Thứ Sáu, 26/07/2013, 12:25 (GMT+7)
.

Mẹ Tươi & ký ức về câu chuyện cứu chữa anh thương binh

Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng mẹ vẫn còn nhớ như chuyện vừa mới xảy ra. Đó là ký ức những ngày đầu tháng 5 năm 1970. Mẹ là Huỳnh Thị Tươi (Mười Tươi), sinh năm 1935, lớn lên trong một gia đình nông dân gốc cách mạng ở ấp Bình Hưng (Bình Phan, Chợ Gạo). Mẹ tham gia công tác ở cơ sở từ năm 1961, năm 1965 được chuyển ra hoạt động hợp pháp.

Mẹ kể: “…Tối mùng 7 tháng 5 trăng non treo lơ lửng ở đàng tây rồi lặn dần. Hôm ấy trời trong, không mưa. Suốt một ngày làm cỏ ngoài đồng về mệt, mẹ định đi ngủ sớm, nhưng từ lúc đồn bót địch đóng giăng giăng, cứ ra ngõ là gặp lính, cứ vài hôm lại nghe tin có đàng mình bị địch bắn hy sinh…, dường như thành thói quen, cứ nằm xuống là phải lắng nghe pháo nó bắn ở những đâu, súng nổ những đâu, nghĩ không biết bà con mình ở đó có sao không.

Nằm đó còn để trông nghe tiếng chân anh em du kích về công tác, nhưng khi nghe sột soạt ngoài hè lại sợ lính nó đi biệt kích…

Bỗng nghe ở xóm trên súng nổ rộ dữ quá, có cả tiếng lựu đạn, tiếng mìn nổ. Súng nổ rộ nhưng dứt nhanh. Mẹ lo lắng bước xuống giường nhưng chưa dám mở cửa bước ra.

Một chút xíu sau đó có tiếng gõ nhẹ cửa và kêu: “Chị Mười ơi! Chị Mười!”. Mẹ nhận ngay ra tiếng của Bảy Dư liền nhanh tay mở cửa. Thì ra Bảy Dư đi học trên huyện mới về tới, cũng chưa biết vụ gì nổ súng trên đó.

Khoảng hơn một tiếng đồng hồ thì tiếng súng êm, có lẽ đã hơn 10 giờ đêm. Mẹ bàn với Bảy Dư để mẹ đốt đuốc giả đò lên tiệm trên đó mua dầu về xức đau bụng cho đứa cháu để nắm tình hình coi sao. Bảy Dư ừ nhẹ, lộ vẻ lo lắng. Đến nơi thì giặc rút hết rồi. Chúng bắt cô Tám Tiệm và chú Sáu Chặc võng xác một anh em mình hy sinh về lộ 24, chỗ bót Ba Ngô.

Đêm đó mẹ không sao ngủ được. Mặt trời vừa mọc, mẹ dậy thay đồ, chụp cái khăn, cái nón lá rách đội lên đầu, tay cầm cái mác như đi làm cỏ ruộng. Đi một vòng quanh chỗ hồi hôm nổ súng, không còn thấy gì ngoài nhiều dấu máu đổ.

Cô Sáu Khuyên, một người tốt với cách mạng cũng ra đó, gặp mẹ. Bà Hai Nhu thấy mẹ với Sáu Khuyên liền gọi: “Đàng kia còn một người chết kìa!”. Bà Hai nói rồi vội quay đi. Mẹ bảo Sáu Khuyên lại coi, còn mẹ thì đi cảnh giới vòng ngoài. Người ấy chỉ còn mặc có chiếc quần ngắn, áo đã cởi ra để xé băng lại vết thương dưới chân, còn thở. Người lạ.

Sáu Khuyên ngồi xuống lắc lắc vai, gọi: “Anh ơi! Anh!”. Người ấy chờn vờn mở mắt, nói ú ớ câu gì nghe không rõ. Rồi như người ấy nhận ra bà con mình chứ không phải địch. Anh nhắm mắt lại, nằm im. Sáu Khuyên gọi đến lần thứ hai, thứ ba, người ấy mới mở mắt, nói thều thào: “Giấy tờ, tiền bạc tôi xé, vứt hết rồi, chỉ còn cây súng”.

Khó khăn lắm anh mới luồn tay được xuống mé hông bên phải của mình móc lấy khẩu súng ngắn K54 dính dầy máu, khô quánh đưa cho Sáu Khuyên. Súng chỉ còn có 1 viên đạn. Anh mặc cái quần ngắn bằng vải KT màu cỏ úa, mình trần dính đầy máu đã khô, nước da trắng càng nhợt nhạt hơn.

