Chủ Nhật, 10/12/2023, 09:43 (GMT+7)
.

Nhắm mắt' trước cát tặc?

Trong nhiều năm qua, tình trạng khai thác cát trái phép ở nhiều địa phương trong cả nước vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu có sự bắt tay hay lợi ích nhóm nào đó để làm ngơ cho các hoạt động phạm pháp này tiếp diễn hay không?

a
 Hiện trường vụ khai thác cát trái phép ở xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hoá và phát triển kinh tế diễn ra nhanh chóng ở nhiều địa phương trên cả nước, cùng với đó là sự gia tăng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thì hoạt động khai thác, kinh doanh cát được coi là một trong những lĩnh vực đem lại nguồn lợi rất lớn. Chính vì vậy, các đối tượng khai thác cát đã dùng mọi biện pháp và thủ đoạn để tận dụng tối đa mọi cơ hội đem lại lợi nhuận.

Ngành công an trong thời gian qua cũng đã vào cuộc quyết liệt, triệt phá nhiều vụ khai thác cát trái phép có quy mô lớn, bắt giữ nhiều đối tượng và các phương tiện liên quan tại nhiều điểm nóng dọc các con sông lớn từ bắc chí nam. Tuy nhiên, điều đáng nói là ngoài những nhóm đối tượng “cát tặc” không có bất kỳ loại giấy phép nào, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện ra cả những doanh nghiệp được cấp phép nhưng đã có hành vi khai thác cát vượt ra ngoài phạm vi.

Điển hình là vụ cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Quảng Bình hồi tháng 10/2023 đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can đối với Lê Văn Đàn, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Tâm Anh, ở Xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”. Theo tài liệu điều tra, công ty này được cấp phép khai thác phục vụ công trình xây dựng, song trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022, Lê Văn Đàn đã có hành vi khai thác cát vượt ra ngoài phạm vi được cấp phép với khối lượng cát đã khai thác trái phép là 8.960m3, giá trị khoáng sản thiệt hại 2,24 tỷ đồng.

Rõ ràng, ngay cả với những dự án khai thác cát được cấp phép thì vấn đề cần phải được đặt ra là cơ quan cấp phép không chỉ kiểm tra chi tiết trong mỗi phương án chủ đầu tư cam kết, mà còn phải giám sát chặt trên diện rộng đối với các dự án này, tránh tình trạng "cấp phép một đằng, khai thác một nẻo". Mặt khác, cho dù cơ quan chức năng vẫn chưa đề cập tới trách nhiệm của các cấp quản lý ở địa phương nhưng việc một công ty có những hoạt động sai phạm kéo dài nhiều năm mới bị phát hiện cho thấy có sự liên đới không thể bỏ qua.

Nghiêm trọng hơn là vụ công ty Trung Hậu – Tổng 68 được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác hơn 1,5 triệu m3 cát để phục vụ cho các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm ở địa phương những đã lợi dụng để tổ chức khai thác trái phép, bước đầu xác định là hơn 4,7 triệu m3 cát. Trong vụ việc này, hồi giữa tháng 8/2023 cơ quan chức đã khởi tố, bắt giam 19 đối tượng liên quan, trong đó có cả ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND và ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh An Giang, những người đã nhận hối lộ để tạo điều kiện giúp đỡ Công ty Trung Hậu - Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, nâng trữ lượng, công suất khai thác, cũng như bỏ qua những vi phạm trong quá trình khai thác tại mỏ cát Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới, An Giang).

Từ những vụ án trên có thể thấy đâu đó vẫn còn có tình trạng cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương buông lỏng quản lý, bao che, thậm chí bảo kê cho hành vi khai thác cát trái phép. Nhiều người dân sống ở một các khu vực sông lớn phía Nam đã từng chia sẻ với báo chí rằng các tàu khai thác cát trái phép có những thời điểm hoạt động cả ngày lẫn đêm nhưng mỗi khi có đoàn kiểm tra, truy bắt của địa phương ra quân thì “rất ngẫu nhiên” các tàu này lại dừng khai thác.

Thậm chí, tại nhiều nơi các tầu hút cát trái phép xong vận chuyển tới các bãi tập kết nằm ngay trên địa bàn nhưng cũng không bị phát hiện xử lý. Trong khi đó, hệ thống chính quyền và các lực lượng chức năng được tổ chức chặt chẽ đến tận tổ dân phố và rất khó để nói chính quyền không có thông tin gì về những hoạt động như thế này.

Việc buông lỏng quản lý, bao che cho các vi phạm qui định trong khai thác tài nguyên thường để lại những hậu quả nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, tình trạng khai thác cát trái phép hoặc khai thác quá mức là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái, gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai. Việc khai thác theo kiểu tận thu, bừa bãi không chỉ làm thất thoát tài nguyên, thất thu thuế của Nhà nước mà còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đê kè, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản, tính mạng và cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Chính vì vậy, cần phải tìm ra được một cơ chế giám sát chặt chẽ hơn, thường xuyên hơn để các địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, vận dụng các công cụ pháp luật để xử lý nghiêm những hành vi khai thác cát trái phép. Trường hợp phát hiện cán bộ có hành vi bao che, bảo kê cho vi phạm sẽ tùy tính chất, mức độ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và những nơi nào để xảy ra sai phạm trong quản lý khai thác cát thì cần phải kiên quyết xử lý nghiêm chính quyền địa phương và người đứng đầu.

Cùng với đó, cũng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra của các bộ, ngành chức năng, cũng như thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong hoạt động khai thác cát trái phép tại các địa phương. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Theo  TTXVN
 

.
.
.