Thứ Sáu, 04/07/2025, 16:33 (GMT+7)
.

Góc nhìn thú vị giữa tài chính và kinh nghiệm thi đấu ở V-League

Dù đã hơn 1 tuần trôi qua, nhưng trận thua của Trường Tươi Bình Phước trước SHB Đà Nẵng ở trận play-off V-League 2025 để lại cho người hâm mộ một góc nhìn khá thú vị về bóng đá Việt Nam hiện nay. Ở góc nhìn đó, việc đầu tư tài chính lớn chưa chắc đã có thể đánh bại được kinh nghiệm trận mạc giữa các câu lạc bộ (CLB).

Trường Tươi Bình Phước (áo xanh) có thể mua được Công Phượng nhưng chưa chắc có được bản lĩnh thi đấu ở các trận đấu quan trọng chỉ sau một mùa giải.                                                           Ảnh: Vietnamnet.vn
Trường Tươi Bình Phước (áo xanh) có thể mua được Công Phượng nhưng chưa chắc có được bản lĩnh thi đấu ở các trận đấu quan trọng chỉ sau một mùa giải. Ảnh: Vietnamnet.vn

Trận play-off V-League 2025 diễn ra trên sân Thống Nhất chiều ngày 27-6 là cuộc đối đầu kịch tính giữa SHB Đà Nẵng và Trường Tươi Bình Phước để tranh suất cuối cùng dự V-League mùa sau. Dù bị đánh giá thấp hơn, Bình Phước nhập cuộc đầy tự tin với dàn cầu thủ dày dạn kinh nghiệm như Công Phượng, Bùi Tấn Trường, trong khi Đà Nẵng thể hiện quyết tâm trụ hạng mạnh mẽ.

Trận đấu play-off tranh suất cuối cùng tham dự V-League 2025 - 2026 giữa SHB Đà Nẵng và Trường Tươi Bình Phước không chỉ là màn so tài trên sân cỏ, mà còn là phép thử về hai con đường phát triển bóng đá: Một bên là sức mạnh tài chính, và một bên là bản lĩnh được rèn giũa qua năm tháng ở giải đấu cao nhất Việt Nam.

Trước trận, Bình Phước gây chú ý khi mang tới lực lượng đầy “sao số”, nổi bật nhất là sự xuất hiện của Công Phượng - một trong những ngôi sao tấn công nổi bật nhất của bóng đá Việt - cùng thủ thành kỳ cựu Bùi Tấn Trường.

Đội bóng đất đỏ còn không ngần ngại công bố mức thưởng lên đến 10 tỷ đồng nếu giành chiến thắng - con số khiến nhiều đội V-League cũng phải mơ ước. Với vị trí Á quân giải hạng Nhất, phong độ ổn định và tinh thần lên cao, Bình Phước bước vào trận đấu với tâm thế của một “kẻ thách thức đầy tham vọng”.

Tuy nhiên, bóng đá không đơn thuần là cuộc chơi của tiền bạc. SHB Đà Nẵng, dù vừa trải qua mùa giải thất vọng và phải bước vào trận sinh tử để níu giữ tấm vé trụ hạng, vẫn cho thấy sự khác biệt lớn đến từ kinh nghiệm trận mạc, đặc biệt là trong các trận đấu có tính chất sống còn.

Trong trận giữa SHB Đà Nẵng và Trường Tươi Bình Phước, hiệp 1 diễn ra giằng co, đôi bên đều tạo ra những tình huống nguy hiểm. Nhưng chính trong những phút đầu hiệp 2, Đà Nẵng thể hiện bản lĩnh của một đội từng “ăn cơm V-League” suốt nhiều năm.

Phút 69, Đình Duy tận dụng cơ hội và dứt điểm lạnh lùng mở tỷ số, đẩy Bình Phước vào thế rượt đuổi. Cơ hội gỡ hòa đến chỉ vài phút sau đó khi đội bóng miền Đông Nam bộ được hưởng phạt đền. Tất cả hy vọng dồn vào Công Phượng lại thất bại trước thủ thành Bùi Tiến Dũng cản phá ngoạn mục. Đó không chỉ là bước ngoặt của trận đấu, mà còn cho thấy rõ ràng sự già rơ và tiền có thể mua được ngôi sao, nhưng không mua được bản lĩnh trong khoảnh khắc quyết định.

