Thứ Ba, 26/03/2013, 12:30 (GMT+7)
.

Tuổi 18 tự tin và bản lĩnh

Vừa qua, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội trại “Khi tôi 18” cho học sinh các trường THPT trong tỉnh. Tại đây, tuổi 18 đầy tự tin và bản lĩnh đã thể hiện được tài năng, cách ứng xử trong văn hóa học đường qua các phần thi sôi động và hấp dẫn.

18 - tài năng

Sau phần trang trí lều trại, hơn 300 trại sinh bắt đầu thể hiện tài năng của mình. Mở đầu là phần thi “18-chinh phục”, mỗi đội gồm 6 trại sinh thể hiện tài năng qua trả lời các câu hỏi về kiến thức xã hội mà Ban giám khảo đưa ra, dưới các hình thức như ghép chữ, trắc nghiệm, minh họa câu trả lời bằng hình ảnh. Dù câu hỏi dưới hình thức nào, các bạn đều đưa ra được câu trả lời chính xác và đẹp mắt.

Nhóm thứ 2 của “18-chinh phục” là 10 đội tự đi tìm 10 gia đình chính sách (địa chỉ do Ban giám khảo đưa ra), đến thăm hỏi và tặng quà các gia đình. 10 đội đã xuất sắc hoàn thành phần thi trong thời gian ngắn nhất.

\
Sôi động cùng bước nhảy.

"18-tài năng" thể hiện rõ nhất trong phần thi “Bản tin tivi khi tôi 18”. Phần thi này, mỗi đội có 2 bạn làm nhiệm vụ dẫn chương trình, các bạn còn lại thì minh hoạ các tình huống, các vấn đề trong văn hóa học đường như học lệch, an toàn giao thông, bạo lực học đường… dưới dạng các tiểu phẩm ngắn.

Chị Ngọc Hảo, Phó Bí thư đoàn trường THPT Trần Hưng Đạo chia sẻ: “3 năm cùng các em tham gia hội trại, tuổi 18 đã thể hiện được bản lĩnh của mình. Các em đã lên án các vấn đề tiêu cực trong môi trường học tập và xã hội. Từ đó, các em nhận thức được những việc làm nào tốt, những việc nào xấu, mà đưa ra những phương châm, hành động một cách đúng đắn”. 

Những bước nhảy mạnh mẽ, rắn chắc được thể hiện ở phần thi “Sôi động cùng bước nhảy”. Đây là phần thi thu hút nhiều bạn tham gia, ngay cả các bạn khán giả cũng hòa theo điệu nhảy của các bạn trên sân khấu, tạo không khí sôi nổi, hào hứng.

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Hiền, lớp 11 trường THPT Mỹ Phước Tây sôi nổi: “Các bạn nhảy thật đẹp, tạo không khí thật vui vẻ. Sôi động cùng bước nhảy giúp chúng em rèn luyện được sức khoẻ, tinh thần sảng khoái, không còn mệt mỏi trong học tập. Tham gia hội trại lần này, em thấy mình lớn thêm hơn, được gặp gỡ giao lưu với nhiều bạn cùng lứa tuổi”.

Đặc biệt, màn đồng diễn “Xếp hình nghệ thuật bản đồ Việt Nam” rất ấn tượng. Dù chỉ mới biết nhau, nhưng tất cả đã đoàn kết tập luyện bài đồng diễn thật nhịp nhàng, đẹp mắt. Bạn Nguyễn Thị Bích Ngân, lớp 10 trường THPT Phú Thạnh: “Tuổi 18 chúng em xin hứa sẽ ra sức học tập thật tốt để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Ứng xử văn hoá học đường

Dưới cái nắng oi bức, nhưng trông bạn nào cũng phấn khởi khi được nghe Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và Phó Giáo sư, Bác sĩ Tạ Văn Trầm, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang, nói về cách ứng xử trong văn hóa học đường.

Tại buổi nói chuyện, thầy Huỳnh Văn Sơn đề cập đến 3 vấn đề trong văn hóa ứng xử học đường, đó là: văn hóa ứng xử của học sinh đối với thầy cô giáo, ứng xử với bạn bè và ứng xử trong tình yêu.

\
Trang trí cổng trại.

“Khi ta tử tế với mọi người, ta sẽ nhận lại sự tử tế, khi ta cáu giận, ta sẽ nhận lại sự cáu giận. Ứng xử cũng giống như chiếc gương soi, phản ánh lại chính ta. Do đó, tôn trọng mình chính là tôn trọng mọi người và ngược lại. Các em hãy rút ra cho bản thân một cách sống có văn hóa, một tâm hồn trong sáng đúng với lứa tuổi học đường của các em” thầy Sơn chia sẻ.

Buổi sinh hoạt tuy ngắn ngủi nhưng đã tác động rất nhiều đến suy nghĩ của các em. Các bạn trẻ đều tâm sự rằng đôi lúc đã “đánh mất” thái độ tôn trọng người khác, thiếu sự sẻ chia, đôi khi bạn bè còn ganh ghét nhau.

Anh Ngô Huỳnh Quang Thái, Phó Bí thư Tỉnh đoàn chia sẻ: “Bằng những câu chuyện giản dị, dí dỏm nhưng mang thông điệp rất sâu sắc về cách ứng xử trong văn hóa học đường của thầy Sơn, thầy Trầm đã giúp cho các em biết cách điều tiết cảm xúc bản thân, tránh bạo lực học đường, thay đổi hành vi theo hướng tốt đẹp hơn, từ đó định hướng những giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử”.

Hội trại khi tôi 18 mang nhiều ý nghĩa hết sức thiết thực, định hướng đi cho học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời một cách tích cực và trang bị kiến thức sống cần thiết giúp các em hội nhập với cuộc sống.

P. MAI

.
.
.