Công bố tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc
Sáng 13-6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị thông báo kết quả thực hiện giai đoạn một (2008 - 2012) Dự án "Công bố, phổ biến tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam".
Ðể phục vụ công tác nghiên cứu, sáng tác ở nhiều lĩnh vực, trong giai đoạn một, dự án tập trung ưu tiên xuất bản 1.000 công trình, tác phẩm tiêu biểu của 446 tác giả về văn hóa - văn nghệ các dân tộc, vùng, miền với tổng số 558 triệu trang in.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các xuất bản phẩm đã được gửi đến 239 thư viện các trường đại học, cao đẳng; 240 trường phổ thông dân tộc nội trú; 705 thư viện tỉnh, huyện cả nước; 400 thư viện các đồn Biên phòng; 63 đài Phát thanh - Truyền hình; các cơ quan Tuyên giáo và Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh; một số tổ chức nước ngoài tại Việt Nam và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Công bố, phổ biến tài sản văn hóa - văn nghệ dân gian có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, học tập và nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc. |
Việc thực hiện dự án không chỉ có ý nghĩa quan trọng, thiết thực trong việc bảo tồn khối lượng sách quý về văn hóa dân gian, dân tộc mà còn góp phần khơi dậy tinh thần học tập, nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa dân gian nói riêng; đồng thời giữ gìn, phát huy vai trò của văn hóa đọc; từ đó, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Giai đoạn hai của dự án (2013 - 2017) dự kiến tiếp tục công bố thêm 1.500 công trình văn hóa dân gian trong tổng số 4.000 công trình còn lại.
(Theo nhandan.com.vn)