Tấm lòng hoài cổ bác sĩ Mỹ Tho xưa
Nghề Y luôn được tán dương là một nghề cao quý. Bài này chỉ xin nói về những bác sĩ của Mỹ Tho xưa (thời gian từ năm 1955 đến 1975) để vừa minh chứng, vừa suy ngẫm.
Theo người thời ấy, bác sĩ (BS) Mỹ Tho xưa có hai hạng: Hạng giàu và hạng “từ mẫu”. Hạng giàu thì có BS Nguyễn Kiểng Bá, có phòng khám ngay chốt đèn ngã tư Lê Lợi - Thủ Khoa Huân. Ông còn có một nhà thương tư, thường gọi là “Nhà thương ông Bá”, giờ là Nhà Văn hóa TP. Mỹ Tho. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa tại Pháp.
BS Ngô Văn Cẩn mở phòng khám ngay dưới dốc cầu Quây, chỗ Sacombank bây giờ. Cũng như BS Bá, BS Cẩn được tiếng là chẩn bệnh đúng, cho “thuốc hay”, được bệnh nhân tin tưởng. Ông có một… con chó rất khôn, nó luôn phát hiện ông khi xe ông còn ở… trên dốc cầu Quây trên đường về nhà sau giờ làm việc ở “Nhà thương lớ” (từ gọi Bệnh viện Đa khoa tỉnh bây giờ).
Đến nay, khi nhắc đến BS Cẩn, người ta cũng không quên nhắc tới con chó này. BS Cẩn và BS Bá là hai vị trị bệnh giỏi, từng làm Giám đốc “Nhà thương lớn”. Bệnh nhân đến “thăm” một trong hai ông thường luôn hết bệnh.
BS Thanh cũng có một nhà thương tư, thường gọi là “Nhà thương ông Thanh”, nay là Bệnh viện Mắt.
BS Trần Công Trực gốc xã Đồng Sơn (Gò Công Tây) có bệnh viện ở giao lộ Lê Lợi - Lý Công Uẩn, thường gọi là “Nhà thương ông Trực”.
Như vậy, ngoài “Nhà thương lớn” và “Nhà thương sanh” là của Nhà nước, Mỹ Tho xưa còn có 3 nhà thương tư kể trên.
BS Mỹ Tho xưa, nhất là các BS lớp tiền bối thường ít ai tìm được nụ cười của quý ngài! Bệnh nhân tới phòng khám ngoài việc mất tiền khám bệnh, còn có thể… mất hồn vì lời nạt nộ của các “quan thầy” (thời bấy giờ vẫn còn ít người dùng từ “Quan thầy” để gọi bác sĩ). Đừng dại dột mà tự khai bệnh khi chưa được hỏi tới, hoặc giả tự đoán bệnh cho mình trước, đại loại như: “…Tôi hình như đau thận, khiến cái lưng nó ê ẩm….” là lập tức bị “quan thầy” quát: “Vô đây đừng có nói sàm. Biết bệnh thì vô đây làm chi?” (nguyên văn).
Hạng “từ mẫu” có thể kể trước tiên là BS Lê Thiện Điền, mở phòng mạch gần “hủ tiếu cây me lớn” bên hông Chợ Hàng Bông. Ông là một bác sĩ trẻ nhất trong hàng BS được kể trong bài này. Ông một mực “bình dân”, thân thiện với bệnh nhân và thường “không ăn tiền” những người lao động nghèo khổ như xích lô, ba bánh, vác mướn, lao công…. (BS lúc đó chỉ khám bệnh, kê toa. Bệnh nhân mang toa thuốc này đến mua thuốc bất cứ nhà thuốc nào mình thích; không có việc BS tự bán thuốc từ… trong “ngăn kéo” của mình như bây giờ).
Kế đó là BS Trương Hán Bật. Vào năm 1962 (dường như lúc đó ông giữ chức vụ Giám đốc “Nhà thương sanh”), một chiều, khi ông xuống ca, vừa định lên xe về Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh) thì một y tá từ phòng sanh hối hả chạy ra bảo rằng có một ca sanh khó. Ông lập tức chạy vào, mấy giờ sau ông mới bước ra phòng sanh.
Ông nói với người chồng sản phụ “mặt như đưa đám” đã chực chờ ở phòng sanh: “ Ổn cả rồi! Anh yên tâm… Hôm nay tôi phải về Sài Gòn có chuyện, nhưng tình trạng vợ anh nếu không có tôi thì không xong… (ông đưa tay xem đồng hồ). Giờ thì không cần về nữa rồi!”. Người chồng của sản phụ đã xúc động rơi nước mắt và xin phép được lấy tên ông mà đặt tên cho con mình: Trương Hán Bật!
Một BS khá đặc biệt là BS Trần Văn Tải. “Đặc biệt” vì ông là một thầy thuốc nhưng lại là người rất yêu mến văn chương. Ông làm thơ, viết văn, là chủ tờ báo Tiếng gọi miền Tây. Phòng khám của ông ở trên đường vô Bến Tắm Ngựa. Ông cũng luôn miễn phí cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khốn khó và mỗi thứ bảy, nhà xe của ông là “phòng khám và phát thuốc từ thiện” cho những bệnh nhân nghèo.
Có lẽ nổi tiếng “từ mẫu” hơn hết là BS Ngô Văn Bửu. Phòng khám của ông nằm tại đường Thủ Khoa Huân (cách tiệm chụp hình Phong Lan vài căn. Có thời gian phòng mạch ông ở đường Đinh Bộ Lĩnh). Ông không đẹp trai (mặt rỗ hoa mè), nhưng lại là người có trái tim Bồ Tát: Bệnh nhân nghèo ông không bao giờ lấy tiền, mà còn “chị lấy chút đỉnh về xe” nếu bệnh nhân ở xa; hoặc “tôi cho tiền cháu mua cái áo mới” nếu là bệnh nhân ở gần.
Ông thường nựng, “dỗ ngọt”, cũng như trấn an các bệnh nhân ở tuổi thiếu nhi. Ông lại là người từ tốn khiêm cung với người ăn kẻ ở trong nhà, không phân biệt chủ - tớ (như ăn cơm chung mâm). Với người nhà của những người giúp việc mỗi khi đến thăm, ông luôn niềm nở hỏi thăm và bảo lo chu đáo cái ăn, chỗ ở.
Thế mà vị Bồ Tát có một lần nổi nóng: Bữa đó có một bà mẹ trẻ đẹp, khá sang trọng hối hả bồng con mình chạy vào phòng khám. Vừa thấy đứa bé giãy giụa, mặt mày tím ngắt, ông liền tuột nhanh quần em bé ra thì thấy một cọng thun siết chặt “thằng nhỏ” của đứa bé. Ông vội cắt cọng thun, rồi “bốp” một cái nháng lửa vào mặt bà mẹ: “Đàn bà hư! Sao lại làm thế nầy?”. Bà mẹ trẻ lắp bắp: “Dạ…dạ… em sợ nó đái ướt áo em!” (!).
Cũng nên nói thêm, vợ ông cũng là người đàn bà đức hạnh, nhân từ.
Sau nầy BS Bửu dời phòng khám lên Sài Gòn, đã để lại biết bao niềm thương mến luyến lưu cho những người đã biết về ông.
Ngày nay, khi con bệnh hay người nhà của con bệnh bức xúc về phẩm hạnh của những người trị bệnh, họ thường liên tưởng đến những thầy thuốc có tấm lòng từ mẫu thực sự nói trên với cả tấm lòng… hoài cổ!
KHA TIỆM LY