Thứ Sáu, 06/04/2012, 15:20 (GMT+7)
.

Về xứ dừa thưởng lãm sắc mai, ngôi nhà dừa và cổ vật

Mỗi độ xuân về, nếu ai một lần đến xã Phú Túc (Châu Thành, Bến Tre) sẽ ngẩn ngơ với một khu vườn kỳ lạ - khu vườn rộng phủ toàn sắc vàng rực rỡ của hoa mai với những cội mai già đơm đầy sắc xuân phương Nam giữa một vùng cây trái sum xuê.

NGẨN NGƠ SẮC HƯƠNG MAI

Một góc vườn mai ngày Tết.
Một góc vườn mai ngày Tết của anh Giang.

Chủ nhân của khu vườn là anh Trần Thanh Giang, 34 tuổi, một doanh nhân trẻ và khá thành đạt trong làng quảng cáo. Giang yêu tha thiết hoa mai vàng ngay từ thuở bé. Khi lớn lên, những cánh mai vàng trở thành niềm đam mê không thể cưỡng lại.

Và để thỏa niềm đam mê cháy bỏng, Giang không ngần ngại sử dụng số vốn tích lũy từ kinh doanh của mình để mua ngay mảnh vườn gần 7.000m2 làm nơi vun trồng đam mê. Đó là vào năm 2007.  

Cô Trần Thị Bạch Thủy - mẹ Giang, nhớ lại: “Lúc đầu, nghe con trai khoe mới mua được miếng vườn gần một tỷ đồng nằm cạnh đường giao thông, đặc biệt vườn trồng toàn sầu riêng hạt lép và nhãn xuồng cơm vàng đang cho hoa lợi, tôi mừng lắm, vì đây là thành quả đầu tiên của con sau mấy năm ra trường.

Nhưng niềm vui đó nhanh chóng chuyển thành sự bất ngờ và hụt hẫng vì hơn nửa số cây ăn trái đã được thay bằng những gốc mai vàng. Tiếc quá, nhưng lúc đó, tôi chỉ còn biết lắc đầu vì không thể nào ngăn cản con được. Nhiều người nghĩ Giang vừa có tiền đã chơi ngông hoặc hơi bị… khùng! Còn Giang chỉ cười và giải thích rằng mua đất là để trồng mai chớ không phải làm vườn”.

Vậy là từ 4 gốc mai có sẵn, đến bây giờ, Giang đã sưu tập được gần 700 gốc mai với đủ chủng loại, hình dáng, giá trị khác nhau, với giá mua vào từ 5 - 7 triệu đồng đến 150 triệu đồng mỗi gốc. Lợi nhuận từ công ty quảng cáo anh đổ vào vườn mai. Sau 4 năm, Giang đã đầu tư vào vườn mai gần 6 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2009 hơn 3 tỷ đồng.

Giang “mê” mai đến nổi mỗi khi đến đâu anh đều “cài” vệ tinh lại với lời dặn “nếu thấy có ai bán mai đẹp thì làm ơn gọi giùm”. Không chỉ săn lùng ở các tỉnh vùng đồng bằng mà anh còn bỏ công lặn lội ra tận Bình Dương, Bình Phước để tìm mai.

Nói về mai vàng, Giang đã thuộc hàng chuyên gia. "Vườn của tôi hầu hết là loại mai vàng nguyên thủy nhưng chủng loại rất đa dạng từ 5, 6, 8 cánh đến 12 cánh, đặc biệt có một loại mai cúc đến 150 cánh. Màu sắc hoa cũng đa dạng, từ vàng, vàng nhạt, vàng đậm đến hơi đỏ hoặc màu cam... Có loại cánh hoa dài, có loại cánh hoa tròn. Có loại tỏa mùi thơm nhưng có loại không thơm.

Thường thì loại mai ra chồi màu xanh sẽ thơm hơn loại ra chồi màu thẫm. Những cây mai về vườn của tôi đều được nghệ nhân chăm sóc cẩn thận nhưng không gò bó mà được phát triển tự nhiên. Tôi trồng mai không phải để kinh doanh mà chỉ để thỏa niềm đam mê và đó chính là hiệu quả đầu tư" - Giang chia sẻ.

ĐỘC ĐÁO NGÔI NHÀ DỪA

Không chỉ dừng lại ở mai vàng, chàng trai trẻ này yêu cả những thứ thuộc về phương Nam ấm áp. Năm 2008, ở giữa khu vườn mai, Giang tự thiết kế và dựng một căn nhà cũng độc đáo không kém khu vườn có một không hai của mình.

Ngôi nhà độc đáo được làm bằng cả ngàn cây dừa.
Ngôi nhà độc đáo được làm bằng cả ngàn cây dừa.

Ngôi nhà được dựng với toàn bộ vật liệu là cây dừa. Ròng rã suốt 3 năm, cả ngàn cây dừa lão sáu bảy chục năm tuổi từ các nơi trong tỉnh được đưa về để làm nên ngôi nhà rường Nam bộ rộng trên 100m2, từ mái, vách, cột, kèo, cho đến nội thất đều được làm từ gỗ dừa, lá dừa.

Được thiết kế một cách khéo léo, công phu nên ngôi nhà rất đẹp và mát mẻ. Sau khi nhà dựng xong, chủ nhân của nó dùng để chứa cổ vật ngoài trăm chiếc chậu và ghế đôn bằng gốm sứ thuộc dòng gốm Cây Mai của Sài Gòn xưa. Đây là một dòng gốm của người Nam bộ, phát triển mạnh vào khoảng thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Theo Giang, sản phẩm đôn và chậu cảnh tráng men với kỹ thuật tạo hình bằng bàn xoay và trang trí trên thân chậu bằng các họa tiết được in khuôn, cắt dán, đắp theo lối phù điêu là sản phẩm tiêu biểu của dòng gốm Cây Mai. Dòng gốm này có giá trị không chỉ do có niên đại lâu đời mà còn ở vẻ đẹp.

Các sản phẩm gốm phủ men độc đáo thoạt nhìn rất thô mộc, đơn giản, nhưng ẩn chứa nét công phu trong chế tác, chuẩn mực trong tạo hình, kỹ lưỡng trong chấm men, hài hòa trong bố cục tổng thể.

Đặc biệt, gốm Cây Mai có nước men bóng, bền màu với thời gian và hoa văn trang trí trên sản phẩm sắc nét đến từng chi tiết nhỏ. Mỗi sản phẩm là một tuyệt tác mỹ thuật, đại diện cho một dòng gốm đặc trưng của Sài Gòn xưa. Vì vậy, không ít chiếc đôn hình con voi thuộc dòng gốm Cây Mai hiện có giá vài chục triệu đồng nhưng không phải dễ tìm. Tháng 2 vừa qua, Giang tham dự cuộc thi cổ vật ở TP. Hồ Chí Minh và đoạt giải nhì.

Trong ngôi nhà rường Nam bộ, giữa một rừng sắc xuân phương Nam, nhấp chén huỳnh mai (rượu hoa mai) ấm cúng và hít căng lồng ngực hương hoa dìu dịu sẽ thấy lòng sảng khoái lạ thường. Và ai từng một lần được thưởng thức cái lạc thú ấy sẽ thấm thía hơn niềm đam mê của chàng trai trẻ xứ dừa - Trần Thanh Giang.

THỦY HÀ

.
.
.