Pa-ri ngày ấy, lẩy Kiều sang Xuân
40 năm về trước, nhân dân ta đón Tết Quý Sửu trong niềm vui hân hoan: Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết trước Tết ít ngày. Những kỷ niệm về cái Têt đáng nhớ vào mùa Xuân năm 1973 vẫn còn in đậm trong tâm trí những người Việt Nam khao khát hoà bình, nhất là những người tham gia trực tiếp vào cuộc đàm phán lịch sử.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của đồng chí Hà Đăng, nguyên thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về Việt Nam (27-1-1973). Ảnh chụp từ triển lãm. |
Tết Quý Tỵ năm nay 2013 gợi nhớ Tết Quý Sửu 40 năm về trước. Năm ấy, Tết đến đúng bảy ngày sau khi Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (Hiệp định ký ngày 27-1-1973 và Tết Quý Sửu là ngày 3-2 năm đó).
Là thành viên Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị, tôi có mặt tại Pa-ri từ cuối năm 1968. Bốn năm liền chúng tôi ăn Tết trên đất Pháp. Quý Sửu là tết thứ 5. Cái Tết đặc biệt thú vị. Cái Tết hòa bình đầu tiên của nhân dân ta sau hàng chục năm đấu tranh gian khổ.
Trước mắt chúng tôi vẫn còn công việc chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế được triệu tập sau đó một tháng để ký Định ước quốc tế về Việt Nam (2-3-1973). Sau đó nữa là Hội nghị hai bên miền Nam Việt Nam (Chính phủ Cách mạng lâm thời và Chính quyền Sài Gòn) để giải quyết những vấn đề thuộc nội bộ miền Nam. Dẫu sao vẫn phải ăn Tết cái đã. Hẵng để cho đầu óc các nhà đàm phán thư giãn mấy hôm.
Một ngày giáp Tết, Bộ trưởng Xuân Thủy cùng một số anh chị em trong Đoàn VNDCCH đến trụ sở Đoàn miền Nam ở Verie Lơ Buytxông chúc tết Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình và anh chị em Đoàn chúng tôi. Công khai nói như vậy, thật ra anh Xuân (Xuân Thủy) đến với chúng tôi như người anh cả trong nhà. Anh chúc Tết theo kiểu nhà thơ, nghĩa là nói chuyện thơ, chuyện văn, chuyện đời.
Không nhớ câu chuyện bắt đầu như thế nào mà chị Hai (tên gọi thân mật chị Nguyễn Thị Bình) bỗng nhắc đến anh Sáu (Lê Đức Thọ) và anh Xuân trong lần gặp trước – cũng ở Verie Lơ Buytxông sáng ngày 27-11-1972. Hồi đó, một đợt đàm phán mật giữa Lê Đức Thọ - Xuân Thủy với Kit-xinh-giơ kéo dài liền một tuần mà vẫn chưa ngã ngũ vì Mỹ đòi sửa đổi quá nhiều điều trong Hiệp định đã thỏa thuận ngày 20-12-1972.
Chị Hai nhắc lại: “Hồi đó chúng tôi bực quá và cũng sốt ruột quá. Nhưng anh Sáu đã có lời dặn rất đúng: Dằn lòng chờ đợi ít lâu. Chầy ra thì cũng năm sau vội gì. Cứ tưởng năm sau thì cũng phải dài dài, hóa ra mới chỉ hai tháng, tháng Giêng năm nay đã ký được Hiệp định”
Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng để nổ ra một trận cười sau đó, nếu không có sự hiểu lầm về từ ngữ. Chữ chầy ra mà anh Sáu Thọ phát âm kiểu miền Bắc một số anh chị em miền Nam lại hiểu là trầy da. Ừ nhỉ, có trầy da tróc thịt, có B52 giội bom vào Hà Nội đi nữa thì ta vẫn cứ thắng và ký được Hiệp định năm sau vội gì!
Tôi bình luận: Cái chữ ra mà cứ đọc thành da thì ai mà chẳng nhầm. Chẳng thế mà người ta bảo Thúy Kiều bật đèn xanh cho Kim Trọng làm mọi thứ, miễn là chỉ ngoài da. “Đừng điều nguyệt nọ hoa kia. Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai”
Anh Xuân cười hóm hỉnh: “Cậu nói giống hệt như mấy ông miền Nam ở tù với tôi tại nhà tù Hỏa Lò năm xưa. Các ông ấy cứ đem chữ ngoài da ấy mà bảo chúng tôi xuyên tạc Nguyễn Du. Còn tôi thì nói, cái câu “Thuyền tình vừa ghé đến nơi. Thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ”, cứ thử ghép từ miền Nam vào thì thành ra “ghe mèo vừa tấp tới chỗ”, vậy còn ra cái thi tứ gì!
Tôi giả vờ ngây ngô: "Có những câu Nguyễn Du nói, người Nam không hiểu lầm, người Bắc cũng không hiểu lầm, nhưng chẳng ai cãi được. Nguyễn Du bảo Thúy Kiều có mang đấy!". Và tôi đọc: “Đầy sân gươm tuốt sáng lòa. Thất kinh nàng chửa biết là làm sao” (lúc Kiều chứng kiến cảnh hành hung của bọn Khuyển Ưng, Khuyển Phệ).
