Thứ Sáu, 25/05/2012, 15:30 (GMT+7)
.

Đờn ca tài tử - một đề án xuất phát từ thực tế

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, hiện toàn tỉnh có 121 câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử (ĐCTT), với gần 1.200 người tham gia thường xuyên ở 169 xã (phường, thị trấn). Đây không chỉ là sự phát triển nhanh về số lượng mà còn cho thấy sự phục hưng của loại hình này, góp phần thỏa mãn nhu cầu văn hóa quần chúng.

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là làm sao để lưu giữ, phổ biến ĐCTT đúng bài bản, phản ánh được bản sắc dòng nhạc độc đáo, đặc thù của Nam bộ. Có thể minh chứng qua Liên hoan ĐCTT nông dân tỉnh Tiền Giang lần thứ I - năm 2012 (vào ngày 17-5) vừa qua, do Hội Nông dân phối hợp Sở VH-TT&DL tổ chức, đã bộc lộ nhiều bất cập về chuyên môn đáng lo ngại của lực lượng ĐCTT trong tỉnh.

Ban tổ chức Liên hoan quy định rất chi tiết về chương trình, tiết mục; về đờn, về ca, về dàn nhạc và phải thể hiện đúng theo phong cách tài tử. Song, có đến có 8/10 đơn vị tham dự liên hoan phạm quy. Chương trình của mỗi đơn vị có 6 tiết mục nhưng có đơn vị phạm quy đến 3 tiết mục…

Một tiết mục
Một tiết mục tham dự Liên hoan ĐCTT nông dân tỉnh Tiền Giang lần thứ I-2012.

Đầu năm 2012, Sở VH-TT&DL đã trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012 - 2015”.

Mục tiêu và nội dung của đề án là: Khẳng định giá trị nghệ thuật ĐCTT là loại hình văn hóa phi vật thể, có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ nói chung, Tiền Giang nói riêng.

Nâng cao nhận thức của nhân dân trong tỉnh về giá trị truyền thống của nghệ thuật ĐCTT, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Qua đó, tuyên truyền rộng rãi di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT trong tỉnh, khu vực và quốc gia thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Đồng thời, kiểm kê, phục hồi, truyền dạy, quảng bá, phát triển các hình thức ĐCTT để phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong tỉnh, góp phần gìn giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này của dân tộc.

Việc thực hiện đề án cũng tạo điều kiện để nghệ nhân ĐCTT trong tỉnh biểu diễn, giao lưu, liên hoan, tọa đàm, thi sáng tác lời mới, thực hiện đĩa CD, DVD, in sách ĐCTT phổ biến cho phong trào.

THANH HẢI

.
.
.