Thứ Bảy, 24/11/2012, 13:38 (GMT+7)
.

Lễ, tiệc sinh nhật: Hay & chưa hay

Tổ chức lễ - tiệc sinh nhật không phải là truyền thống văn hóa của các dân tộc Á Đông nói chung trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế, tận xa xưa cho tới nay cư dân Việt, tùy vùng miền cũng có những hoạt động mang màu sắc tâm linh liên quan đến ngày sinh (sinh nhật) của một con người.

Ví dụ: Cúng đầy tháng (tròn tháng), thôi nôi (tròn năm) hoặc cúng “căn” khi đứa bé tròn 3 tuổi, 6 tuổi, 9 tuổi và 12 tuổi (hay còn gọi là cúng ông Táo). Khi một người đã sống được “hoa giáp” (60 tuổi, bắt đầu được coi là thọ - hạ thọ) thì con cháu tổ chức lễ mừng “đáo tuế”.

Những gia đình khá giả thì cứ mỗi 10 năm (sau đáo tuế) thì con cháu lại tổ chức mừng thọ cho cha mẹ, ông bà (70: trung thọ, 80: thượng thọ, 90: đại thọ, 100: đại thượng thọ…) chứ không tổ chức hàng năm. Trừ vua chúa thì có quy định khác.

Đối các vĩ nhân của nhân loại hay của quốc gia thì hàng năm Nhà nước tổ chức kỷ niệm ngày sinh. Với lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước tổ chức mừng sinh nhật Bác vào ngày 19-5 và sự kiện lịch sử này bắt đầu từ ngày 19-5-1941. Có thể nói, tổ chức lễ - tiệc sinh nhật là biểu tượng văn hóa tinh thần của dân tộc ta có nhiều yếu tố rất nhân văn.

Mừng thọ ông (Ảnh có tính minh họa).
Mừng thọ ông. (Ảnh có tính chất minh họa)

Sau khi thực dân Pháp xâm lược và đặt nền thống trị ở nước ta mới có chuyện tổ chức sinh nhật theo nghĩa như bây giờ tức là mỗi năm đều tổ chức đúng vào ngày sinh của người đó.

Và trong những năm gần đây, tác động mạnh mẽ của công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập  cùng với việc đời sống vật chất của xã hội nói chung khá lên, đời sống văn hóa tinh thần phong phú hơn, nhiều hoạt động văn hóa tinh thần trong thời hội nhập được du nhập qua nhiều kênh và phát triển mang tính phổ biến.

Tổ chức sinh nhật không chỉ tồn tại trong những gia đình hoặc cá nhân là công chức, viên chức, doanh nhân… nói chung là những người giàu có, khá giả hoặc có thu nhập ổn định mà công nhân, nông dân, người lao động tự do, sinh viên, học sinh và có cả những cá nhân hoặc gia đình thuộc diện… có sổ hộ nghèo cũng tổ chức sinh nhật cho mình hoặc người thân của mình.

Mục đích của việc tổ chức sinh nhật cũng thay đổi rất lớn, những giá trị nhân văn to lớn, đẹp đẽ bị che khuất bởi những toan tính vụ lợi. Phần đông tổ chức do “theo thời”, một số là để trả “nợ miệng”, một số là vì “con gà ghét nhau tiếng gáy”, đáng quan tâm là một bộ phận (tuy không lớn) nhưng cũng không phải ít là nhằm “kinh doanh”, những người này đương nhiên phải có chức có quyền và quyền chức của họ ảnh hưởng rất lớn đến những người khách được mời.

Mấy năm trước dư luận xã hội loan truyền câu chuyện một quan chức kha khá nọ mỗi năm tổ chức đến gần cả chục lần sinh nhật: Sinh nhật cha - mẹ ruột, sinh nhật cha - mẹ vợ, sinh nhật bản thân, rồi vợ và 3 đứa con. Trước năm về hưu lại tổ chức đến 12 lần vì ngoài những người đã nói trên còn có sinh nhật của hai bé “Lu-lu” và “Mi” (một con chó và một con mèo)!

Hình thức tổ chức tiệc sinh nhật thì cũng trăm màu nghìn vẻ tùy thuộc vào địa vị, khả năng tài chính và quan hệ xã hội của người tổ chức. Có đám hoành tráng linh đình và có đám chỉ đơn sơ giản tiện nhưng theo sự tính toán hiện nay nói chung là chủ tiệc (người tổ chức sinh nhật cho mình hoặc người thân) không mấy khi phải bị lỗ, cùng lắm là huề.

