Hình ảnh con rắn trong ca dao Nam bộ
Những làn điệu ca dao dìu dặt, du dương cất lên từ vùng đất phương Nam được coi là một phần quan trọng của văn học dân gian Việt Nam. Đó là tài sản quý giá của bộ phận văn minh miệt vườn, là tâm tư, tình cảm hồn hậu của những con người mộc mạc, hiền hòa, chân thật.
Người dân ở vùng sông nước Cửu Long đã đóng góp câu ca, lời ru chan chứa ân tình, để cho tâm hồn bay bổng, bay cao theo nhịp sống từ những vần ca dao ngọt ngào ý vị. Hình tượng con Rắn có chỗ đứng tương đối khiêm tốn trong văn học bình dân.
Khi nhắc đến câu “cõng rắn cắn gà nhà”, ai cũng nghĩ ngay đến hành vi hèn hạ của một ông vua nhu nhược, kém đức bất tài.
Khi nghe tin nghĩa binh Tây Sơn vây thành Thăng Long, con rắn Tôn Sĩ Nghị nửa đêm trèo lên lưng ngựa trần chạy trốn về nước, rồi kẻ “cõng rắn” cũng lủi thủi chạy theo sau. Đó là chuyện của một bậc đế vương làm tôi tớ phục vụ cho rắn, bị rắn xỏ mũi.
Bây giờ xin bàn chuyện con rắn phục vụ đời sống con người. Cụ thể là chuyện vui chơi họp mặt tiệc tùng khắp nhân gian. Trong ẩm thực có rất nhiều món ăn ngon hấp dẫn, khiến cho khách một phen mê mẫn, say sưa. Nơi ruộng đồng thiếu gì “chuột và rắn”, là món nhậu “cây nhà lá vườn”, là đặc sản miền quê dễ đánh bắt. Bởi vậy có người so sánh, ngợi ca :
Cần chi cá lóc, cá trê
Thịt chuột, thịt rắn
nhậu mê hơn nhiều.
Hai món khiến người sành điệu “nhậu mê” hơn cả là “chuột rô ti”, rồi đến “rắn” nấu cháo đậu xanh. Dân nhậu “vô” được cỡ vài xị thì tinh thần vững vàng, sẵn sàng hò hát đối đáp với các thôn nữ chất phác, dịu hiền, xinh đẹp để tận hưởng niềm vui. Từ xa vọng lại câu hò thách đố :
Con rắn hổ mây nằm cây thục địa
Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên
Phận em là gái thuyền quyên
Ai mà đối đặng, kết nguyền phu thê.
Điệu hò lảnh lót như rót vào tâm hồn các chàng trai nhiều lời trìu mến thân thương. Nhận biết đó là lời dịu ngọt của một “gái thuyền quyên” thì lập tức có chàng trai đáp lại một cách dè dặt, đắn đo:
Rắn có chân rắn biết
Ngọc ẩn đá ngọc hay
Anh cùng em mới gặp nhau đây
Biết lời, biết mặt, nào hay biết lòng.
Do đôi bên “mới gặp nhau” trong giây lát thôi, cho nên họ chỉ mới “biết lời, biết mặt”, mới nghe được giọng nói, chiêm ngưỡng được dung nhan mặn mà dễ thương thôi. Mặc dù cả hai bên chưa hiểu “lòng dạ” của nhau nhưng họ thật lòng tỏ bày tâm tư thầm kín:
Con quạ đen, con cò trắng
Con ếch ngắn, con rắn dài
Em trông anh, trông mãi, trông hoài
Trông cho thấy mặt, thấy mày mới yên.
Chắc chắn ai đang lắng tai nghe mấy lời nầy thì lòng cũng thấy vui vui. Bởi trong đó có ba tiếng ngân dài êm ái, tình tứ “em trông anh” nghĩa là em hết lòng mong mỏi được nhìn thấy tận mắt “mặt mày” của anh cho đỡ nhớ nhung.
