Níu giữ hồn xưa trong tiếng đàn kìm
“Nỗi đau sợi tơ đồng” là vở diễn được Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang dàn dựng để tham gia Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Nai phối hợp tổ chức đầu tháng 11 vừa qua.
Qua “Nỗi đau sợi tơ đồng” đã mang về cho Đoàn 4 huy chương. Trong đó, nghệ sĩ Đào Vũ Thanh xuất sắc đoạt huy chương vàng với vai Chấn Phong. Các nghệ sĩ: Nhơn Hậu (vai Lệ Hằng), Kiều Quốc Tâm (vai Trần Bách) và Lâm Ngân (vai Gia Kỳ) đồng huy chương bạc.
Một cảnh trong vở “Nỗi đau sợi tơ đồng”. |
Theo yêu cầu của Cục Nghệ thuật biểu diễn, các vở tham gia liên hoan lần này phải chú trọng đề tài ca ngợi Đảng, ca ngợi sự nghiệp công nghiệp hóa, đi vào những vấn đề mang tính đương đại, thời sự, phản ánh những mặt trái của xã hội hiện nay.
Điều này khiến soạn giả Huỳnh Anh không khỏi ưu tư khi bắt tay vào thực hiện kịch bản, bởi bản sắc của cải lương thường là tuồng tích mang màu sắc, không khí cổ xưa. Những đề tài có tính bắt buộc quả không dễ để đưa vào sân khấu cải lương.
Lấy cảm hứng từ tiếng đàn kìm cùng nỗi ưu tư về việc bảo tồn và phát huy những vốn quý trong âm nhạc truyền thống dân tộc, soạn giả Huỳnh Anh đã xây dựng kịch bản “Nỗi đau sợi tơ đồng” từ vấn đề đào tạo ca sĩ và công nghệ lăng xê đang nóng bỏng những năm trở lại đây.
Trong thời kỳ mở cửa, văn hóa ngoại lai ồ ạt xâm nhập, thị trường âm nhạc hỗn loạn đang có chiều hướng thực dụng và nguy cơ mất gốc thì những người có tâm huyết bảo vệ âm nhạc truyền thống như nhạc sĩ lão thành Trần Bách và anh nhạc sĩ trẻ Chấn Phong phải đối mặt với nhiều thử thách, trong đó có sự chi phối của đồng tiền, sự đua đòi và cả sự ngoảnh mặt của một bộ phận giới trẻ hiện nay đối với tiếng đàn dân tộc.
Ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Tiền Giang (thứ 2 từ phải sang) tặng hoa cho các diễn viên sau buổi diễn. |
Trần Bách là nghệ nhân nhạc cụ dân tộc nhiều năm theo các đoàn hát và tham gia giảng dạy ở nhạc viện. Ông luôn tâm niệm: “Còn chút sức lực thì phải cố gắng truyền nghề để khi mất đi khỏi ân hận là mình không kịp trao những viên ngọc quý cho thế hệ đi sau”.
Mọi chuyện bắt đầu khi con gái của ông là Lệ Hằng đoạt giải ba trong cuộc thi tiếng hát truyền hình và được Công ty Ánh Sao Mai mời ký hợp đồng làm ca sĩ độc quyền. Chính bản hợp đồng này đã khiến vợ chồng ông Trần Bách xảy ra xung đột khi bà Trần Bách muốn dùng tiền để lăng-xê con gái thành ca sĩ nổi tiếng, còn ông thì quyết liệt ngăn cản.
Trong khi đó, Lệ Hằng cũng muốn được nổi danh bất chấp lời khuyên răn của cha và sự phản đối của người yêu là Chấn Phong. Vở diễn là lời cảnh báo đến những bạn trẻ đang mới chập chững bước vào con đường nghệ thuật không nên tạo dựng tên tuổi bằng mọi cách, thậm chí tạo ra những “xì-căng-đan” mà phải đi lên bằng chính thực lực và tài năng của mình.
Câu nói của nhạc sĩ Trần Bách với Chấn Phong trong vở: “Muốn giữ lấy tiếng đàn dân tộc ta không chỉ ôm khư khư cái cũ của thế hệ đi trước để lại. Hò - sự - xang - xê - cống là năm viên ngọc quý nhưng năm viên ngọc ấy chỉ tỏa sáng khi được thổi vào sinh khí mới của thời đại. Con phải đi tìm. Thầy giao trách nhiệm ấy lại cho con” đã thể hiện chất đạo đức của người nghệ sĩ trong thời kinh tế thị trường và cũng là nỗi ưu tư trong việc bảo tồn, phát huy nền âm nhạc dân tộc mà tác giả kịch bản muốn gửi đến khán giả thông qua vở diễn.
Đây là lần đầu tiên Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tập trung vào đề tài hiện đại và “Nỗi đau sợi tơ đồng” đã thành công khi mạnh dạn đưa lên sàn diễn những mặt trái của đời sống, những hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo lý, háo danh thực dụng, chạy theo vật chất, đồng tiền… Chủ đề của vở diễn không hẳn mới lạ nhưng lại là vấn đề nóng bỏng và phù hợp với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Vở diễn cũng đã đánh dấu sự già dặn và bản lĩnh sân khấu của các nghệ sĩ như Kiều Quốc Tâm, Đào Vũ Thanh, Nhơn Hậu bên cạnh các nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng như Lâm Ngân, Hoài Nhung, Văn Huỳnh Anh…
Thành công của vở diễn “Nỗi đau sợi tơ đồng” cho chúng ta niềm hy vọng về hướng đi mới của sân khấu cải lương nói chung khi khai thác các vấn đề đương đại, cũng như của riêng Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang với đội ngũ kế thừa được đào tạo bài bản, đầy triển vọng.
LÊ VĂN