Thứ Bảy, 27/10/2012, 16:48 (GMT+7)
.

Hàng rong Mỹ Tho xưa

Không biết nghề bán hàng rong có từ đời nào nhưng chắc chắn nó xuất hiện từ xa xưa lắm. Hàng rong là những món hàng mà người bán phải gánh, phải bưng, phải đội, hay khá hơn là được đẩy từ một chiếc xe hai bánh thô sơ… đi rong từ chỗ nọ đến chỗ kia cho đến khi hết hàng thì mới quay về.

Cũng là một gánh xôi, nhưng với người bán phải còng lưng gánh đi khắp ngõ đường và một người ngồi tại chỗ ở một góc phố nào đó, thì trường hợp thứ nhất mới được gọi là “hàng rong” mà thôi. Nếu định nghĩa nầy được chấp nhận thì hàng rong đồng nghĩa với “bán dạo”.

Nhà ga Mỹ Tho - Sài Gòn và Phố thương mại mé sông. Ảnh rút ra từ sách ảnh Nhà ga Mỹ Tho - Sài Gòn và Phố thương mại mé sông. Ảnh rút ra từ sách ảnh
Nhà ga Mỹ Tho - Sài Gòn và Phố thương mại mé sông. Ảnh: Sách ảnh "Sài Gòn lục tỉnh xưa"

Đặc biệt của hàng rong là người bán phải luôn miệng rao hàng. Rao hàng không những là mời mọc người có nhu cầu… ăn uống biết là món mình khoái khẩu đã tới, mà còn đánh thức tuyến nước bọt của người nghe.

Đang lúc cơ thể thiếu chất béo mà nghe giọng lảnh lót kéo dài: “Ai… ăn chè… đậu đen… nước cốt dừa… đường cát… ho…ong?”, hoặc đang lúc “mưa bay lất phất” lại nghe văng vẳng ở đầu hẻm: “Ai… ăn tàu hủ… ho…ong?”, thì không mấy ai không liên tưởng đến chén tàu hủ bốc khói được chan nước đường gừng mà chẳng chờ sẵn trước cửa hay lại không tốc mền ngồi dậy?

Với người nam bán, thì tiếng rao lại thường cô đọng lại chỉ còn vài từ cộc lốc và chát chúa: “Mía hấp! Mía hấp!”. “Tiếng rao” cũng có thể là… tiếng chuông rung leng keng, hay hai thanh tre gõ vào theo một nhịp điệu hai nhặt một khoan liên tục: “Cốc cốc! Cốc! Cốc cốc! Cốc!...” của người bán cà rem hay anh “hủ tiếu gõ”!

Hàng rong thường là những món thực phẩm để ăn chơi, ăn cho vui miệng, một loại quà ăn vặt, cho nên chỉ đắt hàng với những thực khách có chút tiền rủng rỉnh; còn với những tầng lớp ngày hai buổi còn lo chưa xong thì hàng rong không có đất dụng võ!

Hàng rong ở Mỹ Tho xưa so với ngày nay thì không được phồn thịnh hơn, nghĩa là ít mặt hàng hơn, ít người bán hơn. Nhưng có những món và những nhân vật mà người bây giờ nghe đến cũng phải ít nhiều ngạc nhiên, thú vị.

Trước công viên Dân chủ (nay là Nhà Thiếu nhi Tiền Giang) có nhiều xe… “tứ cấp”, là xe được thiết kế bốn bậc (giống như bậc thềm), mỗi “cấp” được trưng bày những keo dựng đầy nhiều loại bánh kẹo. Bậc thấp nhất, cũng là bậc có diện tích rộng nhất, có những keo lớn đựng đầy những cóc ghim, ổi ghim ngâm vào một thứ nước vàng khè mà chủ hàng bảo là cam thảo! (sau này mới biết được ngâm vào đường hóa học và chút màu).

Đây là món hàng đắt khách nhất đối với đám học sinh. Cầm môt trái cóc được “tách bông” hay một  một phần trái ổi được chẻ ra làm ba, phếch lên chút muối ớt đỏ au trên một màu vàng gợi cảm; cắn một miếng, vị ngọt ngọt, chua chua, cay cay, chưa nhai thì nước bọt tuôn ra làm rần cả hai má!

Thú vị hơn là được tận mắt nhìn chú A Tỷ biểu diễn gọt cóc, ổi: Cầm một lượt hai trái trong một tay; tay kia chú thoăn thoắt con dao gọt bén ngót, chỉ trong chớp mắt là xong! Bởi vậy, dù ổi vẫn luôn ngâm sẵn đầy trong keo, nhưng chúng tôi vẫn đòi “ổi mới” để có dịp nhìn chú trổ tài.

