Thứ Tư, 21/11/2012, 10:36 (GMT+7)
.

Tặng nhiều bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa

Ngày 20-11, qua cầu nối Báo Nông thôn ngày nay (NTNN), anh Trần Mạnh Tuấn, người sưu tầm những tấm bản đồ cổ của Trung Quốc thể hiện Trường Sa, Hoàng Sa không thuộc về Trung Quốc, đã trao tặng toàn bộ các sưu tầm của anh cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Anh Trần Mạnh Tuấn (quê Nam Định) đã từng gửi đến Tòa soạn Báo NTNN nhiều bản đồ cổ có giá trị cho thấy, Trung Quốc không có Trường Sa, Hoàng Sa mà anh sưu tầm, đặt mua từ Anh, Nhật, Malaysia và Mỹ.

Anh Trần Mạnh Tuấn (trái) trao tặng toàn bộ bản đồ, tư liệu cho cán bộ Bảo tàng Lịch sử.
Anh Trần Mạnh Tuấn (trái) trao tặng toàn bộ bản đồ, tư liệu cho cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Sau khi tiếp nhận được những tấm bản đồ có giá trị từ anh Tuấn cũng như biết được nguyện vọng của anh là sẽ hiến tặng cho cơ quan nhà nước để nhiều người được biết đến những tấm bản đồ này hơn, Báo NTNN đã làm cầu nối, giúp anh thực hiện nguyện vọng.

Ngày 20-11, TS Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cùng với các cán bộ bảo tàng đã đến tiếp nhận những bản đồ do anh Trần Mạnh Tuấn sưu tập. Số lượng bản đồ anh Tuấn tặng cho bảo tàng gồm có 1 tấm bản đồ loại lớn khổ 78x108, 10 bản đồ loại gấp nhỏ, 2 cuốn sách cổ kèm bản đồ, 2 cuốn sách viết về khoáng sản và nông nghiệp Trung Quốc do chính người Trung Quốc phát hành.

Đà Nẵng tiếp nhận thêm 90 bản đồ quý

Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng ngày 20-11 cho biết, trong tháng 11 này, Viện sẽ tiếp nhận 90 tấm bản đồ (bao gồm bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa; bản đồ Việt Nam có chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa) do ông Trần Thắng, Chủ tịch Hội Văn hóa giáo dục Việt Nam tại Mỹ sưu tầm.

90 tấm bản đồ trên được in ấn tại Anh, Đức, Australia, Canada, Mỹ và Hongkong trong khoảng thời gian từ năm 1626- 1980. Các bản đồ này có kích thước từ 20x25cm đến 60x75cm.

Tất cả những tài liệu này đều cho thấy điểm cực Nam của Trung Quốc giới hạn ở đảo Hải Nam. Trong số những bản đồ này, phần lớn là do Trung Quốc phát hành, trong đó có 3 tấm được viết bằng tiếng Nhật.

Bản đồ có niên đại lâu nhất trong số này là bản đồ khoáng sản, được đính kèm trong cuốn sách “Old Forces in New China” của tác giả George Lanning được xuất bản năm 1911 do Nhà Xuất bản Thượng Hải (Trung Quốc) ấn hành và tấm bản đồ được làm bằng giấy hồi của năm Chiêu Hòa 12, do người Nhật phát hành.

Đại diện Bảo tàng Lịch sử cho biết, những tư liệu mà anh Trần Mạnh Tuấn cung cấp rất có giá trị, sau khi tiếp nhận, bảo tàng sẽ thực hiện các thao tác phân loại, thẩm định và dự kiến sẽ làm lễ tiếp nhận chính thức, cũng như công bố với công chúng nhân dịp khai trương vào tháng 1-2013.

Anh Trần Mạnh Tuấn cho biết, vốn xuất thân là một người lính biên phòng, anh sưu tầm những tấm bản đồ này là thể hiện lòng yêu nước, đồng thời góp phần để nhiều người biết đến hơn nữa về chủ quyền đầy đủ của Việt Nam.

Sau khi Báo NTNN đăng bài viết “Thêm bản đồ cổ khẳng định Trung Quốc không có Trường Sa, Hoàng Sa” trên số báo ngày 12-9, qua đường dây nóng của Báo NTNN, bạn đọc Trần Văn Hòa (36 tuổi, ở Giao Thủy, tỉnh Nam Định) chia sẻ:

“Tôi từng là bộ đội hải quân. Ngay từ khi còn nhỏ tôi và những bạn của mình đã hiểu rằng, quần đảo Hoàng Sa luôn là một phần lãnh thổ không thể tách rời khỏi đất nước ta, việc tấm bản đồ được nhà sưu tầm Trần Mạnh Tuấn mới công bố đã thêm một bằng chứng, khẳng định quần đảo Hoàng Sa, là lãnh thổ của Việt Nam.

Với tôi đây thêm một lần nữa biết rằng niềm tin của những người từng gắn bó với biển đảo quê hương được củng cố thêm và tôi rất tự hào đã góp một phần sức lực của mình vào công tác bảo vệ biển cả quê hương”.

Bạn đọc Vũ Hồng Minh (64 tuổi) ở huyện Cam Lâm, Khánh Hòa cũng chia sẻ: "Qua báo NTNN chúng tôi đã biết được, nhà sưu tầm Trần Mạnh Tuấn đã kỳ công sưu tầm những bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển đảo của nước ta, thông qua những tấm bản đồ của cả Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Việc làm của anh Trần Mạnh Tuấn đã củng cố niềm tin lớn về tình yêu đất nước”.

(Theo danviet)

.
.
.