Lắng nghe vài câu hò, câu đố…
Trong đề tài nghiên cứu văn hóa phi vật thể do Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên chủ trì năm 2005 và qua tổ chức kiểm kê, sưu tầm văn hóa phi vật thể gần đây, Ban Quản lý di tích và Bảo tàng Tiền Giang đã sưu tầm được khá nhiều thể loại phong phú, sinh động, chứa đựng chất dân gian mộc mạc, trữ tình, chủ yếu ca ngợi lao động sản xuất của nhân dân còn lưu giữ lại cho đến nay.
Trong kho tàng đó, ta hãy lắng đọng điển hình một số câu trong hò cấy:
"Ruộng ai thì nấy đắp bờ,
cấy công gieo mạ sau nhờ hột cơm
Ruộng sâu em cấy dàn công,
anh lo gieo mạ cấy trồng vun phân…
Tay em cầm nắm mạ xanh,
thấy anh đứng đó em cấy hoài không thôi
Thấy anh gánh mạ một mình,
cho em gánh với tâm tình cho vui
Em đi bờ đắp một mình,
thấy anh gánh mạ chớ em nhìn hoài quên đi".
Trong các bài vè thì có vè tăng gia:
"Từ ngày cách mạng thành công,
nhà tôi chẳng để ruộng không bao giờ
Ra công phá bụi phá bờ,
tự do cày cấy đợi chờ khi nao
Làm cho bông lúa dồi dào,
tôi đem cân đối nuôi vào quân lương
Để nuôi binh sĩ chiến trường,
làm cho kháng chiến mọi đường thành công
Nước nhà gặp lúc long đong,
bỏ không ruộng đất thì lòng sao đan
Ai ơi tấc đất tấc vàng,
nhờ công sản xuất ngày càng gia tăng…"
Hay còn ẩn chứa, phảng phất trong các lời hát ru:
Hát ru. Ảnh: Vietbao.vn |
"Ví dầu cá bống hai hang,
cá trê hai ngạnh, tôm càng hai râu
Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi,
giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già
Mẹ già ở chốn lều tranh,
sớm thăm tối viếng mới là đạo con.
Chiều chiều vịt lội cò bay,
ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng
Vô rừng bứt một sợi mây,
đem về thắt gióng cho chàng bán buôn.
Bán buôn bán lỗ bán lời,
trồng được cây xoài trái chín trái chua.
Trách ai buồng chuối dưới bàu,
trái ăn lá rọc bỏ tàu bơ vơ.
Anh đi ba bữa anh về,
sông sâu đừng lội, đò đầy đừng đi".
Bên cạnh những câu hò, điệu vè, hát ru ca ngợi hình ảnh sinh hoạt lao động sản xuất, còn có những câu đố về nơi cư trú, những loại cây hay những con vật đã góp sức cùng con người để làm nên của cải vật chất cho cuộc sống ấm no như:
"Xương sườn, xương sống,
nuốt sống người ta, nuốt vô nhả ra, người ta còn sống". (Cái nhà)
"Em là một loại rau xanh,
xưa kia ở chốn thiên đình trời cao
Tại em ngỗ nghịch cứng đầu,
bị đày hạ giới lòng đau xé lòng". (Cây rau cải trời)
"Đôi ta dang dở duyên tình,
em thề trọn kiếp một mình mà thôi". (Cây sầu riêng)
"Mận gì như gái má hồng,
ngọt ngào hương vị ở vùng Trung Lương
Thủy chung giữ trọng tình thương, mời anh ăn thử se duyên kết tình". (Mận hồng đào)
"Nghe kêu mà chẳng nghe ơi,
cong lưng mà chạy một hơi tới nhà". (Con chó)
"Công tử giữ con khéo léo
Gụm bầu tròn lắc lẻo gió đưa
Có công đi sớm về trưa
Miệng kêu déo dắt phân chia bạn cùng". (Con chim)
"Túc túc ti ti, nó ỉa nó đi có một đầu". (Con ốc)
"Khéo khen công tử nỏ mà khôn
Nhà ngói năm gian công tử ở
Vợ quan quyền công tử cũng dê". (Con muỗi)
Ngoài ra, còn có các món ẩm thực như: Mắm tôm chà, mắm còng, bánh dá, bánh hỏi, bánh rế, chuột chiên nước mắm, bún, rượu nếp… là những món ăn đặc sản của miền sông nước Tiền Giang. Dù kho tàng văn hóa dân gian tuy có phần nào bị mai một, song trong nỗ lực biên khảo, giữ gìn và nhất là qua các nghệ nhân ta vẫn sống lại với thuở cha ông sống chan hòa với thiên nhiên.
NGUYỄN MẠNH THẮNG