Thứ Bảy, 22/09/2012, 14:03 (GMT+7)
.

“Khuôn trăng” của đời tôi

Hồi ấy, bọn trẻ chúng tôi hầu hết là con nhà nghèo. Cha mẹ lo cho con cơm ăn áo mặc, được đến trường đã là quá vất vả, nên vào rằm tháng tám, lồng đèn và bánh Trung thu thường chỉ “được chăng hay chớ”, chẳng đứa nào dám “đua đòi”.

Tuy nhiên, dù không có những chiếc lồng đèn rực rỡ, không có những chiếc bánh thơm tho hấp dẫn trưng bày trong tủ kiếng ngoài chợ Cây Xoài, thì bọn trẻ chúng tôi vẫn cứ vui Trung thu theo cách của trẻ nghèo là chơi “lồng đèn” bằng lon sữa bò, đuốc dầu hôi, đèn giấy xếp, hoặc vót tre trúc làm lấy chiếc đèn ông sao, tuy vụng về nhưng cũng đưa được những ánh đèn cầy lung linh sáng đẹp giăng giăng lấp lánh.

Cũng “Tết Trung thu đốt đèn đi chơi…”, “Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già…” ca vang và cười ngặt nghoẽo trên các lối mòn từ chập tối đến tận khuya. Và vẫn được cùng nhau “phá cỗ”…

Ảnh Lê Duy
Minh họa: Lê Duy

Không biết từ khi nào, cứ vào đúng đêm rằm là bọn trẻ chúng tôi lại rồng rắn kéo đến nhà bác Hai “gạo” ở đầu ấp Voi Nhỏ.

Đó là một ngôi nhà mái lá vách ván, trước sân có giàn dưa tây râm mát. Nhà bác Hai cũng nghèo, hàng ngày bác phải gánh gạo đi bán kiếm từng đồng lời nuôi các con ăn học. Vậy mà Trung thu nào nhà bác Hai cũng có “cỗ” cho bọn trẻ chúng tôi cùng “phá” (sau này tôi mới biết, để có bánh đúng dịp Trung thu, bác Hai phải góp tiền hàng tháng cho một “hội bánh” nào đó).

Đó là mấy cái bánh nướng bánh dẻo nhưn thập cẩm, mỗi cái phải cắt ra làm tám mới tạm đủ chia. Là gói kẹo, là trái cây vườn nhà, là giọng nói nhẹ nhàng đôn hậu của bác Hai. Để rồi sau đó, bọn trẻ chúng tôi lại dung dăng dung dẻ, tay cầm đèn Trung thu huơ cao, miệng cười nói râm ran, kéo nhau đi khắp xóm. Đôi lúc còn bị mấy đứa “quá quắt” rình tạt nước khiến “lồng đèn” tắt ngúm, đứa khóc ré, đứa cười rân…

Hồi ấy tôi vốn khéo tay nên hay làm giúp lồng đèn cho cô con gái thứ tám của bác Hai. Cô bé có khuôn mặt tròn đầy, hai mắt tròn xoe, nước da trắng, tóc hớt bum bê… Không vì phần “ưu ái” đến góc tư cái bánh được bác Hai chia cho, mà bởi trong bụng trong dạ đứa trẻ hơn 10 tuổi là tôi lúc ấy luôn có cảm giác “thinh thích” cô bé, nên bất cứ khi nào có dịp “giúp” là tôi luôn sẵn sàng, kể cả dang thân che chở nếu có kẻ “cả gan” dám bắt nạt… “khuôn trăng” ấy.

Rồi chiến tranh lan rộng, nhà bác Hai bị cháy rụi, tản cư, ly tán, sau đó lại tụ về xóm cũ. Những đêm vui “phá cỗ” Trung thu dần hồi không còn nữa. Bọn trẻ chúng tôi lớn lên, mỗi người một cảnh ngộ khác nhau. Riêng tôi, dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn để tâm dõi theo cái khuôn mặt tròn như ánh trăng rằm thuở ấy, với tình cảm sâu đậm theo thời gian…

Cái “khuôn trăng” ngày ấy, nay đã là bà nội, bà ngoại của bốn đứa cháu ngoại, cháu nội… của tôi. “Bác Hai” - mẹ vợ của tôi, giờ xấp xỉ tuổi trăm vẫn còn minh mẫn, vẫn chia bánh cho cháu chắt mỗi dịp rằm tháng tám. Những cái bánh Trung thu cắt tư xẻ tám, chia ra là để nhân lên, cho dù ở vào bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời mỗi người cũng luôn lưu giữ ít nhiều kỷ niệm, gắn kết thâm tình.  

       TRƯƠNG NGỌC

.
.
.