Thứ Ba, 12/07/2016, 12:45 (GMT+7)
.

MDEC - Hậu Giang 2016 đã sẵn sàng

Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC) 2016 diễn ra tại tỉnh Hậu Giang từ ngày 11 đến 15-7, với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)- Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”. MDEC năm nay được kỳ vọng sẽ thúc đẩy, phát huy tiềm năng lợi thế của vùng ĐBSCL, một trong những vùng kinh tế trọng điểm của nước ta.

Chương trình văn nghệ Ngha tình Hậu Giang tại Lễ Khai mạc.
Chương trình văn nghệ Nghĩa tình Hậu Giang tại Lễ Khai mạc.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo MDEC - Hậu Giang 2016 cho biết, MDEC - Hậu Giang 2016 có 7 hoạt động chính và các hoạt động của tỉnh Hậu Giang được tổ chức với tinh thần tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó có Lễ khai mạc MDEC - Hậu Giang 2016; Hội nghị “Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”; Hội thảo về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL; Diễn đàn doanh nghiệp vùng ĐBSCL năm 2016; Các giải pháp trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất và dân sinh; Hội thảo hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; Hội nghị Ban chỉ đạo và bế mạc MDEC - Hậu Giang 2016.

Bên cạnh đó, tại diễn đàn này còn có 4 sự kiện kết hợp do các Bộ, ngành và tỉnh Hậu Giang tổ chức như: Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng ĐBSCL, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang; Hội nghị sơ kết công tác bình ổn thị trường 6 tháng đầu năm 2016 giữa các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh; Khởi công, khánh thành một số công trình trên địa bàn chào mừng MDEC - Hậu Giang 2016; giới thiệu, quảng bá các làng nghề, sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương; Hội chợ Công thương khu vực ĐBSCL.

Có thể nói, so với các năm trước, diễn đàn năm nay được xây dựng với nhiều chương trình, hoạt động thiết thực gắn với những vấn đề đang đặt ra cho vùng. Với những hoạt động thiết thực của MDEC - Hậu Giang 2016, chúng tôi tin rằng sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm, tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và đại biểu trong và ngoài nước.

Phóng viên (P.V): Được biết, trước khi diễn ra MDEC-Hậu Giang 2016, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã phối hợp với TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị Hợp tác, đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa ĐBSCL với TP. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Xin ông nói rõ thêm về Hội nghị này?

Ông Nguyễn Quốc Việt (N.Q.V):

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Thành ủy, UBND TP. Hà Nội và các Bộ, ngành Trung ương, địa phương có liên quan đã tổ chức thành công Hội nghị Hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa ĐBSCL với TP. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, vào ngày 26-5 tại Thủ đô Hà Nội.

Tại hội nghị này, chúng tôi ký kết thỏa thuận chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TP. Hà Nội; đồng thời, UBND 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL giới thiệu 103 dự án mời gọi đầu tư, với tổng kinh phí 29.425 tỉ đồng và 12 tỉ USD; UBND tỉnh Hậu Giang trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh Hậu Giang với tổng số tiền 979,480 tỉ đồng. Đến tháng 7, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh tại TP. Hồ Chí Minh.

P.V: Thưa ông! Điểm nhấn của MDEC - Hậu Giang 2016 có gì khác so với những lần tổ chức trước đó?

Ông N.Q.V:

Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL đã qua 8 lần tổ chức với các chủ đề của mỗi năm gắn với tình hình thực tế của vùng ĐBSCL. Chủ đề của MDEC - Hậu Giang năm nay là “Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”.

Để tập trung vào chủ đề này, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức MDEC đã xây dựng các hoạt động thiết thực, thực tiễn của vùng như đã nói ở trên nhằm tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn đang đặt ra của vùng như: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn; hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp; thảo luận và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho doanh nghiệp, người nông dân vùng ĐBSCL khi gia nhập TPP.

Thông qua qua đó, diễn đàn này mong muốn đẩy mạnh hợp tác, đầu tư; kết nối cung - cầu và quảng bá, tiềm năng, thế mạnh của vùng, tiến tới thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, từ đó giải quyết việc làm cho một phần lao động của các địa phương, thị trường tiêu thụ 3 sản phẩm chủ lực cho vùng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho các địa phương và toàn vùng ĐBSCL.

 P.V: Thưa ông! MDEC - Hậu Giang 2016 đang trong tư thế sẵn sàng cho ngày khai mạc. Được biết, diễn đàn năm nay được chuẩn bị khá chu đáo, có những sáng kiến mới liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho hạn hán, xâm nhập mặn, tiêu thụ nông sản. Ông kỳ vọng điều gì ở lần tổ chức này ?

Ông N.Q.V:

Chúng tôi rất có niềm tin và kỳ vọng thông qua các hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ MDEC - Hậu Giang 2016 sẽ có nhiều nghiên cứu, đề xuất, sáng kiến góp phần hoàn thiện những giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác đầu tư giữa ĐBSCL với các địa phương trong nước và quốc tế; mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hàng hóa 4 sản phẩm chủ lực (lúa gạo, cá tra, tôm và cây ăn trái) cho vùng ĐBSCL.

Đồng thời tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống nhân dân, tăng cường liên kết vùng, hợp tác nội vùng giữa các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; các tỉnh, thành trong vùng với các địa phương ngoài vùng. Huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội, đầu tư một số công trình phúc lợi xã hội cho vùng ĐBSCL, nhất là tỉnh Hậu Giang (địa phương đăng cai tổ chức MDEC).

Nhìn chung, năm nay công tác phối hợp giữa Ban chỉ đạo MDEC với các Bộ, ngành, địa phương và Ban tổ chức rất tốt, chặt chẽ nên công tác chuẩn bị về nội dung, hậu cần phục vụ, vận động tài trợ, tuyên truyền và các công việc có liên quan đến giờ này cơ bản hoàn tất.

 MDEC - Hậu Giang 2016 sẵn sàng khai mạc vào ngày 11-7 tại TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

P.V: Xin cảm ơn ông!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
.