Thứ Hai, 25/06/2012, 08:10 (GMT+7)
.

50 năm khẳng định sức sống bài tân cổ giao duyên

Bản Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu ra đời rồi dần dần biến đổi hình thức, phát triển thành bản vọng cổ. Từ đó, bản vọng cổ nhanh chóng được công chúng đón nhận và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam bộ.

Bài vọng cổ ban đầu có 6 câu, với cấu trúc như sau: Nói lối hoặc bài bản vắn gối đầu + câu 1, 2 và 3; dứt câu 3 sẽ xen nói lối hoặc bài bản vắn + câu 4, 5 và 6. Với cấu trúc này, 1 cái đĩa than sẽ thu được trọn bài vọng cổ (1 mặt thu được nửa bài).

Theo soạn giả Huỳnh Anh, vào cuối năm 1950, đầu năm 1960, dòng nhạc mới với giai điệu Bolero nhẹ nhàng, lời ca dung dị, mộc mạc, gần gũi với đại bộ phận quần chúng nhân dân. Khán giả của dòng nhạc mới này phù hợp với khán giả của bài vọng cổ.

Bên cạnh đó, dòng nhạc trữ tình cũng có nội dung gần gũi với cuộc sống, nên nó là chất xúc tác để các soạn giả nghĩ đến việc nối kết giữa tác phẩm âm nhạc và bài vọng cổ, gọi là bài “tân cổ giao duyên”. Người đi tiên phong sáng tác bài tân cổ giao duyên là NSND - soạn giả Viễn Châu.

Nghệ sĩ nhân dân - Soạn giả Viễn Châu.
Nghệ sĩ nhân dân - soạn giả Viễn Châu.

Dù ở tuổi 90, chuyện đời có cái quên, cái nhớ, nhưng khi nhắc lại bài tân cổ giao duyên, NSND - soạn giả Viễn Châu vẫn còn nhớ vanh vách lần đầu tiên ông “thử nghiệm”: Lúc ấy, ở Sài thành có hàng chục hãng đĩa ra đời để sản xuất đĩa ca vọng cổ phục vụ cho giới mộ điệu.

Các hãng đĩa trong những năm cuối 1950, đầu năm 1960 cạnh tranh với nhau gay gắt nên soạn giả thời đó rất uy tín, được các hãng đĩa săn đón nồng nhiệt. Chính sự cạnh tranh đã khiến các soạn giả phải suy nghĩ để tìm ra cái mới cho bài vọng cổ của mình.

Sau nhiều đêm ấp ủ, ông cho ra đời bài tân cổ giao duyên đầu tiên "Cô hàng chè tươi". Khi viết bài tân cổ giao duyên, ông đã mạnh dạn rút ngắn phần vọng cổ (bỏ câu 3 và 4) để đưa tân nhạc vào, tạo thành bài tân cổ giao duyên hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, bài tân cổ giao duyên thứ 2 "Chàng là ai" của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, do soạn giả Viễn Châu viết lời vọng cổ, hãng dĩa Hồng Hoa phát hành đã được phổ biến trước bài "Cô hàng chè tươi". Chính vì vậy, bài tân cổ giao duyên "Chàng là ai" được xem như là bước ngoặt mở đầu cho trào lưu sáng tác tân cổ giao duyên.

NSND - soạn giả Viễn Châu còn nhớ, khi viết xong bài tân cổ giao duyên "Cô hàng chè tươi", ông đưa cho NSND Lệ Thủy hát. Lúc này, NSND Lệ Thủy mới 14 tuổi, cô đắn đo: “Sao vọng cổ mà có xen ca nhạc vào, thấy kỳ quá chú Bảy?”. Ông cười, bảo Lệ Thủy an tâm đi, cô hát bài này thì sẽ nổi tiếng. Quả thật, sau khi hãng dĩa Hồng Hoa thu âm, phát hành bài "Chàng là ai", rồi đến "Cô hàng chè tươi" thì bài tân cổ giao duyên được đông đảo thính giả đón nhận và tên tuổi Lệ Thủy bắt đầu tỏa sáng.

