Thứ Sáu, 19/04/2013, 15:46 (GMT+7)
.

Chuyện về Phó Lãnh binh Phan Văn Dõng & ý nguyện phục dựng ngôi đình

Trên địa bàn ấp Bình Quới (Bình Phục Nhứt, Chợ Gạo) có một ngôi đình thờ một  tùy tướng của Trương Định đã bị giặc Pháp chém đầu vì không đầu hàng giặc. Do sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, ngôi đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng và con cháu của vị tướng này cũng như người dân địa phương mong có chủ trương trùng tu ngôi đình để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau; đồng thời góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở xã nông thôn mới Binh Phục Nhứt.

Ngôi đình mới được cất tạm trên đất cũ.
Ngôi đình mới được cất tạm trên đất cũ.

“SỐNG LÀM TƯỚNG, THÁC LÀM THẦN”

Vị tướng được phong thần được thờ cúng tại đình Bình Trị (ấp Bình Qưới, xã Bình Phục Nhứt) là ông Phan Văn Dõng, một trong những tùy tướng thân cận của Trương Định trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Gò Công. Kiến họ Phan là con cháu của ông hiện ở tại ấp Bình Ninh, xã Bình Phục Nhứt.

Phần mộ của ông cùng hai người vợ và người con út hiện tọa lạc tại ấp Bình Ninh, xã Bình Phục Nhứt. Ngày cúng giỗ ông Dõng nhằm vào rằm tháng 3 âm lịch do anh Phan Văn Bửu (ấp Bình Ninh) là người cháu của ông tổ chức.

Tiểu sử và giai thoại về cái chết của vị tướng này được lưu truyền qua lời kể của ông Phan Văn Sáu (73 tuổi, ấp Bình Ninh, xã Bình Phục Nhứt), cũng là người cháu của ông. Thân phụ của ông Dõng tên là Phan Văn Hèn cùng hai người em là Phan Văn Bích, Phan Văn Hạ gốc ở Huế, vào Nam khai khẩn đất đai. Hai người em lập nghiệp ở vùng Đồng Tháp Mười, còn ông Hèn thì lấy vợ, khai khẩn đất đai ở làng Bình Trị (nay là ấp Bình Ninh, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo).

Vợ chồng ông hiền lành, làm ăn chăm chỉ nên khai khẩn được nhiều ruộng đất và sinh được 3 người con, trong đó ông Dõng là con trưởng. Tương truyền ông có tướng vóc, tài trí hơn người và thường xuyên luyện tập võ nghệ. Nghe Trương Định quyết định ở lại Gò Công kháng Pháp, ông liền đến đầu quân và trở thành một trong những tùy tướng thân cận. Vợ chồng ông có 6 người con, trong đó có ông Phan Văn Thơ là “ông sơ” của ông Phan Văn Bửu - người thờ cúng vị tướng hiện nay.

Ngày 20-8-1864, tên Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp đem binh lính đến bao vây chủ tướng tại ao Dinh (Gia Thuận, Gò Công Đông), Trương Định tuẫn tiết. Ông Dõng trở về quê nhà chiêu tập nghĩa sĩ, lập căn cứ, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp. Để có danh nghĩa và uy tín tập hợp, chỉ huy nghĩa quân, ông tự xưng là Phó Lãnh binh và được nhân dân quen gọi là Phó Lãnh binh Dõng.

Trong một lần bị giặc bao vây ở làng Hòa Bình (nay thuộc xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo), ông định thoát vòng vây bằng miếng võ roi gia truyền nhưng vì phải cặp nách người em vợ là đầu bếp riêng (vì sợ đầu độc) nên ông bị bắn trọng thương và đưa về giam ở khám đường Gò Công. Bọn cai ngục vừa giở trò mua chuộc, dụ dỗ, vừa tra tấn hết sức dã man nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết, thà chết chứ không cam chịu làm tay sai cho kẻ thù ngoại bang.

Cuối cùng, giặc Pháp nghĩ ra cách bắt vợ ông bồng người con là ông Phan Văn Lân (lúc này chỉ mới 6 tuổi) đến gặp ông hòng lung lạc ý chí. Khi lính áp giải ông ra gặp mặt, ông không nhìn mặt. Vợ ông nhờ người em rể vào hỏi thăm di nguyện cuối cùng thì ông trả lời: “Sống làm tướng, thác làm thần!”. Nén đau trong lòng, vợ ông trở về gom góp tiền bạc trở xuống lén “đút lót” Ban Giám sát hành quyết để đao phủ chém ông theo kiểu “treo ngành” (tức là chém chết mà không đứt rời đầu).

Ngày hành quyết ông, trời Gò Công u ám như thương tiếc người anh hùng. Cai ngục dọn mâm rượu thịt để ông ăn trước khi chém thì ông đạp đổ… Vợ ông về nhà bán hai mẫu ruộng ở gần Gò ông Hùm để xuống lo lót, xin chở xác chồng về chôn. Mộ ông hiện tọa lạc tại ấp Bình Ninh, xã Bình Phục Nhứt, được xây bằng đá ong kiên cố cho đến ngày nay và chưa hề trùng tu lần nào.

