Homestay làm phong phú thêm các loại hình du lịch
Loại hình du lịch homestay (nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê) ở Tiền Giang là mô hình du lịch mới, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2006. Tỉnh ta chọn khu vực cù lao Thới Sơn, huyện Châu Thành (nay thuộc TP. Mỹ Tho) và xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè xây dựng mô hình để nhân rộng trong toàn tỉnh.
Đây là loại hình du lịch do Sở VH-TT&DL quản lý trực tiếp. Sự phân chia lợi ích từ loại hình du lịch homestay được thỏa thuận theo bản hợp đồng giữa hộ dân và doanh nghiệp lữ hành theo tinh thần tự nguyện, nếu có dịch vụ phát sinh sẽ được thỏa thuận giữa khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành và chủ hộ dân.
Chính quyền địa phương sẽ thu thuế từ hoạt động kinh doanh của loại hình du lịch homestay và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.
Tại những điểm du lịch homestay, chủ hộ đã có kinh ngiệm trong việc phục vụ khách du lịch. Các chủ hộ vẫn giữ nguyên hiện trạng căn hộ của mình với khu vườn trái cây rộng, chỉ bổ sung một số trang thiết bị cần thiết và cải tạo lại khu vực vệ sinh phù hợp với điều kiện phục vụ khách quốc tế. Mỗi điểm du lịch homestay có sức chứa tối thiểu 10 khách/đêm.
Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường xung quanh đã được gia đình rất quan tâm. Phương tiện vận chuyển phục vụ khách du lịch bằng các tàu du lịch của các hãng lữ hành đã hợp đồng với các hộ dân. Các đường làng được trải đá đỏ, sỏi hoặc bê tông, thuận tiện cho việc đi lại. Nhà nghỉ cũng có trang bị wifi miễn phí, cung cấp đầy đủ thông tin cho du khách về các dịch vụ, tour, tuyến tham quan du lịch tại Cái Bè và vùng phụ cận…
Một ngày lưu trú tại nhà cổ ở Cái Bè bắt đầu từ tờ mờ sáng, du khách cùng dậy, nấu nước, pha trà, cùng thưởng thức chén trà nóng với chủ nhà. Chỉ cần mở nhẹ cánh cửa sổ, du khách đã thoải mái hưởng thụ không khí trong lành, yên bình của thôn dã vào tinh mơ, thả bước lang thang hoặc đạp xe đạp dọc các đường làng.
Du khách nào thích sự tĩnh lặng thì có thể chọn cho mình một góc cây nào đó trong vườn để nhìn ngắm cư dân miệt vườn bước vào một ngày mới. Buổi điểm tâm sáng dùng với chủ nhà có thể chỉ là những món ăn dân dã như: mì gói, bánh mì ốp la… Nếu du khách không ăn được món Việt thì cũng không gì phải lo ngại, vì chủ nhà có đủ tài nghệ chế biến những món điểm tâm theo kiểu Âu, Á… để phục vụ du khách.
Ông Phan Văn Đức, chủ nhà cổ Ba Đức (xã Đông Hòa Hiệp, thị trấn Cái Bè) cho biết: Căn nhà khoảng 100 mét vuông của gia đình ông đã có hơn 100 tuổi, cùng khu vườn cây ăn trái rộng trên 2 ha với đủ loại trái cây đặc sản Nam bộ. Khi con cái đã lập gia đình sống riêng, gia đình sắp xếp sinh hoạt để đón và phục vụ du khách với loại hình homestay theo hợp đồng dịch vụ phục vụ khách du lịch với Công ty Thương mại - Dịch vụ Cái Bè.
Ban đầu chỉ phục vụ khách nghỉ trên những bộ ván ngựa bằng gỗ quý, nhưng sau phát triển, xây dựng thêm 6 phòng, mỗi phòng có 2 giường, được trang bị đầy đủ tiện nghi theo hướng dẫn của ngành Du lịch. Trong thời gian lưu trú, du khách hòa mình vào đời sống gia chủ, tham gia các sinh hoạt thường nhật của người dân nông thôn, cùng đi chợ mua thức ăn, cùng vào bếp để nấu nướng những món ăn truyền thống của Nam bộ và được hướng dẫn chăm sóc hoa màu, cây kiểng.
Gia chủ sẽ là những “hướng dẫn viên” nhiệt tình, cùng sát cánh giúp du khách khám phá, tìm hiểu đời sống, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lễ hội dân gian của cư dân miệt vườn. Hầu hết du khách đã có dịp nghỉ tại đây cho biết: Ở đây thật tuyệt vời như chính ngôi nhà của mình vậy. Họ giới thiệu với bạn bè loại hình du lịch mới mẽ này và sẽ có kế hoạch đưa gia đình đến Cái Bè thưởng thức không khí “homestay”.
Ngành Du lịch Tiền Giang cũng đã nhận thấy sự cần thiết phát triển dịch vụ lưu trú này với mong muốn đưa đời sống của người dân miệt vườn Nam bộ đến gần với du khách hơn; đồng thời cũng làm phong phú hơn loại hình du lịch ở Tiền Giang. Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển loại hình dịch vụ này vẫn còn khó khăn, phụ thuộc rất nhiều điều kiện như: kiến trúc ngôi nhà, sân vườn, cảnh quan, vệ sinh môi trường, sinh hoạt của gia đình…
Trong thời gian tới, để nâng cao ý thức tham gia du lịch của cộng đồng dân cư, ngành Du lịch cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trong cộng đồng địa phương, nhằm giúp họ hiểu rõ hơn lợi ích từ loại hình này, để tất cả mọi người cùng tham gia, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của địa phương.
Thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, kỹ năng giao tiếp, phục vụ, giữ gìn vệ sinh môi trường, không ngừng nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương. Tăng cường phát triển du lịch cộng đồng, phục hồi các làng nghề truyền thống, sinh hoạt, văn hóa dân gian của địa phương, lồng ghép với loại hình du lịch homestay, góp phần thu hút khách du lịch và nâng cao chất lượng của loại hình du lịch này.
Hy vọng rằng, cùng với những giải pháp đồng bộ, loại hình du lịch sinh thái kết hợp lưu trú cùng cư dân địa phương ở vùng ven đô thị đang và sẽ mang lại hiệu quả cao cho kinh tế hộ gia đình tại địa phương, góp phần làm phong phú thêm loại hình du lịch của Tiền Giang.
HUỲNH THANH HỮU