Thứ Bảy, 01/12/2012, 10:42 (GMT+7)
.

Dòng đời

Vuốt lại lọn tóc lòa xòa trước trán, Lài chăm chú ủi từng nếp gấp chiếc áo cầu kỳ của Uyên, cô chủ lớn. Việc chưa xong, từ phòng bên vọng ra tiếng My, cô chủ nhỏ:

Minh họa: LÊ DUY
Minh họa: LÊ DUY

Lài ơi! Lên sân thượng lấy đồ tôi phơi, nhanh lên kẻo mưa đấy!

Lài ngừng tay nhìn ra cửa sổ rồi nhỏ nhẹ đáp:

- Trời còn nắng, không sao đâu cô Ba. Tôi bận tay, chút nữa sẽ lên lấy liền!

- Lại còn cãi à? Thiệt chị… cứng đầu hết sức!

Đặt bàn ủi một góc, Lài bước nhanh lên cầu thang để tránh những câu mắng tiếp theo. Khi trở xuống, Lài sững sờ khi thấy Uyên cầm chiếc áo lên xem rồi cau có ném xuống chân, khuôn mặt vừa trang điểm bừng sắc giận:

- Cái áo này chị không giặt sao? Vết ố chỗ vạt còn nguyên…

Lài nhẫn nhục biện bạch:

- Dạ… tôi có dùng thuốc tẩy hai lần, nhưng không trắng được mà chỉ bớt…

- Im! Tôi thừa biết chị muốn tôi trễ bữa tiệc hôm nay…

Quày quả trở về phòng, Uyên lẩm bẩm:

- Chẳng hiểu mẹ mình thừa tiền thuê mướn chi hạng quê mùa này?

Lài thở dài, cắm cúi ủi cho xong đống quần áo bề bộn, vờ như không thấy cái liếc xéo gay gắt của Uyên khi cô dẫn chiếc Nouvo ra cửa…

Bà Hòa Lợi trong bộ đồ lụa màu mỡ gà, trang sức đầy người, từ cầu thang bước xuống. Đến bậc cuối, bà tần ngần nhìn cô giúp việc và thầm nghĩ: “Con nhỏ này lên đây chưa đầy ba tháng mà như lột xác ra. Dáng vẻ phổng phao, nảy nở tuổi mười tám này mà cho ăn mặc, sửa soạn đúng mức thì khối đứa mê mẩn…”. My ỏng ẹo trong chiếc váy ngắn, bước lại kéo tay mẹ:

- Mẹ ơi! Mình đến nhà anh Giôn-Ny Hải cho sớm, ảnh đang đợi…

Bà Hòa Lợi cười toe toét:

- Mở miệng ra là cô nhắc cậu Việt kiều ấy. Mà chưa biết rồi đây ai xỏ mũi ai nghen con! Ráng giữ mình, đừng giống chị mày năm rồi làm phiền mẹ nhọc công giải quyết, tốn khá tiền…

Chợt nhớ ra Lài đứng gần đó, bà ngừng lời và quay sang dặn dò:

- Tao đi chiều tối mới về, chút nữa mày pha ly sữa nóng mang lên ông uống. Trong nhà khóa cửa cẩn thận, chừng về tao có chìa khóa riêng…

Lài lễ phép cúi đầu:

- Thưa bà… con nghe rõ!

Đợi mẹ con bà chủ đi khỏi, Lài đóng cửa rồi nhìn đồng hồ treo tường, gần ba giờ chiều. Cô lại ghế ngồi suy nghĩ miên man. Từ thuở bé, Lài đã tự bằng lòng với cuộc sống bình dị, êm ả ở một làng quê tuy nghèo nhưng tình người gần gũi, chân chất.

Cứ tưởng rằng thời gian cứ thế xuôi dòng, nhưng liên tiếp hai năm cơn lũ khắc nghiệt đã cướp sạch thành quả lao động trên mảnh ruộng gia đình. Nhìn cha mẹ già gầy gò vất vả, các đứa em phải bỏ học để lặn lội bắt cá, hái rau giữa bể nước mênh mông, Lài đã nghĩ đến chuyện lên thành phố tìm việc làm cho cảnh nhà bớt khổ.

Dịp được người quen giới thiệu giúp việc nhà bà Hòa Lợi, Lài đi luôn. Bà chủ tuy hơi khó tính nhưng không đến nỗi nào, chỉ ngại hai cô chủ kiêu kỳ, khinh người ra mặt. Ngược với bà vợ mồm mép, da thịt phì nhiêu, ông chủ gầy đét, ho hen suốt ngày và ít khi ra ngoài phố. Mọi việc giao dịch, điều hành hai cửa hàng vải sợi, thời trang đều do ba mẹ con quản lý.