Người càng giàu có, người có chức vụ càng cao, ảnh hưởng xã hội càng lớn thì quà sinh nhật càng to, càng có giá trị và đương nhiên lãi càng to. Nhưng đừng tưởng chỉ người chủ của các bữa tiệc sinh nhật mới có lợi, nhiều vị khách lại có lợi nhiều hơn bởi giá trị món quà mà họ tặng chỉ là con “tép” để sau đó họ thu về con “tôm” mà không phải chỉ có một con tôm, rất nhiều con tôm là đàng khác.

Công tâm mà nhìn nhận không phải tất cả những người có chức, có quyền, có tiền thì ai cũng thích tổ chức sinh nhật và trong số có tổ chức sinh nhật không phải ai cũng nhằm mục đích vụ lợi. Đa số chỉ là để “trả nợ miệng”, để thắt chặt thêm “tình thương mến thương”.

Thậm chí có trường hợp một quan chức nhà nước địa phương được chủ một doanh nghiệp mời đến khách sạn “đồng quê” dự bữa cơm thân mật, “đơn sơ” tối thứ sáu. Khi tuyên bố lý do thì vị quan chức này mới biết “tập thể” các nhà doanh nghiệp địa phương “hùn vốn” để tổ chức sinh nhật cho mình. Quan chức này mới sực nhớ hôm đó là ngày sinh của mình, mà thật ra đây chỉ là ngày sinh trên “thế vì khai sanh” chứ còn thực tế không phải (!)

Điều đáng nói hiện nay ở nông thôn nhiều nhà, nhiều người đua nhau tổ chức “cúng ông Táo” cho con, cháu một cách hoành tráng, có đám đến vài chục mâm, có đám phải thịt đến hai con heo tạ. Nhức nhối nhất là trong đó có cả những hộ nghèo thuộc diện “có sổ” cũng học đòi tổ chức sinh nhật cho các thành viên trong gia đình, nhất là đối với những thành viên đến tuổi phải “cúng ông Táo”.

Các bữa tiệc sinh nhật được tổ chức gần giống như một đám cưới. Nấu nướng được giao cho các nhà dịch vụ. Có cả nhạc sống với dàn nhạc công suất lớn và đám ca sĩ vườn mà đa số là “pê-đê”… Hết sức lãng phí! Ở một số bữa tiệc sinh nhật do quá chén còn dẫn đến nhiều hệ lụy đáng trách như gây sự đánh nhau, làm mất an ninh trật tự, tai nạn giao thông trên đường về…

Bản chất của tiệc sinh nhật là hoàn toàn tích cực, biểu hiện sự vui mừng của mọi người đối với một người khi người đó vượt qua được một năm đầy thử thách của cuộc sống. Bản thân người được mừng sinh nhật cũng có dịp nhìn lại mình và sẽ sống tốt hơn vì biết mình đã lớn thêm một tuổi.

Đó còn là dịp mà những thành viên trong cộng đồng dân cư thực hiện việc “có qua, có lại” để cố kết thêm tình làng nghĩa xóm; anh chị em trong cơ quan, xí nghiệp thì có dịp hiểu nhau hơn và gần gũi nhau hơn… Do đó có thể khẳng định: Tổ chức lễ - tiệc sinh nhật là một tập quán sinh hoạt văn hóa mang tính phổ biến, nó thể hiện sự phát triển dân trí và sự phong phú của đời sống văn hóa - tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, cho đến nay thì việc tổ chức lễ - tiệc sinh nhật vẫn còn là một tập quán hoàn toàn tự phát, cho nên vấn đề đặt ra ở đây là những buổi lễ - tiệc sinh nhật đó được tổ chức như thế nào để nó phát huy đúng mức những giá trị nhân văn và hạn chế thấp nhất những tiêu cực đã nói trên.

Nhưng, việc tổ chức lễ - tiệc sinh nhật lại không hoàn toàn giống như việc cưới, việc tang nên không thể điều chỉnh bằng những quy định đã có. Thiết nghĩ, cần phải có sự định hướng của các cơ quan chức năng mà nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc các cấp và ngành Văn hóa, thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư” để tuyên truyền, vận động, thuyết phục mọi thành viên của xã hội, của cộng đồng tổ chức lễ - tiệc sinh nhật của mình và người thân trên tinh thần tiết kiệm và phù hợp với các chuẩn mực văn hóa.

Đương nhiên, muốn đạt được mục tiêu này thì trước hết cần phải có những điển hình gương mẫu của bản thân và gia đình của những cán bộ, công chức, viêc chức, đảng viên và đoàn viên ở tại nơi cư trú.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.