Thứ Sáu, 30/03/2012, 10:19 (GMT+7)
.

Vang vọng nghìn đời ngày Quốc giỗ

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca đã được lưu truyền bao đời nay chính là lời nhắc nhở để con cháu Lạc Hồng đất Việt luôn nhớ rằng: Chúng ta cùng một tổ tiên, cùng chung một cội nguồn!

Hàng năm, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được tổ chức rộng khắp.  Ảnh: Múa lân sư rồng mở đầu Giỗ Tổ tại Bảo tàng Tiền Giang.
Múa lân sư rồng mở đầu giỗ Tổ tại Bảo tàng Tiền Giang.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10-3) đã trở thành ngày hội lớn ở khắp mọi miền đất nước - ngày hội tinh thần trong lòng mỗi người dân Việt Nam dù ở bất cứ đâu. Thông qua giỗ Tổ, tổ tiên ta muốn nhắc nhở hậu thế những kế sách giữ nước an dân. Đó là nỗi lo muôn thuở, là tấm lòng bao dung, tha thiết, rộng mở của Chư Tổ còn vang vọng mãi khắp núi sông: “Hãy chôn ta trên núi Cả/ Để đứng trên núi cao ta còn trông nom bờ cõi cho con cháu”.

Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946 sau khi Chính phủ mới được thành lập là một sự kiện hết sức đặc biệt, đáng ghi nhớ.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do chiến tranh ác liệt nên việc đèn hương nơi mộ Tổ do nhân dân quanh Đền Hùng đảm nhiệm. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ trước khi về tiếp quản thủ đô: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Ngày 19-8-1962, Bác Hồ thăm lại Đền Hùng, Người đã nhắc nhở các cơ quan lãnh đạo địa phương: Phải chú ý trồng thảm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành một công viên lịch sử để cho con cháu sau này đến tham quan.

Năm 1963, Bộ Văn hóa đã xếp hạng Đền Hùng là di tích lịch sử quốc gia. Tổng Bí thư Lê Duẩn khi thăm Đền Hùng đã căn dặn: “Là người Việt Nam ai mà không nhớ đến tổ tiên. Đồng bào khắp mọi miền rất thiết tha về thăm đất Tổ Hùng Vương... Chúng ta phải xây dựng Đền Hùng để từ Đền Hùng nhìn khắp cả nước và cả nước nhìn về Đền Hùng”.  Cũng chính Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đưa ra ý tưởng xây dựng tại đây một tháp cao để tưởng niệm các vua Hùng.

Tháng 8-1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm đất Tổ và nhấn mạnh rằng: “Đây là khu di tích lịch sử quý báu nhất của nước ta và dân tộc Việt Nam ta”.

Trải qua mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức tổ tiên.

Không chỉ người Việt chúng ta tự hào về Đền Hùng, mà tìm vào những dòng lưu bút của các đoàn đại biểu quốc tế và bạn bè khắp năm châu từng đến viếng Đền Hùng, nhiều dòng lưu bút thừa nhận: “Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam. Đền Hùng là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam. Đây là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm”.

Từ ngàn đời nay, Đền Hùng là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, được ghi vào pho biên niên sử nước nhà như khởi đầu cho một tầm nhìn mới hướng tới tương lai CNH-HĐH, hội nhập với thế giới nhưng vẫn bám chắc vào cội rễ của dân tộc, mà thời đại các vua Hùng là một biểu tượng của sự vững chãi.

NGUYỄN THANH HOÀNG

.
.
.