Thứ Bảy, 23/03/2013, 06:25 (GMT+7)
.

Cải lương từ hưng thịnh, đến thoái trào

Cải lương từng mê hoặc các thế hệ, nhưng các thập niên qua trước sự giao thoa văn hóa nghệ thuật, trước công nghệ mới, bộ môn cải lương ngày càng thưa vắng công chúng…

* THỜI HOÀNG KIM

Cải lương ra đời từ những năm 1920 và nhanh chóng phát triển, trở thành bộ môn nghệ thuật được nhiều người yêu thích. Đến những năm 1960 thì cải lương phát triển rực rỡ và ở đỉnh cao trong suốt thời gian khoảng 3 thập kỷ.

Soạn giả Huỳnh Anh cho biết: Trước giải phóng, ở Sài Gòn, nhiều đoàn cải lương được thành lập như: Kim Chung, Thống Nhất, Thanh Minh (sau đổi tên thành Thanh Minh - Thanh Nga), Hoa Sen, Dạ Lý Hương, Kim Chưởng, Phước Chung…, với hàng loạt nghệ sĩ tài danh như: Út Trà Ôn, Thành Được, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thanh Sang, Diệp Lang, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Phượng Liên, Hồng Nga, Mỹ Châu, Diệu Hiền, Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng, Phương Quang…

“Đặc sản” của Nam bộ đã nhanh chóng lan tỏa đến các vùng đất miền Trung, miền Bắc và trở thành món ăn tinh thần của một bộ phận không nhỏ công chúng. Sau giải phóng, ở Sài Gòn có nhiều đoàn cải lương mới được thành lập như: Thanh Nga, Phước Chung, Văn công Thành phố, các đoàn của Nhà hát Trần Hữu Trang, Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, 2-89…

Sau khi tham dự Hội diễn Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, các vở do Đoàn Nghệ thuật  tổng hợp tỉnh dựng được diễn để phục vụ công chúng. Tuy nhiên, các suất diễn phục vụ cũng  chỉ thu hút rất ít khán giả đến xem.
Sau khi tham dự Hội diễn Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, các vở do Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh dựng được diễn để phục vụ công chúng. Tuy nhiên, các suất diễn phục vụ cũng chỉ thu hút rất ít khán giả đến xem.

Ông Trần Phương Hùng, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Trong thập kỷ 1980, các tỉnh khu vực miền Tây và miền Đông Nam bộ tỉnh nào cũng có đoàn cải lương, một số tỉnh như: Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Hậu Giang… thành lập nhiều đoàn để phục vụ khán giả mộ điệu. Nhiều nghệ sĩ tài danh trong giai đoạn này xuất thân từ các đoàn hát ở tỉnh như: Trọng Hữu, Thanh Hằng, hề Thanh Nam, Vũ Linh, Thanh Ngân… Ngành Văn hóa của các tỉnh giao ước với nhau: Các đoàn không được “bắt” đào, kép của đoàn khác. Khi nào lãnh đạo ngành Văn hóa và trưởng đoàn đồng ý cho nghệ sĩ sang “đầu quân” ở đoàn khác thì đoàn mới được nhận.

Ở Tiền Giang, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, để đáp ứng nhu cầu của công chúng, nhiều đoàn cải lương được thành lập như: Tiền Giang 1, với các nghệ sĩ nổi tiếng như: Trương Hoàng Long, Kim Lệ Thủy, Vương Cảnh, Kim Hồng Hạnh; Tiền Giang 2 (còn gọi Đoàn Cải lương tuồng cổ) với các nghệ sĩ như: Bảo Ân, Kiều Loan, Kiều Phượng, Hà Thiện Chí… Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có một số đoàn cải lương xã hội hóa như: Sông Tiền của Trọng Nhân; Long Giang của Khánh Tâm & Mai Trinh; Tiền Giang của Phương Lâm; Tiếng hát Tiền Giang của Thanh Tú & Trang Bích Liễu…

Các đoàn cải lương đi lưu diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh để phục vụ công chúng mến mộ. Ngoài ra, một số huyện, xã cũng đã thành lập đoàn cải lương để phục vụ nhân dân. Ông Trần Phương Hùng nhớ lại, khoảng giữa thập niên 1980, trên địa bàn tỉnh có 5 đoàn cải lương cấp huyện. Hàng năm, ngành Văn hóa tổ chức hội diễn các đoàn cải lương cấp huyện để khuyến khích các đoàn đầu tư tập vở mới, nâng cao chất lượng nghệ thuật.

Song song với việc thành lập các đoàn cải lương thì nhiều rạp hát cũng được xây dựng như: Hoàng Việt, Cái Bè, Hậu Mỹ Bắc (huyện Cái Bè); rạp Chợ Gạo… Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn có một số rạp hát được xây dựng trước giải phóng như: Tiền Giang (Vĩnh Lợi), Mỹ Tho (Viễn Trường), Kim Quang (Tân Hiệp - Châu Thành), Chiến Thắng (TX. Gò Công). Trong giai đoạn hoàng kim, các rạp hát luôn sáng đèn, các đoàn phải đăng ký trước thì chủ rạp mới bố trí lịch diễn được. Những ngày tết, nhiều rạp diễn 3 suất/ngày để phục vụ khán giả.