Liên quan đến Gò Hùm (ấp Bình Ninh, xã Bình Phục Nhứt) còn có giai thoại kể về người con thứ của ông Phan Văn Dõng là Phan Văn Ngọ (ông nội của bà Phan Thị Khéo) đã một mình đánh thắng tướng cướp Bảy Búa (sử dụng 7 cái búa làm vũ khí khi đi cướp) đóng cứ ở Gò Xương Rồng, thường xuyên kéo lâu la vào nhà dân để “mượn gạo nuôi binh”.

Bất bình, ông Ngọ (lúc bấy giờ chỉ 21 tuổi) đã ra mặt và đơn thân đấu với tướng cướp Bảy Búa. Bằng món võ roi gia truyền, ông Ngọ đã lần lượt đánh thắng tướng cướp nhưng hào hiệp không bắt y mà còn cho nhặt búa, tha chết với lời khuyên đừng cướp bóc dân lành nữa.

Tuy nhiên, sau đó tướng cướp Bảy Búa không cải tà quy chánh mà còn ngạo nghễ tuyên bố sẽ “thách đấu để phục thù” vì chưa “tâm phục khẩu phục”. Đêm đến, ông Ngọ đơn thân đột kích vào chỗ y đóng cứ, bắt sống, cặp nách nhảy ra ngoài và ném vào Gò Hùm. Không biết tên tướng cướp có bị cọp ăn hay không hoặc được lâu la giải cứu nhưng từ đó băng cướp giải nghệ.

THĂNG TRẦM NGÔI ĐÌNH THỜ VỊ TƯỚNG TRUNG NGHĨA

Ngưỡng phục và kính thương tinh thần trượng nghĩa, trung hiếu của người anh hùng nông dân đã ngã xuống vì đại nghĩa, người dân ở thôn Bình Trị (nay là Bình Phục Nhứt) đã góp tiền xây một ngôi đình để thờ ông và phong làm thần.

Ngôi đình được xây dựng kiên cố trên diện tích gần 3.000m2, nền bằng đá xanh, cột bằng gỗ lim. Theo lưu truyền, ngôi đình thần này có sắc phong của triều đình, nhưng do chiến tranh, nay đã thất lạc.

Bà Phan Thị Khéo (90 tuổi, nay đã mất), kêu ông Phan Văn Dõng bằng ông cố có kể, hàng năm đến lệ giỗ ông vào rằm tháng 3 âm lịch cả làng tập trung lại ngôi đình mổ heo, nấu xôi cúng linh đình 3 ngày.

Năm 1946, Pháp đưa quân về Chợ Gạo và chiếm đóng đình Bình Trị làm nơi trú quân. Đến năm 1947, lực lượng cách mạng lúc bấy giờ đã tiến hành phục kích quân Pháp làm chúng hoảng sợ, rút lui trước khi đốt cháy ngôi đình.

Bà Nguyễn Thị Phụng (71 tuổi, ngụ ấp Bình Qưới, xã Bình Phục Nhứt), là cơ sở cách mạng, kể lại: “Lúc đó nhà tui ở gần ngôi đình nên thấy rõ ngọn lửa thiêu rụi ngôi đình, má tui gánh chạy đi tránh. Sau này (năm 1954), ông Ba Biếu - ông từ giữ ngôi đình cũ đã gom góp tiền để cất lại bằng lá dừa nước để thờ cúng hàng năm.

Năm ngoái, một vài người cháu của ông Phan Văn Dõng đã bỏ tiền ra xây cất lại ngôi đình với mái lợp tole, vách tường nhưng sau đó bị hỏa hoạn, bị ăn trộm đột nhập (ông từ giữ đình đã già nên không ở đây nữa) lấy cắp bộ lư đồng, chiêng… Ngôi đình hiện nay cũng được cất tạm trên nền ngôi đình xưa nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Phan Văn Mầu (ấp Bình Qưới, xã Bình Phục Nhứt) cháu của ông Phan Văn Dõng, là người hiện đang trông coi ngôi đình và lo chuyện thờ cúng hàng năm, ao ước: Kiến họ Phan chúng tôi mong mỏi chính quyền xã, huyện có chủ trương và ủng hộ việc trùng tu ngôi đình thờ vị tướng trung nghĩa.

Ông Bùi Văn Nâu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bình Phục Nhứt, khẳng định: Do điều kiện kinh tế khó khăn nên việc trùng tu và phục dựng ngôi đình thờ tướng Phan Văn Dõng khó thực hiện được. Việc trùng tu, phục dựng ngôi đình sẽ là việc làm hết sức có ý nghĩa trong việc góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau; đồng thời góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng, nhất là đối với xã văn hóa Bình Phục Nhứt.

NGUYỄN HỮU

.
.
.