Thế võ cuối cùng
Trong khí thế sục sôi của Nam bộ kháng chiến, thì tại vàm Bảo Định ghe thuyền của dân thương hồ tứ xứ vẫn đổ về tấp nập. Trong số đó có một người tuổi khoảng 60, dáng roi roi, nhanh nhẹn, làn da rắn chắc gió sương. Người này để râu mép và râu cằm, thế cho nên ai gặp cũng tôn ông ta lên hàng lão với dáng vẻ quắc thước. Lão vận áo bà ba, quần đáy nem nên không giấu được dáng quê mùa.
Minh họa: LÊ DUY |
Không ai để ý đến lão, biết lão. Duy có mụ Tám, chủ quán rượu xập xệ bên kia Cầu Quây thoạt gặp lão đã nhận ra ngay. Mụ mừng rỡ, vừa thân tình, vừa tôn kính:
- Trần sư phụ! Lâu rồi không gặp! May mắn quá!
Mụ nhìn quanh rồi nói vừa đủ nghe:
- Hôm nay mời sư phụ đến tệ quán dùng chén rượu, chẳng hay ý sư phụ thế nào?
Là người tinh ý, Trần sư phụ đoán biết mụ Tám có gì đó muốn nói với mình. Ông đáp nhỏ:
- Tôi cũng định đến thăm bà đây!
Trần sư phụ trầm tư hớp ngụm rượu suông trong lúc mụ Tám oang oang phía sau nhà:
- Trần sư phụ đợi chút nhé. Món cánh gà chiên nầy là món hợp khẩu vị của Trần sư phụ đây. Trông Trần sư phụ có vẻ gầy gò hơn trước, cần phải tẩm bổ thêm mới được!
Trần sư phụ lặng lẽ nhếch môi cười, vừa cảm thương vừa cảm thông cho người đàn bà tốt bụng mà có tật nói nhiều. Lát sau mụ Tám bưng một mâm ăm ắp vài món, nghi ngút khói. Trần sư phụ ái ngại:
- Bà làm chi hao tốn vậy. Tôi có xứng đáng cho bà tiếp đãi nồng hậu như thế nầy không?
Mụ Tám liếc mắt, hờn dỗi:
- Sao lại không xứng đáng! Hơn nữa, hôm nay tôi sẽ đối ẩm cùng sư phụ để bù lại những ngày xa cách không gặp Trần sư phụ khí phách, vũ dũng!
Trần sư phụ nhếch môi:
- Nếu bà nói “hữu dõng vô mưu, vô trí” thì tôi đỡ thẹn hơn.
- Sư phụ đừng nói vậy mà! Người ta nói: “Họa hổ họa bì nan họa cốt”, ai mà đo được lòng người!
Mụ Tám nhỏ giọng:
- Võ công sư phụ siêu phàm, nên có một đồ đệ thiên hạ vô địch. Cũng nhờ võ công sư phụ truyền cho mà từ một tên đội quèn, một bước đã được thăng lên Cai Tổng và được sự tin cậy tuyệt đối của nhà nước Phú Lang Sa.
Trần sư phụ buồn rầu:
- Tôi biết hết rồi bà à. Tôi thật đau xót!…
Hai người im lặng. Mụ Tám có vẻ như ân hận vì trót lỡ lời, còn Trần sư phụ thì miên man nghĩ về đứa học trò thương yêu mà mình đã tận tâm tận lực đào luyện. Ông cứ ngỡ nó sẽ đem sở học của mình mà cứu khổn phò nguy, giúp ích cho làng cho nước như lời thề trước linh vị của đấng tổ sư; nào ngờ nó lại đem sở học ấy mà làm tay sai cho quân cướp nước, đàn áp, bắt bớ những người đã xả thân cho dân tộc, quê hương.
Mụ Tám châm rượu cho Trần sư phụ, rồi tự mình cạn một chén, giọng cứng cỏi, dứt khoát:
- Hay là sư phụ trừng trị đứa phản đồ ấy là xong chuyện!
Trần sư phụ trân trân nhìn mụ Tám. Trước mặt ông giờ không phải là mụ hàng quán đa sự, mà là một người kiên quyết khác thường. Mụ bậm môi:
- Tôi sẽ dụ hắn đến đây uống rượu, rồi Trần sư phụ cho hắn một chiêu là xong.
Trần sư phụ cười buồn:
- Bao nhiêu sở học trong người tôi đã truyền hết cho nó. Trước kia tôi còn linh lợi, song đấu với nó chưa chắc chiếm phần thắng, huống chi nay gân cốt không còn nữa.
Mụ Tám lắc đầu thất vọng trách:
- Mèo dạy cọp còn chừa thế leo cây, sao sư phụ lại khù khờ đến thế!
- Nếu mọi người đều dạy học trò mình mà chừa lại một ngón nghề thì chỉ vài thế hệ sau, môn phái ấy chỉ còn là hư danh mà thôi.
Mụ Tám nhìn quanh rồi thì thào bên tai Trần sư phụ:
- Hay là… tôi cho thuốc độc vào rượu của hắn.
- Bà không sợ quán bà tan nát và bản thân bà cũng khó thoát tội chết hay sao?
Mụ Tám cười mũi:
- Hứ! Thoát cái thân nô lệ nhục nhằn nầy mới là đáng kể, chứ có sá gì cái mái lá xiêu vẹo nầy.
Trần sư phụ vụt cười lớn:
- Hay cho lời nói của nữ lưu hào kiệt, nghe như cởi mở tấm lòng. Trong đời tôi có một hồng nhan tri kỉ như em thì cuộc sống nầy không vô nghĩa nữa rồi!
Bèn rót tràn rượu:
- Kính em một chén!