Đồng hồ thánh thót điểm ba tiếng, Lài pha ly sữa nóng mang lên phòng ông Hòa Lợi. Đang nằm trên giường hút thuốc, thấy cô giúp việc bước vào, ông nhấp nháy mắt khẽ bảo:

- Thời tiết nóng bức này làm ê ẩm, uể oải quá… Cô chịu khó bóp vai, đấm lưng cho tôi một lúc!

Ngần ngại ngó ông chủ nằm sấp người, trên thân độc cái quần đùi, Lài định kiếm cớ từ chối, nhưng nỗi lo làm ông phật ý khiến cô rón rén ngồi nép bên giường. Như vô tình, ông đặt nhẹ bàn tay xương xẩu lên đùi cô mân mê, tay kia lật nệm đưa ra xấp tiền. Trong hơi thở dồn dập, giọng ông nghèn nghẹn:

- Lài… chịu cho tôi thương, tôi lo hết!

Cô gái còn đang bối rối, ông đã bật khỏi giường đóng sập cửa phòng rồi ôm chầm lấy cô dằn xuống giường. Lài sợ hãi, van xin:

- Ông chủ… đừng… đừng làm vậy…

Xô ông sang bên, Lài vừa chạm chốt cửa thì ông Hòa Lợi như con thú say mồi nhảy hai bước kịp ngáng chân cô. Hai người ngã bổ ra nền gạch, Lài lồm cồm nhổm dậy vừa đúng lúc bà Hòa Lợi tông cửa xuất hiện, tròn mắt nhìn cảnh tượng bi hài hiếm thấy.

Ông chủ mặt đỏ lựng, lom khom đứng tựa cửa ngó xuống đường phố như kẻ vô can. Cô giúp việc thì cài vội cúc áo, kẹp lại mái tóc dài bị xổ tung trong lúc giằng co, cúi mặt thất thần. Bà chủ hầm hừ quát toáng:

- Ông bảo bị lên tăng-xông mà còn sức làm trò khỉ à? Còn con ở đợ này dám cả gan mồi chài cả chủ, lớn gan thiệt!

Lài bật khóc, ấp úng:

- Bà ơi! Con đâu dám… Tại ông chủ… may có bà về kịp…

Ngó mớ giấy bạc vương vãi trên nệm, bà Hòa Lợi cau mày lôi ông chồng ưa của lạ qua phòng bên rồi quay lại. Trừng trừng nhìn Lài, bà bực dọc thở ra:

- Tao trả đủ tháng lương rồi tìm chỗ khác làm hay về quê tùy ý… Đối với tao thì lão nhà này chỉ đóng được vai… nhổ bụi mạ hổng đứt, bứt cọng cỏ hổng lên. Còn mơn mởn như mày, tao biết lão hừng hực lắm, đố ai kiểm soát nổi? Chắc phải tìm người… thọt chân hay chột mắt về đây giúp việc mới yên!

Hết lời nài nỉ vẫn không thay đổi được ý định của bà chủ, Lài đành gom vật dụng riêng để trình bà xem rồi lặng lẽ bước ra cửa. Giọng bà còn the thé vang lên phía sau:

- Này… lão già dê ra đây mau… No cơm rửng mỡ, sung độ quá hén!

… Mặc gã thanh niên rà chiếc Honda theo sát, Lài vẫn lầm lũi bước. Thành phố về khuya, người qua lại tấp nập không gây sự chú ý với Lài bởi cô đang trong tâm trạng lo âu. Đi đâu? Về đâu đêm nay? Anh xe ôm kiên trì thuyết phục:

- Đàn bà con gái đi đêm một mình dễ gặp rắc rối lắm đó! Cô em cần gì thì tôi giúp cho…

Lài ngập ngừng dừng bước:

- Anh biết nhà dì Năm Hậu bán cơm tấm đâu như ở đoạn đường này. Dì ấy là thân thuộc, tôi vì công việc nên ít ghé thăm, giờ tìm không ra…

Vỗ nhẹ tay phía sau xe, anh ta cười tự tin:

- Nãy giờ sao không chịu nói! Tôi quen biết nhiều, dò hỏi chừng mươi phút là gặp ngay. Lên xe đi cô em!
Xe chạy lòng vòng, hỏi thăm đôi chỗ rồi đi tiếp càng lúc càng xa hơn. Gã thanh niên tăng ga rẽ ngoặt vào con hẻm sâu, qua dãy nhà xây dựng tạm bợ rồi dừng lại trước một cái chòi lá tuềnh toàng. Trong đó hắt ánh đèn dầu leo lét, có vài thanh niên đang quây quần bên bàn rượu. Đã sẵn chủ ý, gã xe ôm đột ngột nắm chặt tay Lài, cười đểu cáng với bọn trong chòi:

