Thứ Ba, 19/06/2012, 09:45 (GMT+7)
.

Mỗi cây kiểng cổ như bài học làm người

Bà con ấp Quang Ninh (Quơn Long, Chợ Gạo) đều quý mến gia đình bác Hai Na (Đinh Văn Hiệp). Đó là một gia đình nền nếp, nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa cấp huyện, gương mẫu trong thực hiện “nghĩa vụ thuế nhà nước”, danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” của tỉnh với mô hình VAC… Trong gia đình với gia phong tốt đẹp, bác Hai Na chính là cây đại thụ với thú chơi tao nhã mà bác gửi quan niệm sống - chơi kiểng cổ.

Bác Đinh Văn Hiệp bên cây kiểng gõ hơn 100 tuổi.
Bác Hai Na bên cây kiểng gõ hơn 100 tuổi.

Bác Hai kể: Hồi còn chiến tranh, lúc ấy tôi còn trẻ, nhưng đã thích trồng kiểng, nhưng mỗi lần lính đi càn hoặc các ông có chức sắc ở huyện về thấy kiểng của tôi thì bảo chủ ấp đến nhà bắt tôi phải “cống nạp”, nhiều lần như vậy tôi rất giận và bỏ không trồng kiểng nữa. Sau hòa bình mới gầy dựng lại cho đến nay.

Trong khuôn viên nhà bác với trên 100 chậu kiểng cổ cao quá đầu người với khá nhiều chủng loại: Gõ, cần thăng, mai vàng, mai chiếu thủy, me, sứ, bồ đề, nguyệt quế, gừa Tàu, gừa Ấn Độ… Đặc biệt là cây kiểng gõ có tuổi thọ hơn 100 năm, thân cây cao khoảng 3 mét, to gần 1,5 vòng tay người lớn. Bề mặt thân cây có đường vân gân guốc, những khối u và hốc cây rất lạ, có chỗ giống như con rồng đang há mồm với 4 chiếc răng nhọn.

Bác Hai cho biết: Thấy nó đẹp nên hỏi mua, lúc ấy cây gõ đang ngã nghiêng bên cạnh hố bom đìa ở ấp Long An cùng xã Quơn Long. Gần 40 năm chăm chút cây gõ trở thành một tác phẩm độc đáo.

Khi hỏi về giá trị kinh tế của vườn kiểng, anh Đinh Văn Thưa (con trai út của bác) cười bảo: “Những cái chậu ngày xưa mua khoảng 1 - 2 chỉ vàng, còn kiểng, thấy thích thì mua đem về chứ không có bán nên không để ý đến giá cả”.

Bác Hai Na cho biết, vườn kiểng nhà bác đa phần theo 3 trường phái: Tứ diện, Tam cang ngũ thường (có nghĩa: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, muốn vươn đến khát vọng đó người đàn ông phải có những chuẩn mực nhất định…). Đó là ý nghĩa, còn hình dáng thì thân cây chính có 5 tầng (ngũ thường), có một nhánh phụ lá uốn 3 tàng (tam cang).

Còn trường phái “Tam tòng, tứ đức” là nói về phẩm hạnh của người phụ nữ, thân chính của cây kiểng có 4 tầng (tứ đức), một nhánh phụ có 3 tầng (tam tòng), vì vậy người chơi kiểng cổ sành điệu phải sắp xếp kiểng có đôi theo âm dương (Tam cang ngũ thường và Tam tòng tứ đức).

Ngoài những đôi chậu kiểng độc đáo, bác Hai có một chậu sứ đỏ 70 năm tuổi, có bộ rễ rất đẹp; trước nhà còn có một hòn non bộ cha con bác tự đắp có song long phun nước…

Giữa cái nắng chang chang, nhìn sân kiểng vẫn thấy mát lòng. Năm 2011, vườn kiểng của bác Đinh Văn Hiệp đạt hạng nhì (bảng A) trong Hội thi “Hàng rào, cây xanh, hoa kiểng đẹp tỉnh Tiền Giang lần III”. Được biết năm nay, Phòng VHTT&TT huyện Chợ Gạo tiếp tục chọn vườn kiểng của bác Hai dự thi.

NGỌC LỆ

.
.
.