Mẹ trở lại. Sáu Khuyên nói vội: “Bộ đội mình, người miền Bắc. Ảnh còn mệt lắm. Còn cây súng đây nè!”. Mẹ nôn nóng thúc Sáu Khuyên kiểm tra lại vết thương. Tháo lớp băng bằng vải áo để lộ vết đạn cắm xuyên bể mắt cá chân, thịt da tưa tải. Mẹ giật chiếc khăn trên đầu mình xuống xé dọc làm hai và vội lấy cây nẹp tre cắm làm bẹo rải phân gần đó đưa cho Sáu Khuyên băng lại.

Nắng đã lên. Mẹ với Sáu Khuyên phải nhìn mọi phía vừa cảnh giác địch vừa cảnh giác người lạ và phải vất vả lắm mới đưa được anh thương binh vô bờ trâm bầu, để nằm dưới đường mương cạn. Sau đó Sáu Khuyên đi cắt lá chuối, bẻ nhánh trâm bầu che như che thây người chết và ở đó canh chừng.

Còn mẹ thì đi lên xóm thăm dò tình hình địch. Biết địch còn đang lãnh thưởng ăn mừng ngoài Chợ Gạo, mẹ đi thẳng ra gặp ông Tám Chà, người thường xuyên tiếp tế thuốc men cho quân - dân y huyện và nói với ông Tám ở dưới đó còn có một thương binh. Ông liền lấy đưa mẹ 10 lọ kháng sinh, 1 ống thuốc ngừa uốn ván và một bụm thuốc viên. Mẹ vội vã quay về.

Nắng đứng bóng. Mẹ với Sáu Khuyên lại ì ạch đưa anh thương binh vô chòi của ông Sáu Thời tránh nắng. Bây giờ mẹ là người canh chừng, còn Sáu Khuyên về nhà nấu cháo, lấy cái mùng đang ngủ ra giặt để cắt làm vải băng, lấy ống tiêm, kim tiêm - dụng cụ cất giấu từ lúc cô còn làm hộ sinh ra nấu khử trùng. Sáu Khuyên làm rất tốt vai trò người điều dưỡng chăm sóc thương binh.

Mặt trời ngã về chiều. Mẹ phải “cầu viện” thêm thằng Năm Lẫm, cháu gọi mẹ bằng cô đem võng lên để khi khuất mình thì võng đưa anh thương binh về dưới nhà bà Sáu Thời, trước mắt tắm rửa, cắt lọc vết thương, lấy quần áo của Năm Lẫm thay, sau mới tính tiếp.

Anh thương binh vẫn khi mê khi tỉnh. Mấy lúc tỉnh, mẹ hỏi nhiều lần mới biết anh tên là Tư Quy, người quê ở Hà Tỉnh, là cán bộ thuộc đơn vị Trung đoàn 2 của khu, bị thương lúc đang trên đường chuyển thương binh về quân y trung đoàn.

Tối. Một ngày giữ an toàn cho thương binh giữa bốn bề là giặc đã mừng lắm rồi, giờ không biết phải làm sao chuyển thương binh đi về căn cứ. Nghĩ nát nước cũng chỉ còn một cách là giao cho Năm Lẫm với Sáu Khuyên ở nhà thay phiên nhau canh gác, chăm sóc, để mẹ lên chỗ đường anh em thường qua lại kinh Chợ Gạo đón xem có gặp được ai thì báo tin.

Mẹ ngồi giữa đồng đón anh em từ 8 - 9 giờ tối cho tới 2 - 3 giờ khuya. Mới đầu ngồi ngoài giữa đồng trống cho dễ thấy, sau sương xuống lạnh, mẹ nép vào bờ trâm bầu cho bớt gió, căng mỏi mắt trong đêm. Đêm vắng lặng. Mấy thằng lính trong đồn ngã ba chùa giỡn nghe rõ mồn một. Cứ nó bắn cái đùng thì mẹ giật mình cái độp.

