Ra mắt sách “Lịch sử võ học Việt Nam”
Tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Unesco Bảo tồn - Phát triển Văn hóa - Thể thao dân tộc Việt phối hợp với tác giả Phạm Phong (Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam) vừa tổ chức ra mắt cuốn sách “Lịch sử Võ học Việt Nam”. Sách do Nhà Xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành.
“Lịch sử Võ học Việt Nam” dày 784 trang, biên soạn từ thời lập quốc (Nhà nước Văn Lang đến nay) về quá trình hình thành, các giai đoạn phát triển, các mốc son, sự kiện lịch sử oai hùng của nền võ học dân tộc, các bậc tổ nghiệp, tiên đế, anh hùng dân tộc đại võ công, các di tích, vùng đất, các khoa cử, danh nhân võ học và toàn bộ hệ thống võ học, bao gồm: Võ Lý, Võ Lễ, Võ Đạo, Võ Kinh, Võ Cử, Võ Thuật, Võ Y, Võ Nhạc, Võ Phục, trong đó có trên 100 trang hình ảnh, các loại binh khí…
Tác giả Phạm Phong chia sẻ: "Sau nhiều năm đi điền dã đến nhiều nơi trong cả nước để nghiên cứu, sưu tầm các nguồn tư liệu, hiện vật về võ thuật, tôi đã chứng kiến sự mai một khá nhanh các bảo bối của võ cổ truyền. Nhiều làng võ danh tiếng một thời nay chỉ còn lại trong ký ức. Nhiều dòng tộc môn phái nổi tiếng về võ học, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà các thế hệ con cháu đã không theo nghiệp võ nữa, nên các tư liệu hiện vật về võ học cũng mất theo".
Một số lão võ sư có quan niệm sống để bụng, chết mang theo nên không truyền lại bí quyết võ công cho các môn sinh. Khi họ qua đời, theo tập tục, các vật dụng thân thuộc được đốt đi hoặc chôn theo (nhất là các tư liệu cổ viết bằng chữ Hán - Nôm, người thân không đọc và phổ biến được).
Mặt khác, phần lớn các sách về võ học ở các thư viện, viện nghiên cứu, trung tâm lưu trữ tư liệu còn quá ít. Lo ngại trước thực trạng trên, đầu năm 2001, tác giả Phạm Phong đã dồn nhiều tâm lực nghiên cứu, biên soạn cuốn “Lịch sử Võ học Việt Nam”. Qua 12 năm thực hiện, vừa qua cuốn sách đã hoàn thành và tác giả cũng cho biết, toàn bộ số tiền thu được từ cuốn sách sẽ được đưa vào “Quỹ hỗ trợ tài năng võ Việt”.
Cùng với việc biên soạn cuốn sách trên, đầu năm 2010, tác giả Phạm Phong và nhóm nghiên cứu ứng dụng võ học còn soạn dự thảo Đề án "Xây dựng lộ trình nâng tầm võ Việt" trình lên các bộ, ngành chủ quản. Việc làm trên nhằm xây dựng nền võ học cổ truyền Việt Nam khoa học - tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chắp cánh cho võ Việt bay cao, bay xa hơn nữa để đến nhiều nơi trên thế giới.
(Theo sggp.org.vn)