Tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu
Sáng 4-12, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu (2002 -2012).
Phát biểu tại buổi lễ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nêu rõ những cống hiến lớn lao, quan trọng của nhà thơ Tố Hữu đối với nền văn thơ cách mạng Việt Nam. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: “Hơn nửa thế kỷ cầm bút, Anh luôn luôn xuất hiện ở tuyến đầu, hầu như không cột mốc nào của cách mạng và kháng chiến không để dấu ấn sâu đậm trong thơ Anh. Tố Hữu chủ trương cập nhật và hiện diện nhưng cũng vô cùng tỉnh táo và bản lĩnh để nghĩ đến mai sau. Một trong những cái khó nhất của nhà thơ là biết vượt qua đề tài. Tố Hữu vượt qua đề tài một cách rất tài năng.”
Nhà thơ Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4-10-1920, tại làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cha ông là một nhà nho nghèo, không đỗ đạt và phải kiếm sống rất chật vật nhưng yêu thơ, thích sưu tập ca dao tục ngữ. Ông đã dạy Tố Hữu làm thơ cổ. Mẹ ông cũng là con của một nhà nho, thuộc nhiều ca dao dân ca Huế và rất thương con. Cha mẹ đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn thơ Tố Hữu.
Năm 1936, Tố Hữu gia nhập Đoàn Thanh niên. Năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4-1939, ông bị bắt, bị tra tấn dã man và đày đi nhiều nhà lao. Cuối năm 1941, ông vượt ngục. Đến năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế.
Năm 1946, ông là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Cuối năm 1947, ông lên Việt Bắc làm công tác văn nghệ, tuyên huấn. Từ đó, ông được giao những chức vụ quan trọng trong công tác văn nghệ, trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam (1948); Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam (1963).
Tại Đại hội Đảng lần III năm 1960, ông được bầu vào Ban Bí thư; Đại hội Đảng lần IV năm 1976, ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Phó Ban Nông nghiệp Trung ương. Năm 1980, ông là Ủy viên chính thức Bộ Chính trị. Từ năm 1981-1986, ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Ông mất ngày 9-12-2002 tại Hà Nội.
Tố Hữu là nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam. Ông đã để lại 7 tập thơ, hai cuốn tiểu luận... Mỗi bước đường thơ, mỗi vui buồn, trăn trở của ông đều gắn liền với những bước đường phát triển và thắng lợi của Đảng ta, gắn với thăng trầm và khải hoàn của cách mạng. Sức mạnh của thơ Tố Hữu được thể hiện ở lý tưởng cộng sản mà nhà thơ suốt đời theo đuổi.
Thơ ông cũng hấp thụ được nguồn mạch dân tộc, thể hiện sự thống nhất giữa cách mạng và dân tộc trong hình thức nghệ thuật. Qua những bài thơ của ông, thế hệ sau không quên những tháng năm gian khổ của đất nước, một chặng đường lịch sử đã được khắc họa sinh động trong những vần thơ ấy. Và, thơ ông vẫn luôn sống mãi với thời gian, cùng tình yêu mến của nhiều thế hệ độc giả.
Với những đóng góp xuất sắc cho nền thơ ca cách mạng Việt Nam, năm 1996, nhà thơ Tố Hữu vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật (đợt 1), giải thưởng Văn học ASEAN năm 1996 cho tập thơ "Một tiếng đờn", Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955 cho tập thơ “Việt Bắc”...
(Theo dangcongsan.vn)