Người con Tiền Giang đa tài với danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú
Nghệ sĩ Hoàng Kha tên thật là Nguyễn Hoàng Kha, sinh năm 1969, quê ở miệt vườn cù lao Thới Sơn (huyện Châu Thành - nay thuộc TP. Mỹ Tho). Anh sinh ra và lớn lên ở miền quê vốn có phong trào đờn ca tài tử - cải lương lâu đời gắn với tên tuổi của nhiều soạn giả cải lương, nghệ nhân đờn ca tài tử nổi tiếng như: Minh Thùy, Bảy Du, Thanh Nhàn…
Với gia đình, thân sinh của nghệ sĩ là ông Nguyễn Văn Sáu, liệt sĩ thời kháng chiến chống Mỹ; chị ruột là nghệ sĩ cải lương Kim Ảnh, từng là đào chánh của Đoàn Văn công tỉnh Đồng Tháp; anh thứ hai là nghệ nhân Hai Trong, thành thạo nhiều nhạc cụ và bài bản tài tử, cải lương. Đó là máu và hơi thở cho anh dấn thân vào nghệ thuật trong môi trường quân đội.
Thiếu tá, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Kha (bên phải). |
Năm 1987, vừa tốt nghiệp THPT tại trường Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), anh xung phong lên đường nhập ngũ. Do có năng khiếu về đàn sến nên anh được biên chế về Đội Tuyên Văn - Bộ Chỉ huy Quân sự Tiền Giang.
Nhân sự của đơn vị lúc đó còn thiếu, anh chị em diễn viên lẫn lãnh đạo của Đội Tuyên Văn thường phải kiêm nhiệm nhiều việc: Nhạc công, ca, múa, tấu hài…, kể cả hậu đài. Và Hoàng Kha trở thành diễn viên múa giỏi lúc nào không hay.
Một hôm, do thiếu diễn viên, Hoàng Kha được phân công diễn vai hài, không ngờ được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong vùng được một trận cười no bụng.
Thế là tài năng được bộc lộ dần từ nhạc công đàn sến đến diễn viên múa, tấu hài rồi đóng kép độc. Vai nào anh cũng hoàn thành tốt do có sẵn năng khiếu bẩm sinh cộng với sự cố gắng học hỏi… Tiếng lành đồn xa, anh được cấp trên điều về Đoàn Văn công Quân khu 9 vào năm 1990.
Từ năm 1990 đến nay, anh đã tham gia diễn 6 vở cải lương dài và rất nhiều vở ngắn về chủ đề chiến tranh, bộ đội Cụ Hồ, tình đoàn kết quân - dân... Sở trường chính là những vai kép độc - lão - hài. Vai ấn tượng nhất trong đời văn nghệ binh nghiệp gần đây của anh là vai Trung úy Sâm trong vở nhạc - kịch - cải lương nổi tiếng “Hai người mẹ” do nhạc sĩ An Thuyên sáng tác và đạo diễn, phần cải lương do Thượng tá nghệ sĩ - soạn giả - đạo diễn Nguyễn Thành Bính viết lời (phóng tác từ tác phẩm văn học Hòn Đất nổi tiếng của nhà văn Anh Đức).
Vai này Hoàng Kha được thủ trưởng Quân khu tặng bằng khen. Bước ngoặt đầu tiên đánh dấu sau 5 năm về làm diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 9 là vào năm 1995 anh được tặng Huy chương Vàng tại Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân, với vai ông Mười Trang trong vở “Trả lại tên con” của tác giả Cửu Long Thi.
Tại Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc vào năm 2000, anh vào vai Đạt trong vở “Cuộc đời vẫn đẹp sao” của tác giả - đạo diễn Thành Bính, đã lãnh Huy chương Bạc. Anh tiếp tục lãnh Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc toàn quân năm 2003, với tiết mục hòa tấu âm nhạc dân tộc “Về miền Tây”, có sử dụng bộ gõ.
Thượng tá nghệ sĩ - soạn giả - đạo diễn Nguyễn Thành Bính, Phó trưởng Đoàn Văn công Quân khu 9 là đồng hương, đồng chí, người thầy và cũng là thủ trưởng của anh từ khi anh mới gia nhập quân đội. Khi thầy Thành Bính viết vở cải lương ngắn hoặc dài thường cho Kha vào vai những nhân vật theo kiểu “đo ni đóng giày” nên được khán giả trong và ngoài quân đội hết lòng khen ngợi.
Vinh dự lớn trên đường nghệ thuật của người con Tiền Giang khoác áo lính chính là trong tháng 5 vừa qua, nam diễn viên cải lương kép độc hài Hoàng Kha đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
NGUYỄN VĂN BỚT