.

Gỡ "rào cản" đầu tư thể thao đỉnh cao để có trọng tâm, trọng điểm

Cập nhật: 11:18, 02/04/2025 (GMT+7)

Sau hai kỳ Olympic liên tiếp không giành huy chương, ngành thể thao Việt Nam cần thực hiện những thay đổi mạnh mẽ, tập trung huy động nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và có cơ chế, chính sách phù hợp; chủ động hơn trong đào tạo, bồi dưỡng vận động viên đỉnh cao, có tính trọng tâm, trọng điểm.

Thể thao Việt Nam đã chọn ra 17 môn trọng điểm để tập trung đầu tư từ năm 2025. (Ảnh: K.MINH)
Thể thao Việt Nam đã chọn ra 17 môn trọng điểm để tập trung đầu tư từ năm 2025. (Ảnh: K.MINH)

Xét về nguồn lực, việc đào tạo vận động viên đỉnh cao tại Việt Nam còn nhiều khó khăn. Công tác đào tạo tài năng trẻ còn hạn chế về số lượng, chưa có nhiều vận động viên có khả năng tranh chấp thành tích trên đấu trường Olympic và ASIAD. Thậm chí, các vận động viên hàng đầu không duy trì được sự ổn định về thành tích. Trình độ huấn luyện viên trong nước đạt cấp châu lục và thế giới còn rất hạn chế, trong khi cơ sở vật chất ở các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia hiện còn thiếu và chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Khó khăn lớn nhất trong công tác đào tạo vận động viên dự ASIAD hiện nay là kinh phí, thể hiện ở nhiều lĩnh vực trong tập huấn. Đơn cử ở môn bắn cung, vận động viên luôn thiếu trang thiết bị. Một vận động viên đỉnh cao của Thái Lan hay Hàn Quốc thường sử dụng từ 400 - 500 mũi tên/ngày, trong khi đó các vận động viên trọng điểm của Việt Nam chỉ được sử dụng khoảng 200 - 300 mũi tên/ngày.

Ở môn đấu kiếm, vận động viên Việt Nam không được sử dụng các loại kiếm tiêu chuẩn, tình trạng thiếu kiếm tập ở các đội tuyển và đội tuyển trẻ diễn ra thường xuyên trong nhiều năm... Đối với môn bắn súng, đội tuyển quốc gia cũng thường xuyên thiếu kinh phí dẫn đến phải “tập chay”, không có đạn bắn; vì ngân sách cho môn bắn súng, bao gồm cả tập huấn và thi đấu các giải quốc tế được phân bổ chỉ khoảng 3,3 tỷ đồng (khoảng 150.000 USD), trong khi yêu cầu thực tế khoảng 10 đến 12 tỷ đồng (khoảng 500.000 USD).

Để đào tạo vận động viên, việc thuê chuyên gia nước ngoài là hết sức cần thiết, nhưng với nhu cầu cần từ 35 - 40 chuyên gia và mức lương từ 6.000 - 8.000 USD/tháng hiện chưa thể đáp ứng. Những chuyên gia hàng đầu thế giới để huấn luyện các xạ thủ bắn súng, bắn cung có khả năng tranh chấp huy chương Olympic có mức lương cao hơn nhiều.

Về dinh dưỡng, các huấn luyện viên, vận động viên hiện đang thực hiện theo Thông tư số 86/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính. Riêng với các huấn luyện viên, vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia và có khả năng giành huy chương tại Đại hội thể thao châu Á, Olympic trẻ hoặc có khả năng đạt chuẩn tham dự Olympic cùng các huấn luyện viên, vận động viên tham dự Paralympic được hưởng chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày. Mức này chưa đáp ứng được nhu cầu và thời giá hiện tại. Chế độ đãi ngộ cho vận động viên giành huy chương Olympic và ASIAD hiện nay cũng đã khá lạc hậu so với tình hình hiện tại.

Thực tiễn công tác đào tạo vận động viên của các nước có nền thể thao hàng đầu thế giới đã cho thấy những mô hình đào tạo phổ biến hiện nay. Tại Mỹ, việc đầu tư cho thể thao dựa trên nền tảng thể thao học đường, được huy động từ các nguồn tài trợ doanh nghiệp và việc đào tạo, huấn luyện được ứng dụng những công nghệ tiên tiến từ kinh nghiệm thực tế. 

Tại Hàn Quốc, Chính phủ kết hợp nhiều nguồn lực quốc gia, huy động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn để tập trung vào những môn thể thao mũi nhọn như: Bắn cung, Taekwondo, đua xe đạp lòng chảo... Trong khi đó, Trung Quốc tập trung đào tạo vận động viên có khả năng giành huy chương ở các môn: Cử tạ, bắn súng, nhảy cầu, bóng bàn, cầu lông từ rất sớm (có môn bắt đầu tập từ sáu đến mười tuổi).

Hiện nay, hầu hết việc đầu tư vận động viên Việt Nam đỉnh cao là dựa trên ngân sách nhà nước, bởi thế các nhà quản lý thể thao của nước ta vẫn phải chờ đợi hỗ trợ lớn hơn. Tuy nhiên, sự cần thiết trước mắt là ngành thể thao cần được tự chủ về chính sách đầu tư trọng điểm cho thể thao. Do thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính, mỗi năm, ngành thể thao chi tiêu cả nghìn tỷ đồng, nhưng lại không thể chi khoản kinh phí 10 tỷ đồng cho bắn súng mà phải dàn trải ở rất nhiều môn, thậm chí là thể thao phong trào.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 10 vận động viên đủ khả năng tranh chấp huy chương Olympic, tập trung ở hai môn là bắn súng và bắn cung. Đây là niềm hy vọng lớn nhất của thể thao Việt Nam tại Olympic 2028 sắp tới. Nhóm vận động viên này cùng với một số ít khác đương nhiên là những người được kỳ vọng giành huy chương ASIAD 2026 đang cận kề.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là chờ thêm kinh phí và những đổi mới để ngành thể thao được tự quyết việc đầu tư đỉnh cao cho một nhóm vận động viên tài năng, thay vì dàn trải như hiện tại. Việc thực hiện chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị cho Olympic và ASIAD giai đoạn 2026 - 2046 càng cần nguồn lực hỗ trợ dài hạn và tập trung trọng điểm.

(Theo nhandan.vn)

.
.
.