.

Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2014

Cập nhật: 17:54, 08/05/2014 (GMT+7)

Sáng 8-5, tại Chùa Bái Đính (Ninh Bình), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khai mạc trọng thể Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) 2014, với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc".

Dự lễ khai mạc có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương. Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam dự lễ khai mạc.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2014. Ảnh: KS
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2014. Ảnh: KS

Thủ tướng Sri Lanka Jayaratne, Đại sứ, Hoàng gia một số nước và trên 1000 đại biểu là lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các giáo sư, tiến sĩ, học giả, nhà nghiên cứu Phật học cũng như các Phật tử hành trì thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ 95 quốc gia, vùng lãnh thổ đã tham dự Đại lễ. Tham dự Đại lễ còn có trên 10.000 tăng ni, Phật tử và nhân dân trong nước.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại lễ.

Tại buổi khai mạc, Hòa thượng Thích Đức Nghiệp chia sẻ Thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tới tăng ni, phật tử nhân dịp Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak Phật lịch 2558 – Dương lịch 2014:

“Trải qua hơn 2.000 năm lịch sử hiện diện và đồng hành với dân tộc Việt Nam, Đạo Phật đã trở thành tôn giáo của dân tộc. Với chủ đề: “Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”, chúng tôi tin tưởng rằng Đại lễ Tam hợp lần thứ XI Liên hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam, tăng ni, cư sĩ Phật tử trong và ngoài nước sẽ có nhiều cơ duyên để chia sẻ những kinh nghiệm và học thuật uyên thâm của các học giả đến từ khắp các châu lục.

Bên cạnh đó, quý vị cũng sẽ tham gia các hoạt động nằm trong khuôn khổ của Đại lễ như nghi lễ cầu nguyện hòa bình thế giới, biểu diễn văn hóa nghệ thuật Phật giáo và văn hóa dân tộc Việt Nam, tham quan di sản văn hóa Phật giáo xưa và nay. Đó là những Phật sự có ý nghĩa của tăng ni, Phật tử vân tập tại đây để thành tâm kính dâng lên Đức Từ Phụ nhân ngày Đản sinh của Người...”.

 Đại biểu dự Lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2014. Ảnh: KS
Đại biểu dự Lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2014. Ảnh: KS

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc được tổ chức hàng năm với quy mô quốc tế là sự kiện quan trọng thể hiện quyết tâm và chủ trương của Liên hợp quốc đối với các hoạt động mang tính quần chúng rộng rãi vì một thế giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đại lễ được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị sâu sắc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni về hòa bình, hòa hợp, hòa giải, vị tha, nhân ái vốn đã có từ hơn 2500 năm trước và vẫn còn nguyên giá trị trong thế giới ngày nay.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, mỗi kỳ Đại lễ là cơ hội, là nhịp cầu giúp tất cả những người có tín ngưỡng Phật giáo gặp gỡ, chia sẻ và động viên nhau nhất tâm học tập, làm việc để đưa những tư tưởng tiến bộ của Đức Phật vào cuộc sống. Qua Đại lễ này, chúng ta cùng nhau tạo nên những nhân duyên mới, thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó cùng nhau kiến tạo một xã hội tốt đẹp, một cõi Niết bàn trong hiện thực của thế giới hiện tại, góp phần ngăn chặn xung đột, hoá giải các cuộc chiến tranh, đẩy lùi nguy cơ nghèo đói, khổ đau trong đời sống xã hội, đưa con người tới cuộc sống an vui, hạnh phúc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2014 được tổ chức tại Việt Nam, đất nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt ở đây từ gần 2000 năm trước. Trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, luôn tỏ rõ phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc, an vui cho con người.

Mục tiêu cao cả ấy càng được thể hiện rõ nét, sinh động với những thành quả lớn lao qua vai trò thực hiện và hướng dẫn thực hiện có hiệu quả của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ở đất nước Việt Nam, tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng được thể hiện đầy đủ, sâu sắc trong Hiến pháp và các bộ luật quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương phát huy nội lực, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước và cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích các quốc gia, trên nền tảng hoà bình, luật pháp quốc tế, hướng tới sự phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực văn hoá, tinh thần, Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc, sẵn sàng tiếp thu, đón nhận tinh hoa văn hóa của nhân loại. Việt Nam luôn tôn trọng các giá trị cao đẹp được xây dựng, hun đúc qua hàng ngàn năm của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, nhất là đạo đức tôn giáo hướng con người tới chân, thiện, mỹ, đề cao con người, đề cao đạo đức, nhân cách con người.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn trong những ngày dự Đại lễ Phật đản trên đất nước Việt Nam, các đại biểu sẽ cảm nhận sâu sắc thêm về đất nước Việt Nam, về truyền thống văn hóa lịch sử và con người Việt Nam; về tình hữu nghị và những tình cảm chân thành, nhân hậu và sự mến khách của nhân dân Việt Nam.

Việt Nam cùng đồng tâm phấn đấu vì một thế giới tốt đẹp, cùng phát triển bền vững trong hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2014 một lần nữa được tổ chức thành công trên đất nước Việt Nam.

Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2014 tại Việt Nam được tổ chức tại Chùa Bái Đính (Ninh Bình) từ ngày 7 đến 11-5-2014. Một chương trình giao lưu nghệ thuật quốc tế của các quốc gia tham dự Đại lễ sẽ diễn ra trong đêm ngày khai mạc khắc họa một sự thanh bình trong sự đa dạng văn hóa trên nền tảng tư tưởng giáo lý của Đạo Phật.

Bên cạnh đó, sẽ có các cuộc hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức chia thành nhiều diễn đàn; Triển lãm ảnh phản ánh đời sống văn hoá và vai trò của Phật giáo trong đời sống người dân; Liên hoan phim Phật giáo thế giới…

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.