Nghệ sĩ Bảo Ân bồi hồi nhớ lại: Đoàn Cải lương Tiền Giang 2 được thành lập năm 1976 và đến năm 1989 thì tan rã. Thời sân khấu cải lương còn hưng thịnh, anh em nghệ sĩ muốn được nghỉ xả hơi 1 đêm cũng không được. Đoàn đến một số tỉnh khu vực miền Đông phải hát 2 suất/ngày. Đêm diễn nào rạp cũng chật kín người. Có lần, giàn (dùng để cho khán giả ngồi xem) bị sập, khiến cho 1 khán giả bị gãy chân. Vậy mà đêm sau khán giả cũng đến xem chật rạp. Thời hoàng kim, anh em nghệ sĩ cải lương kiếm tiền rất dễ nên cũng tiêu xài phung phí. Nhiều anh em ca sĩ hát nhạc cũng chuyển sang lĩnh vực cải lương, vì hát cải lương thu nhập cao hơn.

* THOÁI TRÀO

Vào cuối những năm 1980 cải lương bắt đầu tuột dốc. Các rạp hát ở Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung thưa dần những suất diễn. Khán giả đến rạp hát để xem cải lương cũng thưa dần, nhất là đối với khán giả trẻ. Các đoàn cải lương phải đi lưu diễn ở các vùng sâu, vùng xa để tìm khán giả. Mặt khác, để thu hút khán giả đến xem, các đoàn buộc phải mời các nghệ sĩ tài danh ở TP. Hồ Chí Minh về hát một vài bài ca cổ, hoặc diễn 1 vài cảnh trong vở cải lương.

Nghệ sĩ Bảo Ân nhớ lại: Cuối những năm 1980, khi Đoàn Cải lương Tiền Giang 2 đi lưu diễn thì khán giả đến xem thưa dần. Lúc đầu mỗi đêm còn được một vài trăm khán giả thì đoàn còn trụ được, đến khi mỗi đêm chỉ còn chừng vài chục khán giả thì đoàn buộc phải giải tán, vì càng diễn càng không bù đắp nổi chi phí. Ông Trần Phương Hùng cho biết, đến cuối những năm 1990 thì các đoàn ở nơi được xem là “cái nôi của cải lương” đều giải tán vì không thể cứ kéo màn biểu diễn trong khi khán giả đến xem trong cảnh “chợ chiều”.

Cải lương thoái trào nguyên nhân do đâu? Soạn giả Huỳnh Anh lý giải: Cuối thập niên 1980, những năm đầu thập niên 1990, đất nước bắt đầu mở cửa. Cùng với sự mở cửa hội nhập của đất nước là các loại hình văn hóa khác du nhập vào Việt Nam, nhất là phim ảnh, tạo hấp lực mạnh mẽ, nhất là đối với giới trẻ. Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chiếc đầu máy video và băng, đĩa xuất hiện ở Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu nghe - nhìn của công chúng một cách tối ưu nhất. Vì vậy, sân khấu không còn là phương tiện giải trí duy nhất đối với công chúng.

Mặt khác, phương tiện kỹ thuật hiện đại có thể che lấp các khuyết điểm giọng hát của nghệ sĩ, vì vậy một số nghệ sĩ không chú tâm rèn luyện, dễ dãi với chính mình. Một số soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ không có phong cách riêng, không có sự đầu tư nghiêm túc… cùng những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác.

Từ khi cải lương thoái trào, cùng với các địa phương khác, ngành Văn hóa của Tiền Giang ra sức vực dậy phong trào để bộ môn nghệ thuật cải lương không bị mai một. Đạo diễn Tấn Lộc, Trưởng đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang cho biết: Năm 1998, dù kinh phí còn khó khăn, nhưng ngành Văn hóa đã đồng ý cho Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh thành lập Đội Cải lương để đầu tư dựng các vở cải lương tham gia các kỳ hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc.

Từ năm 1998 đến nay, Đội Cải lương của đoàn đã dựng được 5 vở để tham dự Hội diễn Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc và đã đoạt nhiều huy chương, trong đó có 3 Huy chương Vàng dành cho Nghệ sĩ Nhơn Hậu và Đào Vũ Thanh. Sau thành công từ Hội diễn Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, mỗi vở đã được diễn khoảng 20 suất để phục vụ nhân dân (không bán vé). Tuy nhiên, điều đáng buồn là hầu hết các suất diễn phục vụ cũng rất ít khán giả đến xem.

Theo dòng thời gian, cải lương từ hoàng kim đến thoái trào quả là có nhiều điều ray rứt. Liệu mai này cải lương đi về đâu? Đó là câu hỏi khó đoán định…

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.