Gia đình nghệ sĩ Năm Đang: Nghiệp cầm ca lưu truyền và ngân xa
Nghệ sĩ Năm Đang có nghệ danh Xuân Mai - Đặng Thị Ngọc Mai, sinh năm 1940, ở khu phố I, thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy. Ở tuổi xế chiều, ông bà vẫn không quên nhân duyên qua nghiệp cầm ca và càng vui vầy hơn khi nhìn con, cháu nối nghiệp, sống với nghề.
Từ trái sang phải: Yến Hồng, Thím Năm Đang, Kỳ Nam, Yến Chi và Hải Sơn (cháu ngoại). |
DUYÊN NGHIỆP ĐÀN CA
Cùng là dân nghệ sĩ nên dễ thân tình. Nghe người nghệ sĩ già trầm ngâm một chút rồi cất giọng theo tiếng đàn Organ của Yến Hồng mà lòng bay bổng. Thím Năm lên vọng cổ và xuống hò ngọt xớt. Sau đó thím nhấp miếng nước rồi đưa chúng trở về miền ký ức: “Thím sinh ra từ đất võ nên thuộc lòng thơ Nguyễn Công Trứ “…Bất giá thú Bình Định thê/ Bất đả kê Tuy Hòa xứ…” , hơn 10 tuổi theo cha nuôi về sống ở Vĩnh Long.
Ông mê ca hát nên dựng sẵn sân khấu cho những gánh hát nhỏ về hát. 15 tuổi thím đã được lên sân khấu ca những bài bản ngắn trước khi tuồng hát mở màn. Năm 18 tuổi thím được Đoàn Văn Sách - Kim Quyên thu nhận, sau đó qua Đoàn Nam Đương - Ánh Nguyệt, Ngọc Kiều - Thanh Hiệp…”. Ấn tượng trong lòng Nghệ sĩ Xuân Mai (nghệ danh của thím Năm) là vai diễn Ngọc Kiều trong vở “Màu tím đèn hoa giấy”.
Trong 5 năm ca hát ấy, thím gặp chú Năm Đang (kép chánh Hoàng Đang) như một định mệnh nợ duyên, để rồi họ liên kết lại thành lập đoàn và đi hát quảng cáo. Chú biết đàn ca, lại làm bầu giỏi; thím ca, diễn tốt. Tình nghệ sĩ, tình chồng vợ, họ lần lượt cho ra đời một thế hệ tương lai mà khi kể lại, thím bảo: “Dù có nghèo nhưng vẫn cảm thấy vui và tự hào!”.
Yến Chi (Lê Thị Kim Chi, sinh năm 1964) là con gái đầu lòng thừa hưởng “máu văn nghệ” của mẹ. Chị lớn lên trong phong trào văn nghệ quần chúng của Cai Lậy vào đầu thập niên 80 của thế kỷ XX. Năm 17 tuổi, Yến Chi được biết đến với 2 bài hát vọng cổ “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” và “Hoa mua trắng”.
Sau đó chị được Đội Tuyên văn tỉnh Tiền Giang tuyển về biểu diễn phục vụ vùng sâu và chuẩn bị tham gia hội diễn cấp quân khu thì ông bầu của Đoàn Tháp Mười A đã năn nỉ chị về diễn cho đoàn. Lúc đó cải lương cũng còn sống được nên Yến Chi theo đoàn.
Sau đó chị về Đoàn Cải lương nhân dân Tiền Giang (nguyên là Đoàn Tiền Giang 1) rồi qua Sông Hậu, Hậu Giang, An Giang… đi diễn khắp miền Nam và cả miền Trung, đóng cặp với Tấn Tài, Minh Cảnh... trong các vở tuồng: Đêm lạnh chùa hoang, Tâm sự loài chim biển, Mùa thu trên Bạch Mã sơn…
Sau đó Yến Chi trở về Đoàn Tiền Giang, tham gia Hội diễn Cải lương chuyên nghiệp khu vực ĐBSCL và đã đoạt giải xuất sắc với vai công chúa Tuyết Vân (vở Sa phu đi sứ). Trong những năm tháng miệt mài trên sân khấu, cô đào chính phải lòng anh đàn cổ khá nổi tiếng lúc bấy giờ là nhạc công guitar Duy Hoàng.