Nói xong uống cạn. Mụ Tám chúm chím cười. Hai má người đàn bà luống tuổi ửng hồng lên. Rượu luôn tràn chén như nụ cười không tắt trên đôi môi đẹp như hoa nở trọn về chiều:
- Uống đi Trần sư phụ! Không, Trần huynh! Mọi việc sẽ liệu sau.
Ngoài trời mưa chưa dứt hột. Trong quán, rượu cạn lại châm đầy. Hai khách giang hồ chén thù chén tạc rôm rả tiếng lại lời qua. Đến xế chiều, Trần sư phụ cáo biệt:
- Ta có hẹn rồi. Cám ơn hiền muội buổi tiệc hôm nay!
Mụ Tám có vẻ không hài lòng:
- Trần huynh lại khách khí nữa rồi. Từ đây muội không muốn nghe tiếng “cám ơn” xa lạ đó nữa!
Rồi nhìn ra ngoài, đoạn rời ghế, ái ngại tiếp:
- Muội không dám làm lỡ công việc của huynh, nhưng trời chưa dứt hột, huynh lấy cây dù nầy che đỡ.
Ra khỏi quán không xa, Trần sư phụ bỗng khựng lại vì tiếng nói chói vào tai:
- Sư phụ. Đệ tử chờ thầy đã lâu!
Trần sư phụ quay lại. Trước mặt ông là một thanh niên vạm vỡ. Hắn ở trần, mặc quần đùi, khoe những bắp thịt cuồn cuộn từ ngực tới bắp chân. Trên vai hắn vác một thanh đao sáng loáng. Trần sư phụ cả giận, trợn mắt nhìn đứa phản đồ:
- Ai là sư phụ của ngươi?
Hắn cười to:
- Sư phụ không nhìn cũng chẳng sao! Vậy Hoàng Nhất Đao nầy cũng không dám làm mất thì giờ của sư phụ nữa: Rằng, từ xưa đến nay các vị võ sư khi truyền nghề cho đồ đệ, họ luôn chừa trong người một chiêu bí hiểm để phòng thân. Mà Hoàng Nhất Đao nầy lại không muốn có kẻ hơn mình. Bởi vậy nay nó muốn sư phụ truyền lại cho nó chiêu cuối cùng để nó nở mặt nở mày với thiên hạ và Trần môn phái cũng có chút thơm lây!
- Hừ! Rõ là giọng điệu của phường vô lại. Nếu ta không theo ý ngươi thì sao?
Hoàng Nhất Đao hạ thanh đao trước mặt mình, thổi phù phù từ lưỡi đến chuôi:
- Đồ đệ ngu dốt nên đành phải hỏi ý kiến của bảo đao nầy!
Trần sư phụ thừa biết, nếu theo hay không theo lời yêu cầu của tên phản đồ thì sinh mạng ông hôm nay cũng phải kết liễu dưới tay hắn tại đây. Nhưng khổ nỗi, vì kỳ vọng vào hắn mà bao tinh hoa võ học của môn phái ông đã truyền sạch cho hắn. Giờ nầy, trước hắn, ông chưa phải là đối thủ nữa là. Nhớ lời mụ Tám: “ Mèo dạy hổ còn chừa thế leo cây” mà ông tự giận cho mình. Trong lúc tấn thối lưỡng nan, chợt ông nghiêm nghị bảo:
- Mi quả là đứa thông minh. Nhưng nếu ta truyền cho ngươi thì ngươi phải hứa từ nay ngươi phải để cho ta yên.
Hoàng Nhất Đao cười lớn:
- Ta hứa. Ta hứa sẽ không bao giờ cho ông còn dịp bận tâm nữa. Ha ha...
Trần sư phụ nén giận vì câu “không bao giờ còn dịp bận tâm” đầy ác ý. Ông cười gằn:
- Mi là kẻ tráo mồm tráo miệng. Mi không thề, ta không tin.
- Lắm chuyện. Thề bằng cách nào?
Trần sư phụ thư thả xếp dù lại:
- Ngươi chặt cây dù mà thề rằng, nếu ngươi nuốt lời, ngươi sẽ như cây dù nầy. Và sau đó ta và ngươi không ai nợ ai.
Tên phản đồ hơi bất bình, lớn tiếng:
- Trẻ con. Đặt dù xuống mau.
Dù vừa đặt xuống, bảo đao vung lên. “Phập!”. Dù đứt ngọt. Liền sau đó tên phản đồ “Á” một tiếng đau đớn. Bảo đao rớt “choảng”. Hai tay hắn ôm bụng, máu từ đấy phụt ra có vòi, bắn ướt cả áo Trần sư phụ. Thì ra, lúc lưỡi đao vừa “phập” xuống, nhanh như chớp Trần sư phụ đã thuận tay cầm cán dù đâm vào bụng hắn. Hàng chục “kèo dù” bị tiện đứt ngọt, nhọn như những mũi tên xuyên suốt thấu qua lưng hắn. Hắn nhăn nhó chỉ vào Trần sư phụ:
- Ngươi… ngươi… sử dụng chiêu gì thế?
Trần sư phụ chưa kịp trả lời, thì tiếng mụ Tám đay nghiến bên sau:
- Là chiêu “ĐỒ ĐỆ PHẢN SƯ” (trò phản thầy) đó!
Hoàng Nhất Đao căm hận nhìn hai người. Máu từ họng hắn trào ra, ngã phịch xuống.
Trần sư phụ nhìn mụ Tám với tay nải trên lưng hỏi:
- Sao hiền muội lại đến đây?
- Giờ mà còn hỏi câu ấy để chờ bọn mã tà tới hay sao. Hãy theo em, rồi vội kéo tay Trần sư phụ, hai người cùng chạy về hướng Cầu Vĩ, mất hút sau mấy lùm cây.
KHA TIỆM LY