Cấm việc hát nhép, đàn nhép là trả lại giá trị thật của nghệ thuật
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Trong Điều 6 về những quy định cấm, có cấm hát nhép, đàn nhép, được nhiều người hoạt động sân khấu đồng tình, bởi nó trả lại giá trị thật của nghệ thuật.
Đi xem văn nghệ, ngoài ca sĩ, nghệ sĩ, chúng ta xem cả ban nhạc: Anh đánh trống, anh thổi kèn, anh đàn ghi-ta sô-lô biểu diễn ngón đàn điệu nghệ...; nhưng nạn hát nhép thời gian qua đã biến các nhạc công trở thành những người đàn nhép, bởi phải đàn theo đĩa đã thu sẵn.
Trong Hội nghị giao ban trực tuyến do Bộ VH-TT&DL tổ chức vào ngày 19-10 tại TP. Hồ Chí Minh để sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị 65 của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL về chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, có đại biểu đã lên tiếng rằng: Việc siết chặt quy định về hát nhép thời gian qua đã phơi bày nhiều ca sĩ hát rất dở trên sân khấu.
Ở sân khấu cải lương, những người theo nghề hát đã tổng kết rằng, sân khấu cải lương có 2 ông thầy rất được coi trọng là ông thầy tuồng và ông thầy đờn. Thầy tuồng là tác giả, thầy đờn là nhạc sĩ. Khi nào cải lương coi trọng 2 ông thầy này thì sẽ phát triển rực rỡ, có nhiều vở tuồng hay, nhiều nhạc sĩ giỏi, nhiều diễn viên có vai diễn để đời.
Theo chúng tôi biết, trước năm 1975, hầu hết nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương đều là học trò của một ông thầy đờn nào đó. Cho nên, trong nhiều nguyên nhân “giết” chết cải lương thời gian qua, có nguyên nhân ông thầy tuồng và ông thầy đờn không được coi trọng.
Được biết, Bộ VH-TT&DL sẽ sửa nghị định xử phạt theo tinh thần mới tăng mức phạt và mức chế tài tước giấy phép sẽ được áp dụng.
THANH HẢI