Nguyễn Tấn Thịnh: Cậu bé có khiếu vẽ tranh
Trong cái xóm nhỏ nép mình dưới những vườn dừa ở ấp Thạnh Kiết (An Thạnh Thủy, Chợ Gạo), tôi tình cờ phát hiện ra “họa sĩ” tí hon Nguyễn Tấn Thịnh, học lớp KA 10, trường THPT Chợ Gạo (ảnh).
Cha Thịnh (ông Nguyễn Tấn Phong) cho biết, Thịnh thích vẽ từ lúc còn học lớp 2. Thấy cháu ngồi đâu cũng vẽ, ông nội sợ cháu mê vẽ sẽ ảnh hưởng đến việc học tập nên khuyên can, thậm chí cấm đoán, nhưng Thịnh vẫn cứ vẽ, không vẽ công khai được thì vẽ lén.
Thịnh mê vẽ, mê truyện tranh, mê phim hoạt hình, em có thể vừa học bài vừa xem phim hoạt hình, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến kết quả học tập. Cha em lấy những bức tranh em vẽ, nào là: Po Ké Mon quyển 1; tập 1: Trận đấu đầu tiên; tập 2: Rôbô chính nghĩa; rồi quyển 1 Siêu nhân A B C…
Tôi ngạc nhiên khi xem mấy quyển truyện tranh do em tự vẽ và viết cốt truyện, không thua gì những tập truyện tranh bán ngoài các hiệu sách, chỉ khác đây là tác phẩm vẽ bằng bút bi, trên giấy A4 cắt đôi, đóng lại thành tập. Nét bút thật sắc sảo, phần lời viết bằng chữ in hoa thật đẹp.
Em vẽ tranh giống như người ta viết chữ, hết trang này qua trang khác, sạch sẽ, tinh tươm, không hề có dấu vết tẩy xóa nào, hay trang nào phải xé để vẽ lại. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn là em vẽ như in.
Ở trang đầu quyển truyện, em giới thiệu hình ảnh các nhân vật ra sao thì các trang trong những nhân vật đó giống hệt như vậy. Trong các tác phẩm của em, tôi thích nhất là bức chân dung cô gái. Em cho biết, đây là bức ảnh mà cô giáo đưa hình cho em làm mẫu, vẽ ngay tại lớp.
Theo lời tôi, em ngoan ngoãn lấy một tờ giấy và cây bút bi ngồi vào băng đá. Bàn tay em nhẹ nhàng lướt trên tờ giấy, ngòi bút bi lia nhanh, không hề ngập ngừng, không hề dừng lại dù chỉ vài giây. Mọi hình ảnh, đường nét như đã có sẵn trong đầu em, em chỉ cần lia bút thì lập tức khuôn mặt, ánh mắt, mái tóc, rồi cả thân hình của nhân vật hiện lên. Đúng 20 phút, em đã vẽ xong bức tranh với 3 nhân vật. Em đề tên bức tranh là Songoku - Bảy viên ngọc rồng.
Tôi hỏi em có thích làm họa sĩ không? Em bảo thích. Còn cha mẹ em thì muốn tìm một chỗ cho em học thêm về hội họa, giúp em có cơ hội phát huy năng khiếu.
NGỌC THỦY