Thứ Hai, 02/04/2012, 10:49 (GMT+7)
.

Chủ động ứng phó trước cơn bão số 1

Sơ tán dân, chằng chống nhà cửa, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn..., trong 2 ngày cao điểm chống bão số 1 (31-3 và 1-4), 2 huyện ven biển Gò Công Đông và Tân Phú Đông đã tập trung toàn lực cùng sự hỗ trợ của tỉnh đảm bảo an toàn cho nhân dân vượt qua thiên tai.

Chủ động sơ tán dân

Sáng ngày 1-4, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh và Thiếu tướng Nguyễn Chí Phi, Giám đốc Công an (CA) tỉnh đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống bão tại 2 huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông.

Sáng 31-3, CA tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, CA địa phương tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ - chiến sĩ thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời diễn biến của cơn bão.

CA tỉnh cũng chỉ đạo một số đơn vị nghiệp vụ và CA các địa phương ven biển đảm bảo ứng trực 100% để kịp thời đối phó khi bão đổ bộ vào đất liền.

Trong đêm 31-3 đến rạng sáng 1-4, CA 2 huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông đã sát cánh cùng với các lực lượng khác tổ chức sơ tán gần 6.000 người dân đến nơi an toàn tránh bão.

Đồng thời, lực lượng CA đã tăng cường công tác kiểm tra các bến phà, bến tàu đảm bảo an toàn, thuận tiện cho việc vận chuyển, đi lại của nhân dân.

HỒNG PHƯỢNG

Sau khi nhận được công điện khẩn và chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 30-3, UBND huyện Gò Công Đông đã phát thông báo số 1 và số 2 về diễn biến bão.

Ngày 31-3, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Giảm nhẹ thiên tai (PCLB&GNTT) huyện họp triển khai và phân công nhiệm vụ cho các thành viên. 21 giờ cùng ngày, huyện chỉ đạo 6 xã ven biển tiến hành sơ tán bước 1 tại xã với 2.290 người đến trú tại nơi an toàn. Ngày 1-4, huyện Gò Công Đông tiếp tục sơ tán bước 2 đối với người dân các khu vực ven biển đến những điểm an toàn ở các xã: Tân Tây, Tân Đông, Bình Nghị.

Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Đến 10 giờ 30, toàn huyện có khoảng 18.150 người đi sơ tán, trong đó 2.750 người được huyện bố trí đưa đến nơi an toàn và trên 15.000 người dân tự sơ tán. Huyện đã cấp phát mì gói, nước uống và phân công lực lượng giữ gìn an ninh trật tự tại các điểm sơ tán, bảo vệ tài sản của người dân đi sơ tán.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến 11 giờ ngày 1-4, người dân huyện Gò Công Đông vẫn tiếp tục sơ tán. Trên tuyến đường từ xã Tân Thành (Gò Công Đông) đến TX. Gò Công vẫn còn rất đông người dân đi trú bão.

Cung cấp mì gói và nước uống cho người dân sơ tán tránh bão Ảnh: Thu Thảo                                                                            Ảnh: T. Thảo

Cung cấp mì gói và nước uống cho người dân sơ tán tránh bão

Ảnh: THU THẢO               

Tại Tân Phú Đông, chiều ngày 31-3, Ban chỉ huy PCLB-GNTT huyện đã họp khẩn cấp triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống bão số 1. Theo đó, huyện thông báo diễn biến bão trên hệ thống phát thanh – truyền hình và chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn.

Đến 16 giờ cùng ngày, huyện tiến hành sơ tán dân. 10 giờ 30 ngày 1-4, toàn huyện đã sơ tán 7.906 người với trên 3.220 hộ được đưa đến 167 điểm trú ngụ an toàn. Đối tượng sơ tán là những hộ ở ngoài đê, hộ ở nhà tạm bợ.

Huyện cũng đã khảo sát, hướng dẫn người dân chằng chéo 673 căn nhà có nguy cơ ngã đổ khi bão xảy ra; chuẩn bị lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân tránh bão. Các lực lượng chức năng tổ chức đội xung kích  trang bị đầy đủ các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Huyện Tân Phú Đông còn huy động các phương tiện vận tải, bố trí lực lượng túc trực tại các bến phà để bảo đảm an ninh trật tự, hướng dẫn dân sơ tán; bố trí xe cứu thương và xe khách đưa dân đi sơ tán.

Tàu thuyền neo đậu an toàn

12 giờ ngày 1-4, tại khu vực biển Tân Thành, mưa rất nặng hạt. Có rất đông tàu thuyền về trú tránh bão tại ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành. Phà Đèn Đỏ - Pháo Đài, phà Bến Chùa đã ngưng hoạt động. Trước đó, huyện Gò Công Đông đã chỉ đạo các phà Vàm Láng, Gia Thuận, Tân Phước phải tạm ngưng hoạt động.

Ông Lê Hoàng Việt, Phó Ban chỉ huy PCLB-GNTT huyện Gò Công Đông cho biết, huyện có 761 phương tiện đánh bắt thủy - hải sản; trong đó, đến trưa ngày 1-4, đã có 656 phương tiện đã vào khu neo đậu an toàn; còn 105 phương tiện đang đánh bắt xa bờ nhưng qua liên liên lạc, các tàu thuyền này đã ra khỏi vùng nguy hiểm.

Qua liên lạc báo bão, 45 tàu của huyện Tân Phú Đông đã vào neo đậu an toàn, 3 tàu đánh bắt xa bờ cũng đã cập bến trú bão ở đảo Côn Sơn. Lãnh đạo huyện Tân Phú Đông đã trực tiếp thị sát và chỉ đạo công tác phòng, chống bão ở các xã trên địa bàn.

Đến 14 giờ ngày 1-4, huyện cù lao cho tạm dừng tất cả các hoạt động vận chuyển ở các bến phà nội huyện và qua các huyện lân cận và tỉnh Bến Tre (trừ phà Tân Long - Long Bình, Tân Thới - Bình Ninh). 2 phà được phép hoạt động phải chịu sự giám sát chặt chẽ của lực lượng Thanh tra giao thông.

Tàu thuyền tránh bão tại khu vực Đèn Đỏ, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông.  ẢNH: NGÔ TÔNG

Tàu thuyền về tránh bão tại khu vực ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông.

                        Ảnh: NGÔ TÔNG           

15 giờ 30 ngày 1-4, trên địa bàn 2 huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông, mưa vẫn nhỏ hạt và có gió nhẹ. Công tác chuẩn bị phòng, chống bão của 2 địa phương ven biển đã cơ bản hoàn thành và được củng cố, cập nhật thông tin diễn biến bão để kịp thời ứng phó.

16 giờ 30, bão số 1 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Bão số 1 được đánh giá là bất thường và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các tỉnh Đông Nam bộ, trong đó huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông là 2 địa bàn trọng yếu của Tiền Giang.

Trước dự báo và diễn biến, lãnh đạo tỉnh cùng 2 huyện đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó, bảo vệ tính mạng và tài sản, giảm thiểu tối đa thiệt hại… Đây là sự cộng đồng trách nhiệm cao độ và cũng là bài học kinh nghiệm hữu ích qua cơn bão số 1, chủ động trước mùa mưa bão năm 2012.

N. VĂN

.
.
.