Tiễn biệt nhạc sĩ hai mùa hoa
Chân dung nhạc sĩ Thanh Sơn |
Nhạc sĩ Thanh Sơn được nhiều người biết đến vào những năm đầu thập niên 60 với một loạt nhạc phẩm viết về tuổi học trò: Nỗi buồn hoa phương, Nhật ký ngày xanh, Thương ca mùa hạ, Ba tháng tạ từ, Phượng buồn, Ve sầu mùa phượng…; trong đó Nỗi buồn hoa phượng (sáng tác năm 1963) trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về mùa hè.
Đây cũng là bài hát đã đưa tên tuổi ông đến với công chúng yêu mến âm nhạc, để từ đó ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác nhạc trữ tình.
Trong một lần về Sóc Trăng (lúc gia đình ông chuyển về quê sống), tôi đi cùng một người bạn ở Hội Văn học - Nghệ thuật tới thăm ông.
Tại căn nhà đơn sơ trong con hẻm nhỏ, trong lúc trò chuyện, tôi có hỏi ông: Sao nhạc viết về mùa hè của chú bài nào cũng buồn, cũng chia ly, tan tác hết? Ông cười: Không khí học đường trước năm 1975 là như vậy. Sau ba tháng hè, học sinh - sinh viên người còn người mất, nam sinh thì bị bắt quân dịch, có khi ra chiến trận rồi không về; cả đến các thầy cũng bị động viên đi lính… Vì vậy hè là mùa của chia ly, học trò chuyền lưu bút, trao ảnh cho nhau như một kỷ vật. Mùa hè buồn vậy, sao chú viết vui cho được…
Nhắc đến nhạc sĩ Thanh Sơn, người ta liên tưởng ngay đến những ca khúc viết về mùa hè, về hoa phượng. Ít ai biết được, trong sáng tác của ông còn có một mùa hoa khác, chỉ duy nhất một ca khúc, nhưng cũng rất nổi tiếng là: Mùa hoa anh đào.
Thậm chí, nhiều người yêu quý ca khúc này nhưng ít biết tác giả là nhạc sĩ Thanh Sơn. Vẫn trung thành với dòng nhạc bolero nhưng giai điệu như được cách tân hàn lâm hơn và ca từ cũng mang nhiều triết lý: Đời người như một giấc chiêm bao mà thôi. Tìm về dĩ vãng thấy xuyến xao lòng tôi. Gió xuân đến bao giờ, ngỡ như bước chân ai qua thềm hay là mơ…
Bài hát mang âm hưởng rất phương Đông, được sáng tác từ cảm xúc về một người con gái Việt Nam, nhưng có lẽ với hình tượng hoa anh đào và giai điệu êm dịu như thoắt ẩn thoắt hiện làm người ta liên tưởng đến hình ảnh cô gái xứ Phù Tang mong manh như sương mù, những cô gái trong Ngàn cánh hạc, Xứ tuyết của Kawabata (*).
Vì vậy nhạc phẩm này thường được dàn dựng gắn liền với hình ảnh các cô gái mặc kimono múa những vũ điệu mang phong cách rất Nhật Bản. Tôi có dự một buổi chiêu đãi các nhà văn Nhật do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức. Trong dạ tiệc, có phần biểu diễn văn nghệ và Mùa hoa anh đào được chọn làm nhạc nền cho tiếc mục múa mở màng với những cô gái mặc kimono, tay cầm nhánh hoa anh đào… Các nhà văn Nhật rất xúc động, khi tiết mục kết thúc, họ đồng loạt đứng dậy để tay lên ngực và nói: Arigatò Gozaimasu! (**)
Mùa hoa anh đào cũng rất được phổ biến trong các chương trình văn nghệ học đường trước và sau 1975, thường được biểu diễn cùng những nhóm múa minh họa như một tiết mục mang dấu ấn, tiết tấu văn hóa Nhật. Có thể nói, tác phẩm này đã để lại dấu ấn, đánh dấu sự chuyển hướng trong sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn, để từ nỗi buồn thân phận nhỏ nhoi chuyển sang nỗi niềm nhân thế.
Từ năm 1973, ông bắt đầu chuyển sang viết về quê hương và tiếp tục theo đuổi đề tài này cho đến cuối đời. Như các ca khúc trữ tình học trò, các nhạc phẩm ca ngợi quê hương của ông cũng được công chúng đón nhận nồng nhiệt, tiêu biểu như: Đoản xuân ca, Bài ca ngợi quê hương, Thương về cố đô, Hình bóng quê nhà, Bạc Liêu hoài cổ, Non nước hữu tình, Hương tóc mạ non, Hành trình trên đất phù sa…
Bảy mươi bốn mùa xuân của người nghệ sĩ tài hoa đã khép lại, nhưng những cống hiến cho nghệ thuật âm nhạc, cho cuộc đời của ông vẫn còn mãi! Trang viết muộn này xin tiễn biệt nhạc sĩ của hai mùa hoa.
THU TRANG
(*) Kawabata Yasunari: Nhà văn Nhật đoạt giải Nobel văn học năm 1968.
(**) Đa tạ! Cám ơn rất nhiều!