Thứ Ba, 04/06/2013, 05:18 (GMT+7)
.

Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2013

Sáng 3-6, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ (VBF 2013). Đây là hình thức mới lần đầu tiên được tổ chức của Hội nghị Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (Hội nghị CG) trước đây.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới Victoria Kwakwa, Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính quốc tế Simon Andrew đồng chủ trì diễn đàn. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, lãnh đạo nhiều bộ, ngành trong nước, đại diện các phái đoàn ngoại giao cùng các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia và các nền kinh tế trên thế giới đã đến tham dự.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ (VBF 2013).
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ (VBF 2013).


Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam là kênh đối thoại chính thức, mang tính xây dựng giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế.
 
Với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế - Từ chương trình tới hành động”, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về những vấn đề như: Cảm nhận môi trường kinh doanh của các Phòng Thương mại/Hiệp hội Doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; Báo cáo về ngân hàng, thị trường vốn, đầu tư và thương mại, cơ sở hạ tầng, công nghiệp ô tô và xe máy, du lịch, giáo dục và đào tạo và ngành khoáng sản...
 
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham dự Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, bất chấp các khó khăn, trong năm vừa qua, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy một tinh thần kinh doanh kiên cường của các doanh nghiệp.

“Tinh thần kinh doanh này rất đáng tự hào và cần được tiếp tục nuôi dưỡng. Cách nuôi dưỡng tốt nhất là phải có nền kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, các chính sách, thủ tục hành chính thuận tiện, thân thiện với doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ghi nhận rằng nhiều kiến nghị của doanh nghiệp đã được Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu như việc trình Quốc hội giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thực hiện giảm lãi suất tín dụng và bố trí 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản; điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu và thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia..., song Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể với Chính phủ.

Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ kiên định đối với các mục tiêu ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý, tỉnh táo trước những sức ép về tăng trưởng nhanh trước mắt, song không bền vững. Cho rằng những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua “chủ yếu đến từ những vấn đề nội tại”, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất: “Chính phủ cần ưu tiên cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chứ không bị cuốn vào các giải pháp ngắn hạn”.

Trong khi đó, đại diện cho các nhà nhà đầu tư nước ngoài, ông Kim Jung In, Chủ tịch Korcham (Phòng Thương mại Hàn Quốc) cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục xúc tiến quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với những biện pháp quyết liệt. Đặc biệt, vì nhà đầu tư nước ngoài được phép mua cổ phần của DNNN, nên quá trình này cần phải rõ ràng, minh bạch để thúc đẩy các giao dịch mua bán, sáp nhập.

Đại diện Korcham phát biểu: “Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần tiến hành tái cơ cấu ngành ngân hàng theo lộ trình, để tránh việc các ngân hàng thương mại trong nước rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Tái cơ cấu DNNN và ngành ngân hàng phải được đồng thời thực hiện”.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.