Hai cuộc thi làm đẹp thêm cho lễ, Tết
Cuộc thi “Làm cổng chào và cắm cờ Tổ quốc đẹp” đã trở thành truyền thống ở nhiều địa phương như: Châu Thành, Cai Lậy, Tân Phước, Cái Bè, Chợ Gạo, TP. Mỹ Tho…, góp phần tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, tô đậm chất Xuân và tôn tạo vẻ đẹp cho những con đường vào xã, ấp (khu phố) trong những ngày lễ, tết.
Một đoạn đường của xã Phước Lập treo cờ Tổ quốc mừng Xuân Quý Tỵ 2013. |
Về Tân Phước trong những ngày này, trên khá nhiều con đường như đoạn xã Phước Lập, Phú Mỹ…, cờ Tổ quốc được treo đúng quy cách và thẳng hàng, bay phấp phới trước gió như vũ điệu rộn ràng, sinh động, vui tươi, tô điểm sắc Xuân - một khởi đầu tốt đẹp đang tràn về từng ngõ xóm. Cùng với những chiếc cổng làm khá công phu của từng xã, ấp (khu phố), tạo cho con người sự nôn nao khó tả chờ đợi: Tết về!
Dù là ngày nghỉ (thứ bảy), nhưng Ban Giám khảo Cuộc thi “Làm cổng chào và treo cờ Tổ quốc đẹp” của huyện Tân Phước vẫn không quản ngại, đánh một vòng khắp 13 xã và thị trấn để chấm điểm “Treo cờ đẹp và làm cổng chào Mừng Đảng, mừng Xuân Quý Tỵ năm 2013”.
Ông Nguyễn Kỳ Vũ, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: “Các đơn vị xã, ấp thực hiện việc làm cổng chào đúng quy định, treo cờ đẹp, đúng quy cách. Nổi trội trong năm nay là cách làm, cách treo cờ của xã Phú Mỹ - một mô hình cần nhân rộng ra trong toàn huyện. Phong trào này chúng tôi đã phát động từ những năm 2.000, sau đó tổ chức thành cuộc thi vào những dịp lễ lớn trong năm và trong dịp Tết Nguyên đán. Số lượng cổng chào dự thi luôn đảm bảo, thi cấp xã (thị trấn) là 60 cổng ấp (khu phố) và 13 xã chọn cổng đẹp nhất thi cấp huyện”.
Cổng chào đoạt giải Nhất: Xã Bình Phú (Cai Lậy) năm 2012. |
Nếu Phước Lập là xã có truyền thống treo cờ Tổ quốc đồng loạt vào những ngày lễ, tết, thì hiện nay Phú Mỹ đi đầu mô hình “xã hội hóa” về việc làm cột cờ và treo cờ Tổ quốc đẹp. Nhà nhà treo cờ theo đúng hướng dẫn: Chiều cao bằng nhau 3,5m tính từ mặt đất, đường kính tối thiểu 3cm, cột cờ thẳng, dựng ở vị trí chính diện trước sân nhà; lá cờ treo đúng quy cách, cờ còn nguyên vẹn và chú ý treo đúng đỉnh ngôi sao 5 cánh…
Ở các tuyến lộ chính, cả hai bên lộ, cứ cách nhau 20m là dựng một cột cờ. Kinh phí để mua sắm cờ được thực hiện theo theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, có nghĩa là nhân dân góp tiền, các ngành, đoàn thể của ấp có trách nhiệm mua sắm, kiểm tra và quản lý, giữ gìn sau khi treo xong.
Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-2012, Ban tổ chức cuộc thi của huyện Tân Phước đã trao 8 giải thưởng “treo cờ Tổ quốc đẹp”, trong đó xã Phú Mỹ đã đoạt giải I, Phước Lập giải II và Hưng Thạnh giải III.
Riêng kết quả của Xuân Quý Tỵ năm 2013, đã trao giải thưởng cho 2 đơn vị có phong trào treo cờ Tổ quốc đẹp nhất là xã Phú Mỹ và xã Phước Lập. Riêng cổng chào có 8 giải thưởng: Giải I xã Thạnh Tân, giải II xã Mỹ Phước và giải III thị trấn Mỹ Phước.
