Về Vàm Láng, xem lễ hội Nghinh Ông
Hàng năm, vào dịp mùng 9 và mùng 10 tháng 3 âm lịch, chính quyền và nhân dân các xã vùng biển Gò Công đều tổ chức lễ hội Nghinh Ông, đây cũng được xem là lễ hội truyền thống ngành Ngư nghiệp. Đối với ngư dân, đây là một tập tục truyền thống cầu ngư: cầu cho biển lặng gió hòa, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt, an khang.
Lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân. |
Lễ hội Nghinh Ông là loại lễ hội nước lớn nhất của ngư dân, mang đậm tính truyền thống, tín ngưỡng của cư dân vùng biển. Có nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá "Ông", lễ cúng "Ông", lễ nghinh "Ông", lễ nghinh ông Thủy tướng, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá "Ông" là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương nói trên
Thông thường lễ hội Nghinh Ông có lễ rước và lễ tế truyền thống. Lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Dọc theo đường rước, ngư dân sống trên biển và bà con bày lễ vật nghênh đón, khói nhang nghi ngút.
Cùng với thuyền rồng rước thủy tướng, có hàng trăm ghe lớn nhỏ, trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ tháp tùng ra biển nghinh Ông. Trước mũi ghe là hương án và mâm lễ vật. Trên các ghe lớn nhỏ này có chở hàng ngàn khách và bà con tham dự đoàn rước. Đoàn rước quay về bến nơi xuất phát, rước Ông về lăng ông Thủy tướng (nếu có ở địa phương đó). Tại bến một đoàn múa lân, sư tử, rồng đã đợi sẵn để đón Ông về lăng.
Lễ tế diễn ra trang trọng sau lễ rước với nghi thức cổ truyền. Các lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội diễn ra tại lăng ông Thủy tướng.
Lễ rước Ông về lăng Ông Nam Hải. |
Tại thị trấn Vàm Láng, lễ hội Nghinh Ông còn gắn liền với truyền thuyết của việc vua ban sắc phong cho cá Ông. Người dân địa phương còn tương truyền rằng, Vàm Láng là nơi Chúa Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng lâm nạn trên biển, được cá Ông hộ tống, đưa vào bờ. Vì thế khi lên ngôi, vua Gia Long sắc phong cho loài cá Ông chức “Nam Hải Đại Tướng quân”.
Hiện nay, ở ấp Lăng của thị trấn Vàm Láng có Lăng Ông, được xây dựng mới vào năm 1922 (trước đây là miễu thờ thủy thần) cùng sắc phong của Vua ban cùng bộ hài cốt của cá Ông sau khi “lụy” vào những năm của thế kỷ XIX, dạt vào bờ được ngư dân thờ cúng. Vào ngày 9 tháng 3 âm lịch hàng năm, chính quyền và ngư dân xã Vàm Láng đều tổ chức lễ hội Nghinh Ông rất long trọng cùng nhiều hoạt động vui chơi văn hóa truyền thống của vùng biển.
Từ 7 giờ sáng đến 18 giờ ngày mùng 9-3 âm lịch, tại Lăng Ông Nam Hải tọa lạc khu phố Lăng 1, thị trấn Vàm Láng đã diễn ra với nghi thức thỉnh Sắc thần tại Đình thần xã Kiểng Phước, các lễ cúng tiên sư, thỉnh cổ bánh, thỉnh vong trên bộ, thỉnh vong lạc thủy, lễ ra giàn thí cúng cầu an.
Sáng ngày mùng 10-3 âm lịch là ngày chính lễ được diễn ra, từ 9 giờ sáng hàng chục nghe tàu với các lễ vật như: Heo quay, xôi, bánh, trái cây..., chở từng đoàn người nối đuôi nhau tiến ra biển làm lễ "cúng tế Ông".
Trò chơi lội nước bắt vịt. |
Bên cạnh đó, Ban Văn hóa thông tin xã tổ chức các trò chơi dân gian như: Kéo co, đua xe đạp chậm, đá bóng, hát bội diễn ra đến khoảng 2 giờ sáng ngày hôm sau. Cùng thời gian là hoạt động thể thao sôi nổi như: bắt vịt, đua thuyền, leo cột mỡ... đã tạo không khí ngày hội truyền thống ngành ngư nghiệp xã Vàm Láng vui tươi và náo nhiệt.
Trong những ngày lễ hội, các ghe tàu đánh bắt gần vùng biển này đều cập vào cảng Vàm Láng để cúng lễ. Người địa phương đi làm ăn xa và nhân dân các nơi cũng hội tụ về đây thăm viếng và vui chơi lễ rất đông.
Lễ hội Nghinh Ông mang giá trị nhân văn sâu sắc góp phần nâng cao nhận thức thể hiện cách ứng xử văn hóa của ngư dân trước biển cả, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phối hợp đánh bắt, phòng chống thiên tai, cứu nạn trên biển.
NGUYỄN HOÀNG