Khi những bài tân cổ giao duyên đầu tiên của soạn giả Viễn Châu ra đời thì ông bị chỉ trích nặng nề, nhất là đối với những người lớn tuổi, theo khuynh hướng bảo vệ bài vọng cổ truyền thống. Báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ cũng mạnh tay phê phán soạn giả Viễn Châu, cho rằng ông làm hư bài vọng cổ chính thống.

Tuy nhiên, soạn giả Viễn Châu vẫn không dao động. Ông bình tĩnh đọc tất cả các bài báo, lắng nghe hết các ý kiến khen - chê, suy ngẫm, để rồi quyết định vẫn tiếp tục sáng tác tân cổ giao duyên làm phong phú thêm cho bài bản vọng cổ, giúp công chúng có thêm món ăn tinh thần ngon miệng.

Sau thành công ngoài mong đợi của "Cô hàng chè tươi" và "Chàng là ai", soạn giả Viễn Châu hưng phấn, tiếp tục chọn những bản nhạc có giai điệu êm ái, nhẹ nhàng của các tác giả: Nguyễn Hữu Thiết, Nguyễn Văn Đông, Phạm Duy, Trần Thiện Thanh… để viết lời vọng cổ.

Từ đó, bài tân cổ giao duyên trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của giới mộ điệu. Tính đến nay, soạn giả Viễn Châu đã viết khoảng 2.000 bài tân cổ giao duyên, gắn liền với tên tuổi của các nghệ sĩ: Thanh Nga, Thành Được, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Phụng, Ngọc Giàu…

Các soạn giả thường lấy nội dung bài tân nhạc phát triển thêm để thành nội dung bài tân cổ giao duyên. Cấu trúc của bài tân cổ giao duyên thường là: 1 đoạn nhạc + câu 1 và 2 vọng cổ + 1 đoạn nhạc hoặc nói lối + câu 5 vọng cổ, dứt xề sẽ chen 1 đoạn nhạc rồi chuyển qua vọng cổ phần cuối câu 6.

Theo soạn giả Huỳnh Anh, với cấu trúc như trên đã làm cho phần âm nhạc và lồng bản vọng cổ hòa quyện, đan xen vào nhau, tạo sự phong phú, mới lạ cho người nghe. Tuy nhiên, trong hàng trăm soạn giả viết tân cổ giao duyên thì chỉ có cái tên Viễn Châu được nhiều người nhớ đến.

Bởi vì, theo soạn giả Huỳnh Anh, “gu” sáng tác của Viễn Châu là đi vào đời thường với ca từ bình dị, mộc mạc, dễ hiểu. Đặc biệt là trong bài vọng cổ nói chung và tân cổ giao duyên nói riêng của ông thường có nhân vật cụ thể. Các nhân vật ấy thường có tâm trạng, nỗi niềm, trăn trở, suy tư gần gũi với cuộc sống đời thường nên dễ đi vào lòng công chúng.

Còn đối với soạn giả Viễn Châu, ông chia sẻ: Để bài vọng cổ nói chung và tân cổ giao duyên nói riêng đi vào lòng công chúng thì lời ca phải có chất văn học. Chính vì vậy, soạn giả cần phải có vốn kiến thức nhất định về văn học, Hán học, đặc biệt là kiến thức về nhạc lý. Không vững kiến thức nhạc lý, soạn giả sẽ để chữ không đúng với các cung hò, xự, xang, xê, cống…

Nửa thế kỷ đã trôi qua, bài tân cổ giao duyên đã khẳng định được chỗ đứng của mình. Bằng chứng là người ta vẫn ca, vẫn nghe và soạn giả vẫn sáng tác cho đến ngày hôm nay.

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.