Chủ Nhật, 09/12/2012, 12:32 (GMT+7)
.

Trưng bày: "Khám phá di sản thế giới tại Campuchia, Lào và Việt Nam”

Chiều ngày 7-12, tại Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (Hà Nội), Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp cùng Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã khai mạc trưng bày “Di sản chung của chúng ta: Khám phá di sản thế giới tại Campuchia, Lào và Việt Nam”.

Một số hình ảnh tại trưng bày “Di sản chung của chúng ta: Khám phá di sản thế giới tại Campuchia, Lào và Việt Nam”. Ảnh: BTC cung cấp
Một số hình ảnh tại trưng bày “Di sản chung của chúng ta: Khám phá di sản thế giới tại Campuchia, Lào và Việt Nam”. Ảnh: BTC cung cấp

Trưng bày được thực hiện dưới hình thức bài viết panô và ảnh hiện vật với ba phần chính: Phần thứ nhất có chủ đề “Tự nhiên và thần thoại” giới thiệu về phong cảnh thiên nhiên và đời sống văn hóa của những cư dân trên bán đảo Đông Dương. Phần thứ hai có chủ đề “Thương mại trao đổi”, phản ánh mối giao thương nội vùng của cư dân bản địa và giữa cư dân bản địa với những khu vực khác thông qua quá trình di cư, liên minh, trao đổi thương mại…Phần thứ ba với chủ đề “Rồng ở Thăng Long”, phản ánh tâm thức của người Việt về hình tượng con Rồng trong nền văn hóa Việt Nam.

Ngoài hai chủ đề chung do UNESCO và các chuyên gia cố vấn xây dựng, mỗi bảo tàng tham gia giới thiệu chủ đề riêng về những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản. Tại Hoàng thành Thăng Long là chủ đề “Rồng ở Thăng Long”.

Đây là cuộc trưng bày chung của ba quốc gia, lần lượt triển khai tại 9 bảo tàng và thiết chế văn hóa có liên quan đến 6 khu di sản thế giới: Angkor, đền Preah Vihear, cụm di tích Vat Phou, khu di tích Mỹ Sơn, thành nhà Hồ và Hoàng thành Thăng Long trong thời gian từ tháng 12-2012 đến tháng 12-2013. Tại Hoàng thành Thăng Long là đợt khai mạc đầu tiên tại Việt Nam và là đợt khai mạc thứ hai trong ba quốc gia, sau Angkor (Campuchia).

Trưng bày “Di sản chung của chúng ta: Khám phá di sản thế giới tại Campuchia, Lào và Việt Nam” là kết quả của một năm phối hợp chuẩn bị giữa UNESCO và các bảo tàng bao gồm hai khóa tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ bảo tàng trực tiếp tham gia nghiên cứu, lập kế hoạch trưng bày, thiết kế và triển khai đào tạo về các kỹ năng xây dựng chương trình dành cho công chúng.

(Theo cpv)

.
.
.