Thứ Bảy, 02/03/2013, 08:02 (GMT+7)
.

Đôi điều cảm nhận qua “Khí tiết thời mở cửa”

Tập truyện ký “Khí tiết thời mở cửa” của Ngọc Thủy có 22 tác phẩm gồm truyện và ký, chủ yếu về đề tài chiến tranh chống Mỹ, gắn với chân dung và chiến công của các vị anh hùng trong tỉnh Tiền Giang. Là quân nhân nên chị chọn con người – đề tài này cho sáng tạo. Sách xuất bản đã trên năm, đọc vẫn còn “thời sự” và tôi tâm đắc 2 truyện viết về đời thường dung dị là “Cội nguồn” và “Khí tiết thời mở cửa”, vì nó chạm đến vấn đề bức xúc của Việt Nam bây giờ.

Nếu Cội nguồn nói về sự tan vỡ giá trị tinh thần trong một gia đình thì Khí tiết thời mở cửa nói về tan vỡ đảo lộn trong xã hội. Không gian quan hệ ứng xử khác nhau nhưng bản chất vấn đề giống nhau. Đều là đánh mất giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, đánh mất chính mình, phản bội thế hệ cha anh để chạy theo vật chất bèo bọt, thực dụng.

Cội nguồn kể về số phận ông Hai sống cảnh “gà trống nuôi con” hao hao như Lão Hạc của Nam Cao. Khác là thằng con trai Lão Hạc vì tức khí mà vô Nam làm công nhân đồn điền cao su mong gom góp tiền trả thù sự khinh rẻ của thiên hạ. Còn đứa con gái tên Kim của ông Hai chạy bằng chân của chồng, sống núp bóng người ta, theo đuổi ảo ảnh vật chất: “đổi xe, đổi điện thoại di động, hay lôi về nhà thêm một phương tiện hiện đại nào đó”.

Kim trống rỗng nhân cách, đánh mất cội nguồn. Đây là kiểu người Rô-bô hiện nay, sống như cái máy, bị người ta lập trình hoạt động, bị người khác bấm nút điều khiển. Vô cảm, vô trách nhiệm, phạm tội ác mà không  biết mình ác. Loại người này, ta có thể gặp bất cứ ở đâu: nông thôn hay thành phố, lớp giàu hay nghèo, có học vấn hay không học chữ nào…

Loại người không quan tâm đến lịch sử, gia đình, dòng tộc chỉ biết có một thứ là “tiền”. Nó giống ngôi nhà không nền móng, lơ lửng quay cuồng… Kim quên đất mồ mẹ ở kinh Tù Mù, quên người cha ngày ngày ngóng con và cháu ngoại, bỏ luôn đám giỗ. Ác hơn nữa là khiến hai đứa cháu vô tình với ngoại sợ lây bệnh lao. Ngọc Thủy rất đạt khi đặt vào miệng Kim cái chữ “Về” cộc lốc, bạo tàn. Nó là âm thanh khô khốc phát ra từ trái tim băng giá vô cảm!

Truyện cấu trúc chặt bởi hình tượng con luốc. Mở đầu là cảnh tìm chú chó bị vợ chồng Kim đánh dã man. Khép lại là bộ xương chó bên mộ bà Hai và tiếng nghẹn ngào: “Luốc ơi!”. Tôi nghĩ, có thể đặt tên truyện “Con luốc” cũng hay. Con chó khôn ngoan, trung thành, có tình nghĩa hơn đứa con (con người) kia. Lão Hạc xem ra vẫn sướng hơn ông Hai, bởi còn hy vọng con sẽ về tạo dựng gia phong. Lão chết cho con sống tốt hơn, chết dù vật vã vẫn hơn sống như ông Hai hoài cổ!

Khí tiết thời mở cửa đã chạm vào vấn đề nhạy cảm và nhức nhối đương đại. Mở đầu và kết thúc là hình ảnh ông Bảy Đường ngồi đau đáu, ngồi hành khổ, ngồi tạ tội trước bản tự kiểm điểm với Đảng ủy xã. Kết thúc có hậu: Bảy Đường - dân kháng chiến cựu trào, thỏi vàng mười đã được kiểm định chất lượng bởi chiến tranh hủy diệt tàn khốc của đế quốc Mỹ vẫn kịp sửa sai, vẫn kịp giữ khí tiết người cán bộ cách mạng! Còn ngoài đời, biết bao kẻ đã thất tiết?! Bao người đã chặc lưỡi đánh liều xác nhận cho loại người như Ba Toan thành “đồng chí”, “người có công với cách mạng”!

Ngọc Thủy đặt tên  “Chín Khéo”, “Ba Toan”, “Ba Cà Nhõng” là khái quát bọn người cơ hội, thoái hóa đạo đức, gió chiều nào che bề nấy. Chúng khôn khéo luồn lách như lươn, như chuột nhắt, nịnh bợ chính quyền để sống sung sướng, an nhàn. Khi Bảy Đường nổi trận xung thiên thì Ba Toan vẫn “thản nhiên”, “dịu dàng”, “thủ thỉ”. Phải thừa nhận hắn khôn khéo cáo già, thời nào cũng mua chuộc được chính quyền. Khi khiển được Bảy Đường rồi thì Ba Toan sẽ thao túng tất cả.

Tham nhũng tài sản đã làm khốn khổ bao người. Nguy hiểm hơn là tham nhũng chính trị, tham ô quyền lực gây họa khôn lường. Không thể tính hết hậu họa. Một chữ ký, một xác nhận mang sức nặng tựa núi Thái Sơn. Nó là khí tiết, là giá trị tinh thần, là cội nguồn, là lịch sử dân tộc - lịch sử viết bằng máu của hàng chục triệu đồng bào. Thời mở cửa hội nhập, ta khép lại quá khứ chứ tuyệt nhiên không xé bỏ trang sử máu xương ấy. Những kẻ cơ hội lọt vào hàng ngũ cách mạng khác chi chiêu hồi, điệp báo ngày xưa.

Tôi tâm đắc với tác giả Ngọc Thủy 2 truyện trên. Đó là vấn đề bức xúc hôm nay của con nguời, đất nước ta. Khí tiết là bản lĩnh người cán bộ khi hòa vào biển lớn, hòa nhập vào thế giới. Biển lớn sóng càng dữ càng phải giữ gìn khí tiết, trân trọng cội nguồn lịch sử dân tộc. Nó là nền móng văn hóa, hun đúc nhân cách người Việt nam. Đặc biệt, lớp trẻ cần thông hiểu và trân trọng lịch sử cội nguồn. Nó như máu đỏ nóng trong tim cho cháu con mình bước tiếp tới tương lai.

Tháng 1-2013

NGUYỄN THANH XUÂN
 

.
.
.