Khu vực chợ Mỹ Tho thì có “chí mà phủ” (chè mè đen) của thím Xẩm. Thím tà tà một gánh từ đầu chợ đến cuối chợ và luôn miệng rao “chí mè phủ”, kể cả khi “múc không kịp” cho đám thực khách vây quanh. Đây là một món chè độc đáo của người Hoa, ai đã từng thưởng thức một lần rồi sẽ không quên cái hương vị béo ngọt bùi lẫn lộn, ngon tới ruột tới gan.

Cà rem quây tay Hữu Danh, Hữu Tiếng một thời, mà mỗi lần nghe tiếng chuông leng keng thì ít ai “cầm lòng cho đậu”. Có thể nói, đến giờ này không có hãng cà rem nào “qua” được!

Đêm đêm trên đường Hùng Vương, người ta thường nghe tiếng rao “Mía hấp! Mía hấp” của “chú mắt kiếng”. Vừa rao, thỉnh thoảng chú vừa giở nồi ra; mùi thơm đặc thù của mía hấp làm người đi đường ít ai không quay xe lại.

Cũng như chú A Tỷ gọt cóc ổi, “chú mắt kiếng” róc vỏ mía, chặt mía ra từng đoạn nhỏ (như mía ghim) đã đến mức thượng thừa. Loáng một cái là xong. Coi róc mía “rẹt rẹt” cũng đáng đồng tiền! Có lẽ ở TP. Mỹ Tho, mía hấp là mặt hàng duy nhất không “đụng hàng”, nên đến nay đã trải qua bốn đời mà vẫn còn tồn tại.

Khác với ngày nay, kẹo kéo câu khách bằng nhạc sống tự biên tự diễn; chiêu câu khách của kẹo kéo ngày xưa là quay số: Đó là một khung tròn bằng cây, trên đó có nhiều khoảng trống được phân định bằng nhiều cây đinh nhỏ đóng đều khoảng cách với nhau. Giữa mỗi hai cây đinh được ghi xen kẽ các số  từ 1 đến 20 (số 1 nhiều nhất). Quây trúng số 1 thì được chung một tấc kẹo; quay trúng số 2 thì chung được hai tấc, nhưng kẹo lại bị kéo ra dài, mỏng manh hơn! (bài bạc mà lỵ!).

Một nhân vật độc đáo là “anh gù” bán thuốc lá dạo. Địa bàn của anh là mấy “tiệm nước”, trước cổng rạp hát, dãy bar ở khu vực bờ kè bây giờ và công viên Lạc Hồng. Đến nay đã năm mươi năm mà vẫn thấy anh còn hành nghề, có điều lưng anh có vẻ gù hơn, bước đi lụm cụm hơn và tóc đã đổi màu trắng toát.

Nói bán hàng rong Mỹ Tho xưa mà không kể đến “Tầu phộng dang… hạt pí… đây!” của bà Xẩm ngày đêm quanh quẩn ở khu vực vườn hoa Lạc Hồng. Trên tay chỉ có cái rổ nhỏ chứa nhiều gói đậu phộng rang hạt bí rang; nếu bán hết cả rổ thì cả vốn lời cũng chẳng bao nhiêu, nên ai cũng động lòng mà mua giùm bà vài gói.

Thế mà bà kiên trì từ ngày nầy qua ngày nọ, để rồi một ngày mọi người phải té ngửa khi thấy bà xây một cái nhà “hết hồn” ở cuối đường Lê Lợi. Từ đó ở khu vực vườn hoa, tiếng rao: “Tầu phộng dang… hạt pí… đây” cũng mất theo bóng bà Xẩm già nua lụm cụm.

Hàng ăn uống rong dù có hấp dẫn thế mấy nhưng khâu vệ sinh chắc chắn không thể nào bảo đảm được. Thứ nhất là bụi bám. Ta thử tưởng tượng sau một chuyến xe chạy qua, nhất là xe… rác, thì gánh hàng đã hứng biết bao vi khuẩn, vi trùng! Thứ hai là việc rửa chén đĩa: Môt xô nước mang theo có thể sử dụng cả hàng trăm lượt rửa. Kế đó là chuyện chế biến vô tội vạ, như cóc ổi ngâm “cam thảo” như đã nói ở trên. Đó là chưa nói hàng rong còn làm cho bộ mặt thành phố mất vẻ mỹ quan.

Có nhiều ý kiến là cho hoặc cấm nghề hàng rong. Mỗi bên đều có lý lẽ riêng của mình, cuối cùng vẫn là quyết định của chính quyền.

Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, nghề hàng rong xưa đã nuôi sống nhiều gia đình, có nghề đã “gia truyền” cho nhiều thế hệ. Có nhiều người đã nhờ gánh hàng rong mà nuôi con thành đạt; cũng có nhiều người tự mình nhờ bán hàng rong mà được bước vào cửa giảng đường đại học, hay hơn thế nữa, như người viết bài này.

KHA TIỆM LY

.
.
.