Sau khi có con, cũng là lúc cải lương xuống dốc, Yến Chi giã từ sân khấu về chăm sóc gia đình. Chị nói: “Người mang ước ao cháy bỏng được làm đào cải lương không phải là chị mà là Kim Hoa (sinh năm 1969) em gái chị. Còn chị, đến với sân khấu là điều bất ngờ!”.
Yến Hồng và đồng sự cùng Thanh Bạch diễn ở Phnôm Pênh năm 2012. |
Thím Năm nhìn Kim Hoa một cách trìu mến rồi tiếp lời: “Tội nghiệp con Hoa, nó ham diễn cải lương lắm, mới 13 tuổi đã gom một nhóm trẻ của khu phố I (Thị Trấn Cai Lậy) tập tuồng rồi hát bán vé cho trẻ em xem. Các chú quản lý khu phố thấy vậy đã làm sân khấu cho các cháu hát”.
Kim Hoa chia sẻ: “Em xem tuồng trên ti vi như: Nhụy Kiều tướng quân, Tấm Cám, Phạm Công - Cúc Hoa… rồi bắt chước; còn trang phục thì lấy khăn, áo dài, cắt giấy dán vào cho giống để diễn. Hồi khánh thành UBND Thị trấn Cai Lậy, các chú có mời tụi em đến hát, thật vinh dự!”. Kim Hoa không có nợ duyên sân khấu nên khi lớn một chút đã tất bật với việc học hành và mưu sinh; nhóm “Đồng ấu” của chị tan rã. Bây giờ nhớ lại kỷ niệm, Kim Hoa bùi ngùi.
GẶP LẠI “BÉ” HỒNG NGÀY ẤY VÀ THẾ HỆ TƯƠNG LAI
Yến Hồng. |
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Lê Thị Kim Hồng (sinh năm 1974) nghệ danh Yến Hồng được phát hiện như một “thần đồng” về ca cổ. Thấy con gái hát tốt, thím Năm đàn bằng miệng để dạy Hồng ca. Với tài năng và giọng ca thiên phú, bé Hồng xuất hiện trên sân khấu ca diễn đầy bản lĩnh.
Tham dự hội diễn từ huyện lên tỉnh rồi lên quân khu, toàn quân, Kim Hồng đều mang vinh quang về cho cá nhân và đồng đội với những giải thưởng xuất sắc nhất mà ngày xưa gọi là giải “A cộng”.
Ông Nguyễn Văn Lập (Sáu Lập), nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT nhắc về “Bé” Hồng với giọng hết sức trìu mến: “Mỗi lần đưa “Bé” Hồng tham gia hội diễn là tôi tin đoạt giải cao. Nó là con “nhà nòi” có năng khiếu tốt, được rèn luyện kỹ, lên sân khấu rất tự tin. Hồng đã mang về cho địa phương nhiều giải thưởng, ngày xưa gọi là A cộng, ngang với huy chương vàng bây giờ!…”.
Tác giả Liên Việt nhớ lại: “Hồi đó tôi là Đội trưởng Đội Thông tin lưu động huyện Cai Lậy, phát hiện Hồng lúc em 10 tuổi. Hồng là con nhà truyền thống cải lương, anh rể Hồng đàn rất hay. Tôi viết bài tam ca vọng cổ theo kiểu “đo ni, đóng giày” cho Kim Hồng hát vai học sinh tiễn thầy đi bộ đội thời chiến tranh Tây Nam.
