Thứ Bảy, 09/06/2012, 18:13 (GMT+7)
.

Sau bài báo “Vài điều đọng lại qua Hội thi Giọng ca cải lương”

Báo Ấp Bắc vừa qua có nêu ý kiến của một bạn đọc yêu sân khấu cải lương qua bài “Vài điều đọng lại qua Hội thi Giọng ca cải lương”. Ngày 29-5-2012, Ban Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang có văn bản phản hồi về các chi tiết nêu trong bài báo, nội dung chủ yếu như sau:

Thứ nhất, bài viết có nêu vấn đề: “… Chỉ có 1 thí sinh Tiền Giang nhận giải khuyến khích. Chẳng lẽ nhân tài về ca cổ và cải lương của “cái nôi sân khấu cải lương” bị hiếm nên để thí sinh tỉnh, thành bạn lấn sân?”.

Về ý kiến này, Đài PT-TH (về sau gọi là Đài) phản hồi: Đây là hội thi mở rộng ra khu vực của các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Trong số hơn 100 thí sinh đăng ký dự thi thì có phân nửa số thí sinh ở tỉnh Tiền Giang, năm nay có cả thí sinh ở tỉnh Bình Định, Phú Yên dự thi, điều này cho thấy đối tượng dự thi đã được Ban tổ chức xác định từ đầu, là sân chơi không phải chỉ dành riêng cho tỉnh Tiền Giang.

Và đây là cuộc thi được công khai, có tổ chức, Ban giám khảo gồm những người có uy tín… nên tỉnh, thành nào có thí sinh tài năng thật sự nổi trội hơn thì giành được thứ hạng cao, không có việc “lấn sân” ở đây.

Thứ hai, việc chọn và sử dụng các trích đoạn của Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thành Châu thi diễn đêm xếp hạng là có sự thống nhất trong Ban tổ chức. Đây là lần đầu tiên Hội thi Giọng ca cải lương có sự cải tiến, nâng cao bằng cách đưa các trích đoạn vào thi diễn mang tính thể nghiệm.

Ban tổ chức cũng đã dự kiến, nếu thành công thì ở các lần hội thi sau sẽ chọn các trích đoạn hay của nhiều tác giả để thí sinh chọn thi diễn cho phong phú.

Thứ ba, bài viết nêu: “Thêm vào đó là sự “lấn sân” của các thí sinh đến từ trường Nghệ thuật sân khấu TP. Hồ Chí Minh, với 7/8 thí sinh của trường vào vòng chung kết của hội thi này…”.

Về ý này, Đài phản hồi: Vào đến vòng chung kết xếp hạng có 8 thí sinh: Tây Ninh (2), Tiền Giang (1), Bến Tre (2), Trà Vinh (1), Bạc Liêu (1), An Giang (1). Trong đó, chỉ có 2 thí sinh ở tỉnh Tây Ninh và 1 thí sinh ở tỉnh An Giang đang theo học năm thứ 2 Trường Cao đẳng văn hóa - nghệ thuật mà thôi; còn lại đang công tác, làm việc và sống ở các tỉnh.

Hội thi có quy định rõ trong thể lệ dự thi về độ tuổi, về đối tượng; còn việc thí sinh đang học ở đâu, làm nghề gì không nằm trong điều khoản khống chế của thể lệ.

Thứ tư, về: “… chuyện diễn viên “hát nhép”… ”. Đài cho rằng: Điều này không đúng với thực tế, vì hội thi có ban nhạc 6 người đệm đàn và thí sinh hát thật 100% kết hợp diễn xuất. Tất cả thí sinh phải tập với ban nhạc nhiều ngày trước khi thi diễn. Không có một hội thi “hát” nào mà hát nhép, làm sao chấm chất giọng?

Về nội dung này, tác giả bài báo phản ảnh một nghệ sĩ của Tiền Giang được mời hát giao lưu với khán giả trong đêm chung kết hội thi đã “hát nhép” bài “Thương quá Việt Nam”, chứ không có ý về “hát nhép” của các thí sinh. 

Thứ năm, bài viết nêu: “… Vì thí sinh Nguyễn Chí Luông đến từ Bạc Liêu… nên không được “o gà”, đến nỗi hát quên đầu, quên đuôi…”.

Đài phản hồi: Tất cả thí sinh dự thi đều được Ban tổ chức cho tập dợt với ban nhạc rất nhiều lần, có sự công tâm trong điều động tập và dàn dựng; còn việc hát quên lời, rớt nhịp, sai lời là chuyện thường gặp ở tất cả các hội thi và nếu có là do thí sinh không làm chủ được sân khấu... Ở đây không có việc phân biệt đối xử giữa các thí sinh với nhau.

.
.
.