Vai trò của nước đối với sức khỏe
Nước là khởi nguồn của sự sống trên trái đất, đồng thời cũng là nguồn để duy trì sự sống tiếp tục tồn tại nơi đây. Sinh vật không có nước sẽ không thể sống nổi và con người nếu thiếu nước cũng sẽ không tồn tại. Nước là vô cùng quan trọng và hãy lưu ý tới vai trò của nó đối với sức khỏe của bạn. Nước vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người!
Nước quan trọng như thế nào đối với con người?
Trong số các thành phần cơ bản của môi trường tự nhiên, nước là một loại tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, song nó lại có giới hạn. Lịch sử tiến hóa của loài người bắt đầu từ nước và nước chính là thành phần quan trọng nhất cấu thành cơ thể con người. Con người chúng ta sử dụng nước trong hầu hết các hoạt động hàng ngày, từ phục vụ sinh hoạt gia đình như ăn uống, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và cả đến giao thông vận tải. Nguồn tài nguyên quan trọng này đã tạo dựng nên xã hội loài người với sự đa dạng về xã hội, văn hóa và tôn giáo tín ngưỡng ở khắp mọi nơi.
Nếu xét về cấu trúc phân tử riêng biệt, nước được xem là một dung môi lý tưởng để hòa tan, phân bố các hợp chất vô cơ và hữu cơ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thế giới thủy sinh, phát triển các loài thủy sản và cả các loài động thực vật trên cạn. Sự vận chuyển của nước trên bề mặt trái đất là nguyên nhân chính hình thành nên địa mạo của địa cầu. Chúng ta có thể thấy rằng các nền văn hóa, ẩm thực, phong cách sống của một địa phương gắn kết chặt với điều kiện khí hậu của nơi ấy, trong khi nguồn nước tự nhiên là một trong những yếu tố chính đảm bảo cho cân bằng về khí hậu của một khu vực.
Nước là yếu tố thứ hai quyết định sự sống chỉ sau không khí, vì vậy con người không thể sống thiếu nước. Nước chiếm khoảng 58-67% trọng lượng cơ thể người lớn và đối với trẻ em lên tới 70-75%, đồng thời nước quyết định tới toàn bộ quá trình sinh hóa diễn ra trong cơ thể con người.
Nhu cầu về nước trong cơ thể con người phụ thuộc vào khả năng chuyển hóa và vận động, do vậy đối với mỗi người nhu cầu nước là khác nhau:
Trẻ bú mẹ cần từ 0,3 đến 1 lít nước (sữa)/ngày. Trẻ từ 1-15 tuổi cần từ 1 đến 1,8 lít nước/ngày. Người lớn cần từ 1,8 đến 2,5 lít nước/ngày.
Và lượng nước thu nạp hàng ngày đó có tới 50% là nước uống, 40-45% là từ thức ăn và phần còn lại là nước do chuyển hóa.
Khi cơ thể mất nước, tình trạng rối loạn chuyển hóa sẽ xảy ra, Protein và Enzyme sẽ không đến được các cơ quan để nuôi cơ thể, thể tích máu giảm, chất điện giải mất đi và cơ thể không thể hoạt động chính xác. Tình trạng thiếu nước do không uống đủ hàng ngày cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của não bởi có tới 80% thành phần mô não được cấu tạo từ nước, điều này gây trí nhớ kém, thiếu tập trung, tinh thần và tâm lý giảm sút…
Nước cũng là một nguồn cung cấp khoáng chất quan trọng cho cơ thể bởi nó hòa tan khoáng chất như Flo, Iốt, kẽm, canxi…, là môi trường cho các phản ứng sinh hóa và cũng là nguồn nuôi dưỡng, phát tán nòi giống sinh vật. Nước giúp cho cơ thể duy trì nhiệt độ ổn định để chống chọi với thời tiết, giúp làn da tươi trẻ mịn màng, giúp cơ thể tràn đầy năng lượng và đẹp hơn.
Nước còn là bộ phận quan trọng của hệ thống bài tiết, giúp cơ thể thải loại những chất độc tích tụ hàng ngày qua hệ dinh dưỡng và hô hấp. Việc cung cấp nước đầy đủ sẽ giúp tránh được các bệnh nguy hiểm như: Sỏi thận, viêm bàng quang, viêm cơ khớp, ung thư và các bệnh khác do độc tố tích lũy lâu ngày sinh ra.
Nước sạch là yếu tố quan trọng kéo dài tuổi thọ con người. Khi đời sống xã hội tăng cao cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp thì nguồn nước này vốn đã khan hiếm nay lại ngày càng thiếu trầm trọng hơn, con người đang thực sự đối mặt với nguy cơ thiếu nước trong tương lai không xa và vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết.