Còn ở huyện Châu Thành, theo ông Võ Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện, việc thi treo cờ Tổ quốc đẹp và làm cổng chào ở Châu Thành đã trở thành truyền thống hàng năm, rầm rộ nhất là dịp Tết Nguyên đán, cứ sáng 28 tết, Ban Giám khảo có mặt ở 23 xã (thị trấn) để chấm điểm; mỗi xã (thị trấn) chọn một cổng chào đẹp nhất của ấp (khu phố) để dự thi.
Những năm qua, Long Định là xã mạnh nhất trong phong trào làm cổng chào, kế đến là xã Dưỡng Điềm và Đông Hòa. Còn về phần thi cắm cờ Tổ quốc đẹp thì Xuân 2012 Đông Hòa giải I, Dưỡng Điềm giải II và thị trấn Tân Hiệp giải III.
Mừng Đảng, mừng Xuân năm nay có 186 cổng chào dự thi cấp xã và 23 cổng thi cấp huyện, vào 28 tết mới chấm điểm. Cổng chào chủ yếu được làm bằng chất liệu dân gian để tôn vinh nét văn hóa truyền thống như: hoa, trái, cây lá tại địa phương và nhất là có sự can thiệp khéo léo của bàn tay nghệ nhân.
Anh Dương Văn Thanh, cán bộ phụ trách phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Cai Lậy cho biết: “Nhiều năm qua, các xã như: Phú Cường, Phú Quý, Bình Phú, Tam Bình, Tân Phú, Hiệp Đức, Cẩm Sơn, Thạnh Lộc, Nhị Quý, Mỹ Thành Bắc… làm tốt việc treo cờ Tổ quốc và làm cổng chào. Địa bàn Cai Lậy rộng, có đến 192 ấp (khu phố), 27 xã (thị trấn).
Cuộc thi treo cờ Tổ quốc và làm cổng chào đẹp đã được phát động từ năm 1998, hàng năm đều đạt 100% ấp (khu phố), xã (thị trấn) dự thi. Thế nhưng năm nay, tới thời điểm này mới có 96/192 ấp (khu phố) đăng ký dự thi cấp xã và 14/28 xã (thị trấn) đăng ký dự thi cấp huyện, hy vọng số lượng sẽ được nâng lên bởi đến mùng 9 tết mới chấm giải.
Lý do năm nay số lượng đơn vị tham gia ít hơn là do kinh phí hạn hẹp, ước tính chi phí trung bình cho một cổng chào của ấp (khu phố) là từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng; cổng chào cấp xã (thị trấn) từ 1 triệu đồng đến gần 2 triệu đồng, chưa kể chi phí thuê mướn nghệ nhân trang trí thêm các linh vật như rồng, phụng hay 12 con giáp theo năm.
Chợ Gạo cũng là huyện thực hiện tốt việc làm cổng chào, bởi nơi đây có rất nhiều nghệ nhân giỏi nghề tạo hình từ trái cây. 2 năm nay Chợ Gạo không tổ chức hội thi, nhưng những ngày lễ, tết, xã, ấp (khu phố) vẫn làm cổng chào hoành tráng và cắm cờ Tổ quốc theo quy định.
Bà Hướng Thị Thu Hương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL tỉnh) cho biết: “Hội thi làm cổng chào trở thành truyền thống trong toàn tỉnh trong nhiều năm qua. Các đơn vị làm tốt: Chợ Gạo, Châu Thành, Cái Bè, Cai Lậy, TX. Gò Công… Gần đây là thi treo cờ Tổ quốc đẹp ở Tân Phước, Châu Thành, Cai Lậy… Cuộc thi góp phần làm sinh động, náo nức thêm cho không khí lễ hội và những ngày tết cổ truyền, góp phần nâng chất lượng cho phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa…”.
NGỌC LỆ