Tôi nhấn mạnh hai chữ thất kinh và nàng chửa, làm như sau chữ chửa có một dấu phảy vậy. Khác nào nói Kiêu đã mất kinh và có thai. Chị Hai suỵt một tiếng: “Cái ông Đăng này cứ như vậy thì cả ngày không xong. Thôi, để anh Xuân làm thơ đi”. Anh Xuân không làm thơ lúc ấy. Đã có mấy câu thơ mà anh ứng khẩu đọc trong cuộc gặp ngày 27-12-1972:
Vật lộn hôm nay thắng một keo
Anh hùng Nam Bắc biết bao nhiêu
Ngoài trời sương lạnh trong lòng ấm
Hớn hở vui chung đĩa bánh xèo.
Bánh xèo là do anh chị em Đoàn miền Nam làm để thết các anh Lê Đức Thọ và Xuân Thủy khi sang thăm chúng tôi.
Cho đến tối 3 tháng Hai 1973, tối mùng Một Tết Qúy Sửu, kiều bào ta ở Pháp tổ chức ngày hội mừng Xuân, mừng thắng lợi vừa giành được, Bộ trưởng Xuân Thủy mới đọc mấy câu thơ vừa sáng tác:
Xuân Bảy ba đậm đà thắng lợi
Xuân bay lên phơi phới trời xanh
Chào Việt Nam, Tổ quốc quang vinh!
Chào chiến sĩ, Chào nhân dân! Chào tình bốn biển!
…Hăm bảy tháng Giêng, ngày mừng chữ ký
Giữa Pa-ri lộng lẫy sắc cờ ta…
Đồng chí Xuân Thủy đối với tôi, là người Thầy về nhiều mặt. Nhưng trong cuộc sống thương ngày, anh coi chúng tôi như em. Ở Pa-ri, đàm phán gay go là thế mà anh vẫn làm thơ, lại còn làm thơ nhiều nữa là khác.
Và mỗi lần làm xong một bài thơ, anh đều cho đánh máy mấy bản, gửi cho những anh em gần gũi nhất góp ý. Tôi là một trong số đó. Thật ra chúng tôi chẳng có ý gì để góp ngoài việc nêu lên cảm nhận của mình. Đồng chí Trường Chinh từng gửi thư cho anh:
Mỗi tuần một trận đấu gay go
Mấy tháng chưa xong một ván cờ
Nắm vững phương châm giành thắng lợi
Ung dung anh vẫn dạo vườn thơ.
Không ai trong chúng tôi không biết là từ những ngày bị giam ở ngục Sơn La, Xuân Thủy đã là chủ bút tờ báo Suối reo và nổi tiếng với mấy câu thơ:
Đế quốc tù ta, ta chẳng tù
Ta còn bộ óc, ta không lo.
Giam người, khóa cả chân tay lại
Chẳng thể ngăn ta nghĩ tự do.
Chúng tôi cũng biết cái tên Xuân Thủy là lấy từ hai chữ đầu của một câu đối dán trên hiệu thuốc Đông y do nhà thơ mở ở Phúc Yên để làm nơi liên lạc với cách mạng từ năm 1934:
Xuân hồi thảo mộc thiên hoa phát
Thủy bát ba lan tứ hải bình
(Xuân về muôn ngàn hoa đua nở
Nước lặng song tan bốn biển yên)
Ở Pa-ri, tôi làm công việc soạn thảo các bài diễn văn chuẩn bị sẵn của Trưởng đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời. Các bài diễn văn ấy, đều được sửa đi sửa lại nhiều lần qua ý kiến đóng góp của các đoàn viên Đoàn miền Nam. Nhưng cuối cùng vẫn phải đưa lên các đồng chí Lê Đức Thọ và Xuân Thủy duyệt, mà Xuân Thủy là chủ yếu. Anh không sửa nhiều nhưng đã sửa chỗ nào là đích đáng chỗ ấy.
Viết diễn văn đàm phán, quả là làm dâu trăm họ. Dự thảo đưa ra, khen ít, chê nhiều. Trong Đoàn, chín người mười ý. Có lần tôi đem nỗi khổ của cái kiểu “làm văn tập thể” ấy giãi bày với đồng chí Xuân Thủy. Anh tủm tỉm trao cho tôi một nụ cười đầy thông cảm:
Cái nghiệp văn chương vốn thế thôi
Viết đi viết lại vẫn chưa rồi
Người giao anh viết: Anh là Thánh
Anh viết, người chê: dở nhất đời!
Tôi không nhớ trong số 174 bài diễn văn của Trưởng đoàn ta, tương ứng với 174 phiên họp của Hội nghị bốn bên, tôi đã trực tiếp đảm trách bao nhiêu bài và bao nhiêu bài đã được đồng chí Xuân Thủy duyệt. Bởi viết diễn văn không chỉ mình tôi, và anh Xuân Thủy không phải lúc nào cũng có mặt ở Pa-ri.
Chỉ biết rằng vào cái ngày giáp Tết Qúy Sửu ấy, anh Xuân và chị Hai tuy có thấy tôi tếu táo trong việc lẩy Kiều để vui chung nhưng chưa bao giờ ngờ cái tâm ngay thẳng của tôi trong công việc. Lòng tôi lúc nào cũng tâm niệm di ngôn của đại thi hào Nguyễn Du:
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài!
(Theo dangconsan.vn)