Nguồn nước bị ô nhiễm là một nguy cơ khác cũng vô cùng nguy hiểm: chất thải, chất hữu cơ khó hòa tan cùng với sự ô nhiễm đã khiến nguồn nước sạch ngày càng trở nên quý hiếm và khó sản xuất. Nước mang lại cho bạn các khoáng chất cần thiết, nhưng nó cũng ẩn chứa trong đó những tạp chất và kim loại nặng độc hại (Nitrat, Nitrit, Asen, Chì, Thủy ngân, Benzen, Xynua…) cùng với vô vàn những vi khuẩn/virus nguy hiểm (E-coli, Streptococci, Clostridia, Adenovirus, Rheovirus…). Nếu không có các biện pháp xử lý nguồn nước tích cực, con người sẽ phải liên tục đối mặt với dịch bệnh, độc tố và tuổi thọ sẽ không thể kéo dài. Trẻ em nếu bị nhiễm độc hoặc dịch bệnh sẽ khiến tương lai của thế giới không thể bền vững.
Hãy giữ gìn sức khỏe từ nguồn nước!
- Hãy bảo đảm nguồn nước sinh hoạt của bạn thật sạch để loại trừ các nguy cơ gây bệnh và các hóa chất độc hại xâm nhập vào cơ thể hàng ngày. Hãy bắt đầu bằng việc sử dụng các thiết bị xử lý nước, lọc nước tin cậy để bảo vệ sức khỏe cả gia đình.
- Khi khát nước, hãy chú ý chỉ uống các nguồn nước sạch như nước đun sôi, nước lọc, nước dừa, nước trái cây hay một số loại nước đóng chai tin cậy. Không nên uống nước trực tiếp tại vòi và thận trọng với những loại nước khoáng không rõ nơi sản xuất.
- Nên uống đủ nước và chia thành nhiều lần trong ngày để luôn cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể. Đừng nghĩ rằng chỉ có vận động nhiều mới uống nhiều nước, chính việc lao động trí óc cũng rất cần nước để bảo đảm hệ thống nội tiết của cơ thể bạn hoạt động hiệu quả.
- Nước tinh khiết 100% không cung cấp đủ lượng muối khoáng cần thiết cho cơ thể, vì vậy không nên lạm dụng các loại nước uống đã được tinh lọc hoàn toàn. Nếu bạn uống nước tinh khiết hàng ngày, cần phải có phương án khác để bù lượng muối khoáng đang thiếu hụt.
- Không nên uống quá nhiều các loại nước sản xuất công nghiệp vì chúng chứa nhiều thực phẩm công nghiệp, phẩm màu và chất bảo quản, điều này bắt hệ thống bài tiết của bạn phải hoạt động nhiều hơn và về lâu dài không phải là điều có lợi.
Vai trò của nước đối với sản xuất lương thực
An ninh lương thực cần được hiểu và phải bao gồm: đủ lương thực cho xã hội để không ai bị đói; Người làm ra lương thực không bị nghèo đi, dù là nghèo đi một cách tương đối so với mặt bằng xã hội. An ninh lương thực chỉ được đảm bảo khi lợi ích của người trồng lúa được tính đến. Lương thực là nguồn chủ yếu nuôi sống con người, hiện nay có bốn loại cây lương thực chính là lúa, ngô, sắn và khoai lang. Sản xuất ra nhiều lương thực có chất lượng cao nhằm đảm bảo an ninh lương thực đang được nhiều quốc gia trên thế giới đặt ra và quan tâm giải quyết. Nạn khan hiếm nước đang lan rộng trên toàn cầu và đe dọa nghiêm trọng sản xuất lương thực trên thế giới. Cho đến nay, nguồn nước ngầm đã giảm mạnh và cạn kiệt ở 20 nước với dân số chiếm tới 50% dân số thế giới. Nạn khan hiếm nước cho nông nghiệp ở 3 nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đặc biệt đáng lo ngại.
Vai trò của nước đối với phát triển thủy điện
Thuỷ điện là nguồn điện được sản xuất ra từ năng lượng của nước. Đa số năng lượng thuỷ điện có được từ thế năng của nước được tích tại các đập nước làm quay một tua-bin (turbine) nước và máy phát điện. Thuỷ điện, sử dụng động lực hay năng lượng dòng chảy của các con sông hiện nay chiếm 20% lượng điện của thế giới.
Ngoài mục tiêu phát điện, các nhà máy thuỷ điện còn có nhiệm vụ cắt và chống lũ cho hạ du trong mùa mưa bão; đồng thời cung cấp nước cho hạ du phục vụ nhu cầu dân sinh trong mùa khô hạn. Lợi ích lớn nhất của thuỷ điện là hạn chế được giá thành nhiên liệu. Các nhà máy thuỷ điện cũng có tuổi thọ lớn từ 50 đến 100 năm. Chi phí nhân công cũng thấp bởi vì các nhà máy này được tự động hoá cao và có rất ít người làm việc tại chỗ khi vận hành thông thường. Các nhà máy thuỷ điện hồ chứa bằng bơm hiện là công cụ đáng chú ý nhất để tích trữ năng lượng về tính hữu dụng, cho phép phát điện ở mức thấp vào giờ thấp điểm để tích nước sau đó cho chảy ra để phát điện vào giờ cao điểm hàng ngày.
