Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X)
Ngày 11-4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.
Hội nghị diễn ra tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: K.T |
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết: Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích phân tích, đánh giá sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2008 - 2013.
Tại Hội nghị, các đại biểu trình bày tham luận, cùng trao đổi, đánh giá để làm rõ những kết quả đạt được, những mặt hạn chế cần khắc phục. Qua đó, rút ra các bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ về quản lý Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật và thực hiện thành công những mục tiêu Nghị quyết 23 đã đặt ra.
Năm 2008, Nghị quyết 23-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành đã thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, là nguồn động viên đối với văn nghệ sĩ, cùng các ngành, các cấp và cộng đồng để phát triển văn học, nghệ thuật. Nghị quyết 23 đề ra các chủ trương, quan điểm mang tính đột phá nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt, khẳng định vai trò của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Nghị quyết đã chỉ đạo các ngành, các cấp trong việc nâng cao nhận thức, quan tâm hơn nữa tới văn học, nghệ thuật, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phát triển nguồn nhân lực... tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ được sáng tác, thể hiện khả năng của mình phục vụ cho đất nước, cho nhân dân; nâng cao mức hưởng thụ văn học, nghệ thuật của mọi người dân, thực hiện chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần đưa đất nước hội nhập mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Hội nghị diễn ra tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: K.T |
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, đã đạt được một số kết quả nổi bật: Hoàn thành các đề án do Ban Tuyên giáo Trung ương phân công, xây dựng danh mục các đề án cụ thể và phân công tới các cơ quan, đơn vị xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật triển khai Nghị quyết.
Công tác xây dựng pháp luật đạt thành tích tốt với 03 dự án luật đã hoàn thành, trình Quốc hội thông qua. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ được ban hành, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Một số đề xuất, chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa kịp thời động viên văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật như: Bổ sung 30 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, địa phương trong năm 2010;
Điều chỉnh tăng kinh phí giải thưởng văn học, nghệ thuật hàng năm, trước hết là năm 2010 cho Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương; bố trí 425 tỷ đồng trong giai đoạn 2011 - 2015 để hỗ trợ sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí.
Nhờ vậy, lĩnh vực văn học, nghệ thuật về cơ bản có những chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn học, nghệ thuật có tính chuyên nghiệp hơn, có bước phát triển mới, số lượng tác phẩm có giá trị đạt giải thưởng khu vực, quốc gia tăng lên đáng kể.
Công tác lý luận, phê bình có chuyển biến tích cực, hoạt động phổ biến, sáng tác tác phẩm đa dạng, phong phú. Các hoạt động phong trào có bước phát triển sâu rộng, thu hút ngày càng đông các nghệ sĩ, tầng lớp nhân dân tham gia, phục vụ có hiệu quả các sự kiện chính trị, góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ của nhân dân.
Trong 5 năm qua, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, cũng đã có sự đổi mới trong tổ chức và dàn dựng tác phẩm, chất lượng nghệ thuật được nâng lên, gắn kết chặt chẽ, phục vụ hiệu quả chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Một số chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật lớn tạo được ấn tượng tốt trong nhân dân. Mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được cải thiện một bước. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được đẩy mạnh. Ngày càng có nhiều tổ chức xã hội và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị văn học, nghệ thuật.
Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa về lĩnh vực văn học, nghệ thuật được triển khai tích cực. Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước đối với các Hội văn học, nghệ thuật đã có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ hơn. Ý thức pháp luật và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đã có những chuyển biến nhất định.
Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực bản quyền tác giả được tập trung triển khai thực hiện. Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng được đẩy mạnh. Nhiều văn bản hiệp định, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phát triển văn hóa, văn nghệ được ký kết và triển khai thực hiện.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã dành thời gian để trao đổi, thảo luận, đóng góp các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 23-NQ/TW trong giai đoạn tiếp theo. Sau Hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổng hợp kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, trình Thủ tướng Chính phủ và các ban, ngành liên quan các giải pháp thực hiện để phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
(Theo dangcongsan.vn)