Thứ Sáu, 01/06/2012, 13:04 (GMT+7)
.
TRÒ CHUYỆN CÙNG ĐẠO DIỄN NGUYỄN HỒNG DUNG:

Muốn hái quả ngọt thì phải ươm mầm và chăm chút…

Đạo diễn Hồng Dung trong đêm chung kết xếp hạng
Đạo diễn Hồng Dung trong đêm chung kết xếp hạng.

Nhân Hội thi Giọng ca cải lương - Giải Nguyễn Thành Châu lần thứ 4 năm 2012 vừa diễn ra, đạo diễn Hồng Dung (H.D), con gái của cố Nghệ sĩ nhân dân, soạn giả Nguyễn Thành Châu đã dành cho phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc cuộc trò chuyện thân tình.

PV: Cảm nghĩ của đạo diễn về giải thưởng mang tên vị thân sinh của mình?

Đạo diễn H.D: Tôi rất cảm động và tự hào khi Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang đã tổ chức hội thi và trao giải thưởng mang tên cha mình; đồng thời cũng rất hạnh phúc khi được mời làm thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo.

Điều ấy cho tôi cảm giác như được sống lại trong vòng tay của ba khi được chạm đến các trang kịch bản thấm đẫm bao tâm huyết của ông. Giải thưởng thành công, tôi như thấy ba mỉm cười ở nơi nào đó rất gần!...

PV: Tình cảm của đạo diễn Hồng Dung trong những lần về lại quê hương, nơi được gọi là “cái nôi cải lương” và suy nghĩ gì về sự thiếu vắng tài năng cải lương của Tiền Giang qua hội thi?

Đạo diễn H.D: Bao giờ cũng vậy, mỗi lần về Tiền Giang, tôi vẫn luôn tự hào xen lẫn sự đau đáu về “cái nôi cải lương”. Tiền Giang hiền hòa, nhưng không thể khiêm tốn đến mức có thể “nhượng bộ” cho các địa phương khác một danh hiệu làm nên lịch sử nghệ thuật độc đáo ấy được.

Có thể “bụt nhà không thiêng” chăng? Hay sự “đãi cát tìm vàng” chưa đúng mức, hay sự sống của cải lương trên chính đất Tiền Giang chưa mạnh để có thể giữ chân được các tài năng. Cần có cái nhìn chiến lược hơn trong việc đầu tư và có chính sách ưu đãi đối với môn nghệ thuật này.

PV: Đạo diễn có nhận xét gì về quy mô tổ chức, khán giả và nhất là về tài năng của thí sinh tại hội thi lần này so với những hội thi trước?

Đạo diễn H.D: Sau một thời gian gián đoạn khá dài mà hội thi vẫn thu hút được khá đông thí sinh đến từ nhiều địa phương chứng tỏ sức thu hút của Hội thi Giọng ca cải lương - Giải Nguyễn Thành Châu không phải nhỏ.

Điều đáng mừng là hội thi ở những lần sau luôn được tổ chức tốt hơn những lần trước. Về khán giả, tôi cho rằng lượng khán giả đến xem không được như ý muốn, có thể do khán giả ngày nay có thói quen thích ở nhà xem trực tiếp truyền hình hơn. Có không ít khán giả liên tục có mặt trong các đêm thi vì họ thật sự yêu mến cải lương, là những tri âm thật sự mà chúng ta cần hướng đến bằng các chương trình biểu diễn nghệ thuật có sức hút…

Về chất lượng thí sinh lần này, dù có thí sinh chưa một lần được nghe đến diễn trong ca, nhưng trong tố chất của các thí sinh vào vòng chung kết xếp hạng đã cho thấy những hạt nhân sân khấu cải lương tốt nếu như được ươm mầm kỹ và được đầu tư thích đáng.

PV: Xin cảm ơn đạo diễn!

NGỌC LỆ (thực hiện)

.
.
.