Bình Phước, dù có ưu thế về lực lượng, nhưng rõ ràng chưa có đủ độ “chai lì” để xử lý tốt áp lực tâm lý. Khi đối diện với những giây phút then chốt, họ lúng túng, rời rạc và mất kiểm soát thế trận. Còn Đà Nẵng thì ngược lại, không cần quá nhiều cơ hội, họ tận dụng tối đa bằng bản lĩnh và sự hiểu nhau sau nhiều năm chơi tại sân chơi khắc nghiệt nhất Việt Nam. Bàn thắng thứ hai của Hà Minh Tuấn như một dấu chấm hết cho tham vọng của Bình Phước, đồng thời là minh chứng cho thấy, bóng đá đỉnh cao đòi hỏi nhiều hơn là những cái tên danh tiếng.

Kết quả 2-0 của trận đấu đã giúp Đà Nẵng chính thức trụ lại V-League, trong khi Bình Phước đành lỗi hẹn thêm ít nhất một mùa giải nữa. Nhưng giá trị lớn nhất của trận đấu này không nằm ở tỷ số, mà là bài học xương máu về con đường làm bóng đá chuyên nghiệp. Tiền đầu tư là rất cần thiết - không ai phủ nhận điều đó - nhưng nó không thể thay thế cho sự tích lũy về bản lĩnh thi đấu, văn hóa bóng đá và sự ổn định trong vận hành đội bóng.

Công Phượng - hình ảnh được kỳ vọng sẽ là người truyền cảm hứng cho Bình Phước - lại trở thành “tội đồ” với pha bỏ lỡ 11 m. Anh cũng chính là biểu tượng cho vấn đề mà nhiều đội bóng đầu tư lớn thường gặp, đó là dùng tiền để “đắp” ngôi sao, nhưng không xây dựng được một tập thể có chiều sâu gắn kết và có văn hóa chiến thắng.

Không phải đến trận play-off này, bóng đá Việt Nam mới chứng kiến bài học về sự giới hạn của đầu tư tài chính thiếu định hướng. Nhiều đội bóng từng “đốt tiền” để tìm hào quang cũng rơi vào tình cảnh tương tự. CLB TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình: Từng vung tiền chiêu mộ Công Phượng, Phi Sơn, Huy Toàn… nhưng rồi vẫn chật vật trụ hạng vì thiếu chiều sâu đội hình và định hướng dài hạn. Hay như CLB Topenland Bình Định mùa 2022 từng khuấy đảo thị trường chuyển nhượng, đưa về hàng loạt tuyển thủ quốc gia nhưng rốt cuộc không đạt được kỳ vọng vô địch như mong đợi.

Ngược lại, Đà Nẵng dù gặp khó về nhân sự, tài chính và phong độ trong suốt mùa giải, nhưng họ không mất đi nền tảng chuyên môn. Lò đào tạo trẻ, hệ thống huấn luyện và kinh nghiệm quản lý từ nhiều năm thi đấu tại V-League đã giúp đội bóng này giữ được sự ổn định cần thiết. Và trong một trận đấu mà từng chi tiết nhỏ đều có thể quyết định cục diện, chính những thứ tưởng như “cũ kỹ” đó lại trở thành lợi thế vượt trội.

Trận play-off này không chỉ là cuộc chiến sống còn giữa hai đội bóng, mà còn phản ánh xu hướng phát triển bóng đá tại Việt Nam, đó là liệu có thể chỉ cần “bơm tiền” để lên chuyên, hay phải xây dựng từ gốc rễ - từ con người, bản lĩnh, hệ thống và triết lý thi đấu? Câu trả lời, có lẽ đã rõ ràng ngay sau cú bay người của Bùi Tiến Dũng - không phải vì anh là thủ môn được trả lương cao nhất, mà vì anh hiểu giá trị của từng trận cầu sinh tử sau nhiều năm sống cùng áp lực V-League.

GIAI NGHI

.
.
.