Thứ Sáu, 15/02/2013, 13:24 (GMT+7)
.

Thành Cổ Loa đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt

Tối 14-2, UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Đông Anh và Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa.

Phát biểu tại lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc công nhận Cổ Loa là di tích quốc gia đặc biệt không những khẳng định giá trị lịch sử hào hùng của vùng đất Cổ Loa, mà còn khẳng định những giá trị văn hóa ở nơi đây.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích Cổ Loa.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích Cổ Loa.

Sau nghi thức trao Bằng di tích quốc gia đặc biệt, buổi lễ được tiếp nối với chương trình văn nghệ kết hợp giữa truyền thống và hiện đại ca ngợi đất nước, mùa Xuân, ca ngợi vùng đất huyền thoại Đông Anh và thành Cổ Loa.

Cách đây 2.300 năm, từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, Cổ Loa đã là kinh đô cổ của nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương với vai trò là kinh thành, quân thành và thị thành. Sau chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc giành lại độc lập cho dân tộc, Ngô Quyền đã chọn Cổ Loa là kinh đô.

Khu di tích Cổ Loa là một quần thể kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ độc đáo. Trung tâm di tích là tòa thành cổ với kiến trúc 3 vòng thành dài trên 16km đạt đến quy mô và trình độ kiến trúc cao nhất của Việt Nam và vùng Đông Nam Á.

Cùng với tòa thành cổ là những công trình tưởng niệm, công trình mang chức năng tôn giáo, tín ngưỡng, vừa mang giá trị lịch sử văn hóa, vừa mang giá trị nghệ thuật, được chạm khắc tạo hình, trang trí trên nhiều chất liệu có giá trị thẩm mỹ cao.

Khu di tích Cổ Loa hiện có trên 60 di tích trong đó có 7 di tích xếp hạng di tích quốc gia, 3 di tích xếp hạng di tích cấp thành phố.

Lễ hội Cổ Loa hàng năm cho thấy sự gắn kết chặt chẽ của cộng đồng dân cư vùng thành Cổ Loa với vị vua đầu tiên, người đã trở thành vị thần bảo trợ đời sống tinh thần cho muôn đời con cháu.

Các phát hiện khảo cổ tại Cổ Loa đã chứng minh sự phát triển liên tục của dân cư thời Phùng Nguyên cho đến các đời tiếp sau, đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn, còn được gọi là văn minh sông Hồng.

(Theo TTXVN)

.
.
.