3 “bảo tàng sống” của hò cấy Gò Công
Đó là 3 nghệ nhân cùng ngụ xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây: Cụ ông Nguyễn Văn Thành (75 tuổi, ngụ ấp Hưng Hòa), cụ bà Mai Thị Tiềm (79 tuổi) và cụ bà Huỳnh Thị Thắm (76 tuổi), cùng ngụ ấp Thới An B.
3 nghệ nhân này được nhiều người biết đến như là “nghệ sĩ” trên những cánh đồng lúa với những câu hò giao duyên, làm cho không khí lao động càng thêm rộn rã, góp phần xua tan những mệt nhọc đời thường. Đó là những câu hò theo kiểu “tức cảnh sinh tình” bằng cảm xúc, ngẫu hứng và sự nhạy bén của mỗi người, không theo một khuôn mẫu nào. Bởi vậy có nghệ nhân đã từng nói “các câu hò được sinh ra từ gốc lúa”.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành, Mai Thị Tiềm và Huỳnh Thị Thắm (từ trái qua). |
Mặc dù có người là chủ đất, có người là công cấy, nhưng chính sự tâm huyết và tình yêu với nghệ thuật dân gian đã làm cho 3 người hàng xóm này luôn gắn bó, thường xuyên trao đổi và cùng nhau lưu giữ những câu hò quý giá của vùng Gò Công cho đến ngày nay. Hò cấy Gò Công không giống các điệu hò khác, mà mang một nét đặc trưng rất riêng, không đâu có được. Ta hãy hình dung họ cất lên những câu hò đối đáp đã sưu tầm được ở xã Long Vĩnh.
Câu 1
Nam: Bởi là vầy chứ bớ mà em…
Nữ: Ủa sao…kìa…
Nam: Bởi là vầy em ơi ở trển anh xuống tới đây, đường xa xứ lạ anh biết lòng dạ em thế nào, duyên gặp duyên anh đây muốn kết, ở…ờ…
Nữ: Biểu dạng huê chầu…
Nam: Vậy chớ anh sợ em có chốn phòng nào mà anh không hay… đó bớ mà em.
Câu 2
Nữ: Bởi là vầy chứ bớ mà anh…
Nữ: Ủa sao…kìa…
Nữ: Bởi là vầy anh ơi đường đi lên trơn trợt, đường đi xuống gió mát lạnh, thương anh em giăng tay nối sợi chỉ hường, dẫu không đặng bạn ở…ờ…
Nữ: Biểu dạng huê chầu…
Nữ: Vậy chớ em cũng để đường anh xuống lên… đó bớ mà anh.
Theo thời gian việc cấy lúa đã dần thay thế bằng những phương pháp mới. Chính vì thế “đất sống” của hò cấy cũng dần bị thu hẹp, chủ yếu được lưu giữ trong tâm thức của những nông dân cốt cựu như 3 “nghệ sĩ” kể trên. Và chính họ như “bảo tàng sống” vẫn còn thuộc rất nhiều câu hò, có thể cùng nhau hò hàng giờ đồng hồ mà không biết chán.
Tuy nhiên, ai cũng trăn trở một điều rằng, loại hình này liệu sẽ được bảo tồn và phát huy như thế nào khi nghề cấy lúa dần biến mất trên những cánh đồng Gò Công trong khi không có người để truyền lại. Đây cũng là nỗi trăn trở của những người tâm huyết với nghệ thuật dân gian của tỉnh nhà.
Cách đây khoảng 6 năm, 3 cụ được mời tham gia chương trình thể nghiệm các mô hình hoạt động tại Nhà văn hóa xã Yên Luông. Lần tham gia đó đã để lại trong 3 cụ một ấn tượng và mong có dịp lại được xuất hiện để giới thiệu về loại hình nghệ thuật này đến nhiều người.
Đầu năm nay, trong quá trình chuẩn bị chương trình tham gia Liên hoan Dân ca Việt Nam lần V - năm 2013, một vị lãnh đạo trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gợi ý chọn hò cấy Gò Công. Thế là 3 cụ được mời về cùng tham gia.
Thật khó có thể ngờ rằng, lần đầu tiên trình làng ở một sân chơi lớn, 3 cụ đã chinh phục được Hội đồng Nghệ thuật và khán giả với giải xuất sắc cho hò cấy Gò Công. Hội đồng Nghệ thuật thì đồng cảm bởi tính chất mộc mạc, chân phương, nhất là 3 cụ thể hiện bằng tâm huyết.
Với hò cấy Gò Công, việc bảo tồn bằng hình ảnh và những ghi chép được sưu tầm chỉ là khuôn mẫu; sức sống loại hình văn hóa dân gian này thật sự sống động qua “bảo tàng sống” từ những người đã từng một thời gắn bó với hò cấy mới thể hiện hết nét đặc trưng và tâm hồn của hò cấy Gò Công.
VĂN NGHỆ