- Tụi mày ơi! Tao vớ được con “bò lạc” xinh xắn, loại hương đồng cỏ nội hiếm gặp đây. Chà… đêm nay tha hồ…

Ba đứa xô ra giật phắt túi xách của Lài rồi chẳng cần nương tay, chúng đẩy cô vào trong chòi mặc sự vùng vẫy, phản kháng. Nỗi khiếp đảm ập đến với cô khi một tên bất thần gạt chân cô ngã xuống nền đất ẩm thấp. Tiếng kêu cứu vừa bật ra, Lài đã lãnh hai cái tát rát mặt kèm lời đe dọa:

- Câm miệng! Biết điều ngoan ngoãn thì sướng thân, vùng vằng sẽ tơi tả đấy cưng ạ!

Bất chấp lời kêu van, khóc lóc của cô gái, đám người hung bạo sặc sụa hơi men vây quanh để sờ soạng, khống chế cho gã xe ôm đè nghiến lấy cô để thực hiện hành vi đồi bại. Đúng lúc Lài kiệt sức, tuyệt vọng buông xuôi thì cửa chòi bật tung, ánh đèn pin soi loang loáng cùng âm thanh lên cò súng khô khốc. Mấy tiếng quát đanh gọn, quyết liệt:

- Cấm kháng cự! Áp mặt vào vách ngay…

- Bọn mày đã bị bắt!

Ngoài một tên lùi phía sau phóng nhanh xuống con rạch tẩu thoát, bọn còn lại gồm ba tên bị tóm gọn. Tổ tuần tra dân phòng cùng hai cảnh sát hình sự đưa tất cả về trụ sở phường. Qua cơn hoảng loạn và được sự an ủi, động viên, Lài thút thít kể lại sự tình cùng hoàn cảnh éo le đưa đẩy mình sa vào tay bọn bất lương. Anh cảnh sát đặt bút xuống bàn, trầm ngâm:

- Cô bảo có bà dì ở đường…, tên Năm Hậu, nghề bán cơm tấm? Nếu đúng vậy, trong sáng mai chúng tôi sẽ tìm ra, cô an tâm đừng sợ gì nữa. Cô coi lại túi xách có mất gì không?

Một bà cụ tuổi ngoài sáu mươi, dáng vẻ còn khỏe mạnh bước vào, đon đả hỏi:

- Nghe mấy đứa dân phòng kể lại chuyện cô nào…

Anh cảnh sát sốt sắng mời bà ngồi rồi vắn tắt thuật chuyện vừa xảy ra. Với ánh mắt tin cậy, anh nhìn bà:

- Bác Tư liệu giúp được gì cho cô Lài đây không?

Chậm rãi bước lại gần cô gái, bà ân cần đặt tay lên vai cô, cười hiền hậu:

- Sao lại không? Bây giờ cháu về nhà bác nghỉ, mai gặp người bà con rồi tính sau… Nói cho cùng, nếu thật khó khăn thì bác cũng có thể tìm cho cháu việc làm ở những nơi đàng hoàng, tử tế. Tội nghiệp! Chốn thị thành có quá nhiều cạm bẫy chực chờ những cô gái thật thà như cháu…

Lài xúc động lau vội dòng lệ vừa ứa ra, thổn thức:

- Thưa bác! Mấy tháng sống ở thành phố toàn chịu sự cực khổ, khinh rẻ nên cháu không tin là còn có những người đầy lòng bao dung, nhân ái như bác… Và đời cháu sẽ bị ô nhục nếu như không được các anh đây giúp…

Bà cụ ngó anh cảnh sát móm mém cười rồi thấp giọng:

- Đừng quá bi quan cháu ơi! Xã hội tuy còn nhiều kẻ xấu, nhưng người tốt, người có tấm lòng tương trợ cũng không ít đâu. Phải có niềm tin để mà vươn lên trong cuộc sống. Thôi, bác cháu mình về nhà!

Đứng nơi bậc cửa, anh cảnh sát trực nhìn ra đường phố. Ánh đèn cột điện soi rõ những tốp công nhân tan ca khuya đang bước vội vã. Chị bán chè với quang gánh trên vai, chầm chậm men bên lề. Tiếng rao trầm trầm, sâu lắng… Ai… chè đậu xanh… nước dừa đường cát… hôn… Đời còn lắm gian nan vất vả, nhưng nhịp sống vẫn quay đều…

NGUYỄN KIM

 

.
.
.