Bài hát “Hai màu áo chung một ước mơ” của tôi đã liên tục đoạt giải tiết mục xuất sắc và giải sáng tác từ tỉnh đến quân khu cả trong hội diễn toàn quân; còn “Bé” Hồng thì đoạt giải diễn viên nhỏ tuổi xuất sắc nhất, đã tạo dấu ấn tốt đẹp cho Đoàn Quân khu 9 trong Hội diễn toàn quân vào năm 1985. Sau đó cô bé Hồng tiếp tục khẳng định mình qua nhiều lần hội thi hát đơn ca, độc tấu đàn. Không chỉ hát tốt, Hồng còn chơi tốt nhiều loại nhạc cụ. Hồng là một tài năng văn nghệ hiếm có!”.
Hồng kể: “Thấy người ta đánh trống, em học lóm và về đánh trên vách tol nhà mình. Sau đó khu phố sắm nhạc cụ, các chú kêu em vào nhóm nhạc. Em nhảy lên dàn trống và mặc sức tung hoành. Không những thích đánh trống mà em còn thích đàn. Ca thì mẹ dạy, còn đàn thì ba luôn khuyến khích. Em thích học đàn gì là ba kiếm tiền mua cho đàn đó và chỉ dạy thêm. Sau đó em làm nhạc công cho nhiều đoàn hát, vừa làm vừa học đàn, trống, thổi kèn… với nhiều thầy, nhưng thầy Duy Góc là người dạy em nhiều nhất!”.
Năm 20 tuổi nhờ người quen giới thiệu, em vào học lớp năng khiếu đàn Piano của Trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Học xong em lại làm nhạc công cho các đoàn ca nhạc, hát quảng cáo… Sau đó quay về Cai Lậy, gặp người bạn cũng đam mê ca hát là Ngọc Loan, hai người góp vốn mua dàn âm thanh, máy móc lập ra ban nhạc phục vụ đám tiệc Yến Loan.
Nhờ sử dụng được nhiều loại nhạc cụ, cộng thêm cách tổ chức khá chuyên nghiệp, ban nhạc Yến Loan lọt vào mắt của MC Thanh Bạch trong một lần tình cờ anh đi đám cưới. Từ đó Thanh Bạch mời Hồng cộng tác với mình trong những chương trình anh đứng ra tổ chức.
Hồng chơi được cả nhạc cụ tân và cổ nhạc nên Ban nhạc Yến Loan được mời cộng tác với nhiều chương trình văn nghệ có các ca sĩ nổi tiếng như: Kim Tử Long, Thùy Trang, Cẩm Vân, Cẩm Tiên, Chế Thanh, Phú Quý, Quyền Linh… Trong 5 năm, Hồng và Loan đã ăn nên làm ra, hiện Ban nhạc Yến Loan đã có 3 dàn âm thanh hiện đại, tự sắm xe riêng chuyên chở.
Em trai Hồng là Minh Tùng (sinh năm 1980), nghệ danh Kỳ Nam, được Hồng huấn luyện từ nhỏ nên đánh trống khá lành nghề, có thời gian Kỳ Nam làm nhạc công cho Đội Thông tin lưu động huyện Cai Lây. Bây giờ Nam học Organ và làm nhạc công cho nhóm nhạc Yến Loan, là nghề nuôi sống cả gia đình mà Kỳ Nam yêu thích.
Hai con trai của chị Yến Chi tuy còn trẻ nhưng được thừa hưởng tài năng của gia đình: Duy Hải sử dụng được khá nhiều loại nhạc cụ cổ: kèn, cò, độc huyền… và Hải Sơn giỏi đánh trống, đàn Organ.
Thím Năm Đang tâm sự: “Ngày xưa ông nội tụi nhỏ đàn độc huyền rất giỏi. Gia đình thím tuy không khá giả hơn ai, nhưng giàu lòng yêu nghề và con cháu biết kính trên nhường dưới, đó là điều làm thím an tâm và hãnh diện với đời. Vui nhất là mỗi lần phát hiện ra tài năng của con, cháu mình thì bằng mọi giá phải khuyến khích và đào tạo chúng theo nghề. Hàng năm gia đình thím vẫn tổ chức cúng tổ nghiệp để tỏ lòng yêu nghề!”.
NGỌC LỆ