Cổ tục môn đăng hộ đối in sâu, khắc đậm trong lòng người. Cho nên muốn kết đôi bạn trăm năm, nhất thiết phải có sự tương đồng về phẩm cách, tài năng:
Con rắn hổ nó mổ con rắn rồng
Tiền kẽm xỉa với tiền kẽm,
tiền đồng xỉa riêng
Nguyệt Nga kết với Vân Tiên
Cha con Bùi Kiệm
ngồi riêng một mình.
Đúng vậy, Vân Tiên là chàng trai văn võ song toàn, cương trực, hào hiệp mới chiếm được trái tim của người đẹp dịu hiền, hiếu nghĩa Nguyệt Nga. Còn Bùi Kiệm, một tên công tử trọng phú khinh bần, văn dốt vũ dát, thì làm gì “có cửa” để chui vào kết tình với Nguyệt Nga?
Tuy nhiên, tình đời cũng lắm điều éo le, ngang trái. Hai bên đang thương mến nhau, liền sau đó họ lìa xa nhau. Phải chăng do sự “đảo điên” của lòng người . Một thiếu nữ tội nghiệp cất lên tiếng lòng thổn thức thở than:
Con rắn hổ mang
nằm ngang cây thục địa
Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên
Trách ai ăn ở đảo điên
Gạt em xuống chốn huỳnh tuyền
bỏ em.
Nghe mấy tiếng nức nở thở than “gạt em, bỏ em” ai cũng cảm thông, cũng xót xa cho thân phận bọt bèo của cô. Trái lại, ai cũng nặng lời nguyền rủa, căm tức kẻ bạc tình. Nhưng lý do nào đưa đẩy đến sự “đảo điên” phụ bạc, rã rời đó? Hãy lắng tai nghe lời phân trần chân tình của chàng trai:
Rắn đi còn dằm (vết đi của rắn)
Rồng nằm còn dấu
Sấu lội qua mương
Ểnh ương trườn bãi
Sán lãi bò ngang
Rau lang bò xuống
Rau muống cuốn ngọn rau dừa
Em lấy ai có chửa đổ thừa cho anh.
Trắng đen đã rõ. Bởi em đi tắt về ngang chứ không chịu đi thẳng một đàng, em đã trót “lấy ai có chửa” nên anh kia đành đoạn tình rời xa là phải lắm. Tuy vậy, chàng trai vẫn buông lời an ủi vỗ về, chứ không oán trách khinh khi:
Con rắn không chân
đi năm rừng bảy rú
Con gà không vú nuôi chín mười con
Phải chi nhan sắc em còn
Anh vô chốn đó chìu lòn cũng ưng.
Lời khuyên lơn chứa chan tình nghĩa. Nếu như “nhan sắc em còn” trọn vẹn như ngày trước thì anh ấy sẵn lòng khom lưng cúi đầu mà “chìu lòn” để cùng em gá nghĩa trăm năm.
Qua mấy vần ca dao miền Nam trên đây, hình tượng con Rắn đã giúp chúng ta hiểu được tâm tư tình cảm chứa chan, đằm thắm của những tâm hồn chất phác, nhất là đối với các bạn thanh niên, thiếu nữ mới bước chập chững vào đời - một thứ tình cảm không thể thiếu vắng trong sinh hoạt đời thường của bà con mình nơi thôn dã.
Ca dao là di sản quý báu, hữu ích và phong phú của người bình dân nước ta. Xin trịnh trọng buông lời vô cùng cảm ơn các tác giả dân gian vô danh đã bằng ý tưởng dạt dào và chân tình, giúp chúng ta thấu hiểu được bên trong tâm tư, tình cảm của người dân quê nước mình.
Ca dao Nam bộ mang nhiều cung bậc xôn xao, trầm lắng khác nhau. Mặc dù cảm hứng thẩm mỹ xuất phát từ lớp người bình dân mộc mạc nhưng ý tưởng biểu đạt lại mang giá trị tư tưởng, tình cảm sâu lắng thanh cao. Những làn điệu ca dao ở vùng đất phương Nam vẫn mãi mãi mượt mà, bay bổng chất lãng mạn và nằm gọn trong tâm tư của người dân Nam bộ.
LÊ HOÀNG MINH