Tuy nhiên, việc sử dụng nước tích trữ thỉnh thoảng khá phức tạp bởi vì yêu cầu tưới tiêu có thể xảy ra không trùng với thời điểm yêu cầu điện lên mức cao nhất. Những thời điểm hạn hán có thể gây ra các vấn đề rắc rối, bởi vì mức bổ sung nước không thể tăng kịp với mức yêu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, sự phát điện của nhà máy điện cũng có thể ảnh hưởng đến môi trường của dòng sông bên dưới. Nước sau khi ra khỏi turbine thường chứa rất ít cặn lơ lửng, có thể gây ra tình trạng xối sạch lòng sông và làm sạt lở bờ sông. Các turbine thường mở không liên tục nên có thể quan sát thấy sự thay đổi nhanh chóng và bất thường của dòng chảy. Nước chảy ra từ turbine lạnh hơn nước trước khi chảy vào đập, điều này có thể làm thay đổi số lượng cân bằng của hệ động vật, gồm cả việc gây hại tới một số loài. Tái định cư dân chúng sống trong vùng hồ chứa cũng là một vấn đề nan giải của thủy điện.
Trong nhiều trường hợp không một khoản bồi thường nào có thể bù đắp được sự gắn bó của họ về tổ tiên và văn hoá gắn liền với địa điểm đó vì chúng có giá trị tinh thần đối với họ. Hơn nữa, về mặt lịch sử và văn hoá các địa điểm quan trọng có thể bị biến mất. Một số dự án thuỷ điện cũng sử dụng các kênh, thường để đổi hướng dòng sông tới độ dốc nhỏ hơn nhằm tăng áp suất có được. Trong một số trường hợp, toàn bộ dòng sông có thể bị đổi hướng để trơ lại lòng sông cạn.
Vai trò của nước đối với văn hóa
Sự có mặt của nước là điều kiện đầu tiên để xác định sự tồn tại của sự sống. Ở đâu có nước, ở đó có sự sống. Có sự sống là có con người, có văn hóa và văn minh. Vùng sa mạc Sahara từng là một vựa lúa vào thời cổ La Mã; vào thế kỷ 8 trước công nguyên, trung tâm của nó từng chứng kiến sự hưng thịnh của triều đại Pienkhi. Khi nguồn nước cạn, độ ẩm giảm xuống thì sự sống và toàn bộ nền văn hóa, văn minh ở đây cũng tàn lụi theo. Phần lớn các nền văn hóa cổ nổi tiếng đều hình thành ở lưu vực các con sông lớn: Văn hóa Ai-cập ở lưu vực sông Nile, văn hóa Lưỡng Hà ở lưu vực hai con sông Tigris và Euphrates, văn hóa Ấn Độ ở lưu vực sông Indus hay văn hóa Trung Hoa ở lưu vực sông Hoàng Hà. Văn hóa sử dụng nước, ứng xử với nước có thể gọi tắt là văn hóa nước.
Trong phương Đông thì văn hóa nước điển hình có lẽ là văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á, bởi lẽ đây là vùng chịu ảnh hưởng lớn của sông nước và đại dương. Do vậy, ở đây mọi thứ đều phải thích nghi với nước từ thực vật, động vật đến con người. Và con người đã tạo nên một nền văn hóa nước đa dạng: tận dụng nước; đối phó với nước; sùng bái nước và lưu luyến nước.
Việt Nam được xem là cái nôi của nền văn minh lúa nước. Từ 5-6 ngàn năm trước công nguyên, để có cái ăn, người Việt đã biết trồng cây lúa nước; dựng nhà ở gần những nơi có sông suối; đi lại chủ yếu trên sông nước bằng thuyền, đò, ghe, xuồng, bè, mảng, phà, tầu… và nơi họp chợ buôn bán, trao đổi hàng hóa thường tại các bến sông. Trong ngôn ngữ, từ “nước” đã được người Việt dùng để chỉ rất nhiều nghĩa khác:
Nước là quốc gia (việc nước), là môi trường sống (ngã nước), là cách sống của người (nước đôi)… Có rất nhiều địa danh chứa những yếu tố mang nghĩa sông nước: Bến (Bến Tre, Bến Nghé…); Cửa (Cửa Ông, Cửa Lò…); Hà (Hà Nội, Hà Tiên…); Hải (Hải Hậu, Tiền Hải…). Trong nền sản xuất nông nghiệp lúa nước lâu đời, ông cha ta đã đúc rút ra kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Từ những nét văn hóa và kinh nghiệm đó đã cho thấy tầm quan trọng của nước như thế nào.
.