Cần gọi đúng danh xưng của từng tài tử
Toàn tỉnh hiện có 121 CLB, đội, nhóm đờn ca tài tử (ĐCTT), với trên 1.200 thành viên sinh hoạt tại trung tâm VH-TT cấp huyện, nhà văn hóa và các điểm sinh hoạt văn hóa cấp xã. Hàng năm, ngành VH-TT&DL tổ chức hội thi, liên hoan ĐCTT nhằm góp phần nâng chất, tìm nhân tố mới cho phong trào, tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh.
Tuy nhiên, qua theo dõi phong trào, chúng tôi thấy rằng, trong các hội thi, liên hoan, sinh hoạt ĐCTT, việc giới thiệu danh xưng của từng tài tử trong các cuộc sinh hoạt là không chuẩn, bởi một người biết chơi ĐCTT có sự khác biệt về trình độ nghề nghiệp với một nghệ nhân ĐCTT.
Để gọi đúng danh xưng, thể hiện được trình độ nghề nghiệp của từng danh xưng, theo chúng tôi, một nghệ nhân ĐCTT phải đáp ứng được các tiêu chi như: Được cộng đồng gọi là nhạc sư, thầy đờn, nghệ sĩ, tài tử có ngón đờn hay, ca hay, sáng tác hay; đờn đúng, điêu luyện tối thiểu 15 trong 20 bài tổ của nhạc tài tử theo quan niệm truyền thống; có hoạt động truyền dạy cá nhân hoặc tham gia các lớp truyền dạy ĐCTT trong hoặc ngoài địa phương.
Một người biết chơi ĐCTT cũng phải đáp ứng được các tiêu chí như: Đã được nghệ nhân truyền dạy hay đã tham gia các lớp học ĐCTT trong hoặc ngoài địa phương; đã tham gia nhiều cuộc chơi ĐCTT và đã từng tham gia các cuộc hội thi, liên hoan ĐCTT trong hoặc ngoài địa phương; biết đờn hoặc ca các bài thuộc một trong các hơi: Bắc, Hạ, Nam, Oán và bài vọng cổ.
Việc gọi đúng danh xưng của từng tài tử trong hoạt động ĐCTT cũng là một cách tôn vinh, thể hiện sự tôn trọng trình độ nghề nghiệp mà nghệ nhân đã dày công khổ luyện, tránh đi tình trạng một người chỉ biết hát vài câu vọng cổ, một vài bài bản vắn cải lương cũng được gọi hoặc được giới thiệu là nghệ nhân trong các hoạt động ĐCTT.
THANH HẢI