tạo vận động viên, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức thi đấu thể thao tiếp tục có những chuyển biến.
Nhiều hoạt động thể thao gắn kết với văn hóa, du lịch mang lại hiệu quả cao, thu hút được sự quan tâm của nhiều địa phương, tổ chức và nhân dân, huy động được nguồn lực xã hội cho phát triển sự nghiệp thể dục thể thao.
Thể thao quần chúng ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo động lực thúc đẩy thể thao Việt Nam vươn tầm quốc tế. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) |
Thể thao nâng cao chất lượng cuộc sống
Thể thao Việt Nam dựa trên 2 trụ cột. Trụ cột thứ nhất là thể thao cho mọi người với cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" trên tinh thần "Dân cường - Quốc thịnh".
Năm 2024 số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 37,5 % (tăng 0,8% so với năm 2023); số gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 28,3% tổng số hộ (tăng 0,7% so với năm 2023). 27 hội thi và các giải thể thao quần chúng cấp quốc gia tiếp tục được tổ chức trong năm, thu hút trên 20.000 vận động viên tham dự; từ đó phát hiện, tạo nguồn cho thể thao thành tích cao phát triển.
Bên cạnh đó, các ngành thể dục thể thao đã phối hợp với các ngành giáo dục, công đoàn viên chức, đoàn thanh niên tổ chức Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X, Hội thao Công đoàn Viên chức Việt Nam vùng với các hoạt động khai mạc Hè, Ngày Olympic trẻ em, phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước quy mô quốc gia...
Đối với trụ cột thứ 2 - thể thao thành tích cao, các đội tuyển đã tích cực tập luyện, tham dự các giải thể thao quốc tế trong năm 2024. Kết quả, Thể thao Việt Nam đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế (trong đó có 482 Huy chương Vàng, 360 Huy chương Bạc, 372 Huy chương Đồng). Trong đó, tiêu biểu là, lần đầu tiên đội tuyển Fusal nữ giành chức vô địch Đông Nam Á; vận động viên Trịnh Thu Vinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với 2 lần vào chung kết ở 2 nội dung là 10m súng ngắn hơi và 25m súng ngắn thể thao; đội tuyển Bóng chuyền nữ lần đầu tiên giành huy chương Đồng thế giới và lần thứ 2 giành huy chương Vàng Cúp Bóng chuyền châu Á...
Tại Olympic Paris 2024, Việt Nam có 16 vận động viên/11 môn giành suất tham dự. Tuy không đạt được huy chương nhưng các vận động viên, huấn luyện viên đã nỗ lực thi đấu hết mình, thông số thành tích của hầu hết vận động viên ở các môn như: Rowing, Bắn súng, Bắn cung, Xe đạp… được cải thiện. Các môn đối kháng trực tiếp như cầu lông, boxing cũng thể hiện được nhiều dấu ấn.
Tại Paralympic Paris 2024 đã có 7 vận động viên vượt qua vòng loại; vận động viên Lê Văn Công giành được 1 Huy chương Đồng với thành tích 171 kg.
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Đặng Hà Việt nhận định: Có thể thấy rằng trong giai đoạn qua, phong trào thể dục thể thao đã phát triển sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn cả nước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thể dục thể thao, từ đó tăng cường chỉ đạo, đầu tư và chăm lo phát triển phong trào thể dục thể thao. Người dân đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về tác dụng, vai trò của hoạt động thể dục thể thao đối với việc nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống, qua đó ngày càng có nhiều người tự nguyện, tự giác tham gia các hoạt động thể dục thể thao.
Hiện thực hóa mục tiêu "Xây dựng nền Thể dục thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp"
Dù vậy, nhìn lại năm 2024, ngành Thể dục thể thao cũng còn một số hạn chế, khó khăn trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Việc không đạt được huy chương tại Olympic Paris 2024 cho thấy công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên trọng điểm để tranh chấp huy chương tại cấp độ thế giới chưa đạt yêu cầu đề ra. Lực lượng vận động viên mỏng, đội ngũ huấn luyện viên còn hạn chế; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn kinh phí phục vụ công tác đào tạo vận động viên còn thiếu, lạc hậu. Điều này đã tạo ra giới hạn cho công tác huấn luyện, giới hạn cho thành tích của các vận động viên.
Năm 2025, lĩnh vực Thể dục thể thao tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển Thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược được đánh giá là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao của đất nước. Đây cũng là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực, khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu "Xây dựng nền Thể dục thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp" đến năm 2045.
Ngành tập trung triển khai Kết luận số 70-KL/TW ngày 31-1-2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới; Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Đề án Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035.
Ngành tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; Chương trình Bơi an toàn phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em và các nội dung, nhiệm vụ về phòng chống tai nạn, thương tích, phòng chống xâm hại trẻ em; hướng dẫn các địa phương tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026.
Bên cạnh đó, ngành tập trung xây dựng chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046; tổ chức, điều hành các Hội thi, giải thể thao quần chúng toàn quốc, lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thể dục thể thao theo kế hoạch; tập trung cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 (SEA Games 33) tại Thái Lan, Đại hội thể thao trẻ châu Á lần thứ 4 (AYG 4) tại Bahrain, Đại hội Thể thao thế giới (World Games) tại Trung Quốc và các sự kiện thể thao quốc tế năm 2025.
Cùng với đó, phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chỉ đạo tổ chức tốt V-League, chuẩn bị cho đội tuyển Bóng đá nam tham dự: vòng loại U23 châu Á, SEA Games 33....; đội tuyển bóng đá nữ tham dự vòng loại nữ châu Á, SEA Games 33... và các giải bóng đá quốc tế năm 2025./.
(Theo TTXVN)