Trời càng sắp sáng mẹ càng nao lòng: Tới giờ này chắc là không còn anh em mình qua lại, phải tính cách nào cho ngày mai? Mẹ đứng dậy lững thững bước thấp bước cao đi về. Năm Lẫm với Sáu Khuyên vẫn thức canh. Mẹ gọi hai người lại nói mà như ra lệnh: “Ở phía sau nhà bà Sáu có một vạt đất chừng 4 công đất, toàn cây trâm bầu, me keo khá rậm, ở giữa có cái đìa dứa gai lớn cỡ cái nhà 3 căn. Bây giờ thằng Năm Lẫm đốt đèn, lấy lồng đèn đi liền ra đó khoét một cái lỗ sâu trong dứa để có động thì đưa Tư Quy ra đó. Người ta xa gia đình vào tận miền Nam chiến đấu, bằng giá nào mình cũng phải bảo vệ an toàn!...”.

Một ngày nữa trôi qua. Sáng mùng chín, mẹ cũng đi đầu trên xóm dưới nghe ngóng tình hình động tịnh thế nào. Mới lên gần tới nhà cô Ba Tốt thì thấy lính ngoài quận kéo vô rần rần, nó đi nhanh lắm. Mẹ tự hỏi: Bị lộ chăng? Mẹ thấy lính và lính cũng thấy mẹ, không thể nào quay lại được, nếu bị lộ mà quay lại thì nó theo càng nguy hiểm hơn thay vì ở lại tìm cách đối phó. Thấy cô Ba Tốt đang ngồi ở vạt rau, mẹ gọi lớn: “Cô Ba ơi, có rảnh chiều xuống làm cỏ cho tui một buổi nhen!”.

Thằng Chín H., Xã trưởng xã Bình Phan với đám lính đi đầu đã đứng sát bên lên tiếng: “Cái nhà của ông thầy giáo Lúa ở chỗ nào?”. Thằng Chín H. không biết là vì nhà mẹ ở xã Bình Phan nhưng giáp với xã Bình Phục Nhứt. Lúc ấy mẹ khẳng định việc Tư Quy bị thương còn ở lại đây đã bị lộ vì nhà thầy giáo Lúa là nhà của mẹ. Mẹ ú ớ chưa trả lời, vì trả lời không biết thì sợ gặp lính quen; còn nói biết, chỉ đường thì… May sao lúc đó ở phía sau đám lính có thằng “cải chính”: “Không phải thầy giáo Lúa. Nhà ông Bảy Hổ mà”. Mẹ thở một cái khì nhẹ nhỏm, vừa nói, vừa chỉ: “Nhà ông Bảy Hổ đi đường này nè…”.

Qua những ngày, đêm mồng chín rồi mồng mười, mười một, mười hai, mười ba, cứ hết thuốc điều trị thì lên ông Tám Chà. Đêm, từ lúc trăng non, mới tối một chút là lặn mất cho đến lúc trăng sắp tròn bữa nào mẹ cũng ra ngồi giữa đồng để đón anh em, đến 2 - 3 giờ sáng không gặp ai mẹ mới về.

Về lại nghĩ không thể để lâu hơn nữa, bèn bàn với Năm Lẫm: “Bữa nay làm thế nào mày cũng qua bên xã An Thạnh Thủy tìm mọi cách để quan hệ cho bằng được. Để Tư Quy ở đây lâu ngày bị lộ là chết cả đám!”.

Năm Lẫm đi từ sáng sớm tới tối mò mới về, mừng ra mặt báo tin: Gặp được anh em trong đơn vị của Tư Quy, biết Tư Quy còn sống và đang được bà con nuôi, vết thương đang phục hồi dần ai cũng mừng rơi nước mắt. Năm Lẫm với anh em thống nhất nhau thời gian và điểm hẹn đón rước vào tối mai.

Sáng sớm mẹ chuẩn bị đồ đi thẳng ra Chợ Gạo nắm tin tận ngoài đó và mua cá tôm về làm một bữa cơm đãi anh thương binh ăn ngon rồi lên đường.

Mười giờ tối ngày 14 tháng 5, ám hiệu của các cơ sở mật đều cho biết giặc không bung ra hoạt động. Tại điểm hẹn gặp, anh em đơn vị cũng làm tín hiệu đã đến, đang chờ. Mẹ, Năm Lẫm, Sáu Khuyên và có cả bà Sáu Thời võng anh thương binh từ cái “hang dứa gai” ra “bàn giao”.

Đêm đó trời đầy sao, trăng sáng lung linh như ánh bạc, dân với bộ đội đều vui mừng rồi cứ để cho những giọt nước mắt yêu thương rơi xuống trong ánh trăng.

NGUYỄN HỮU CHÍ

.
.
.